Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Khi Chúa chúng ta nắm giữ được một người nào đó, ít là qua việc Hiệp lễ, Người sẽ để lại một ký ức không thể gột sạch được và một dấu vết về con đường Người đã đi qua: nó giống như một vương quốc đã được chinh phục, nơi mà Đức Giê-su đã cai trị ít nhất là vài ngày.” (gửi cho Bá tước de Fraguier, tháng 2/1866)
Trong suốt hành trình sứ vụ công khai của Đức Giê-su, chúng ta thấy rằng khi một người nào đó được đưa vào mối tương giao với Người, thì ngay lập tức nảy sinh một mối dây bằng hữu thân thiết. Cụ thể, chúng ta nhận thấy điều này khi Phi-líp- phê, sau khi gặp Đức Giê-su, đã quay trở về ngôi làng của mình và kể cho người bạn hữu của mình là Nathanaen về Đức Giê-su. Thậm chí, ông đã giới thiệu Nathanaen với Đức Giê-su và khi mối tương giao được thiết lập, chúng ta thấy Đức Giê-su đã tiếp đón ông. Khi những lời nhận xét của Đức Giê-su xuyên thấu tận đáy lòng của Nathanael, thì chúng để lại một ký ức không thể gột sạch được và Nathanael đã trở lại, mặc dù không được đề cập nhiều lắm trong Tin Mừng, nhưng có lẽ điều đó cho thấy rằng không có điều gì quá sốc hay vượt quá điều bình thường cả!
Chúng ta thấy chuyện xảy ra tương tự với những người khác, một trường hợp đáng chú ý đó là dân làng Samari, nơi mà người phụ nữ đã kêu gọi. Chính bà đã quay trở lại ngôi làng và nói với mọi người rằng bà đã gặp một con người phi thường, người đã nói với bà về mọi chuyện liên quan đến cuộc đời của bà… dân làng đổ xô đến với Đức Giê-su nhưng sau khi họ dành thời giờ ở lại với Người, họ đã nói với người phụ nữ ‘Bây giờ chúng tôi tin không phải vì những lời bà nói với chúng tôi, nhưng vì chúng tôi đã chứng kiến tận mắt!’ (Ga 4,4-42). Và điều này cũng xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Trong hoạt động tông đồ của chúng ta nhằm đưa người khác đến với Đức Giê-su, tất cả những gì chúng ta cần làm đó là làm cho họ liên đới với Người, có thể qua một lời cầu nguyện, hay một dấu chứng mà chúng ta thể hiện với lòng hăng hái. Khi người ta đã cảm nếm được sự nhân lành và lòng thương xót của Đức Giê-su, chúng ta có thể an tâm để họ ở lại trong tình thân hữu của Đức Giê-su. Người sẽ làm tất cả!
Tuy nhiên, chúng ta không được phép tưởng tượng rằng sự lôi cuốn này của Đức Giê-su sẽ xuất hiện mỗi khi chúng ta đem một ai đó đến với Người. Trong những lúc ấy, có thể xuất hiện một sự thay đổi vô hình nơi con người mà chúng ta đem đến với Người, thế nhưng chúng ta không cần phải lo lắng về điều đó. Tất cả những gì Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta đó là dành cho Người một cơ hội và nếu đúng như vậy thì Người sẽ không bao giờ ép buộc người ta bằng bất cứ giá nào, nhưng chúng ta có thể đoan chắc rằng Người có cách riêng để lôi kéo những đứa con yêu dấu của Thiên Chúa trở về với Chúa Cha. Người có thể chờ đợi và tấn công vào lúc thích hợp nhất, nói chung là lúc khẩn cấp đối với người ấy. Vì kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng chúng ta có thể bị tổn thương vì tình yêu khi chúng ta cần đến nó hay gặp rắc rối về chuyện gì đó. Khi nhận ra Chúa để ý đến những nhu cầu của chúng ta một cách rộng lượng và thấu suốt, chính chúng ta sẽ muốn trở về với Người hết lần này đến lần nọ và trước khi chúng ta biết điều gì đang thực sự xảy ra, chính chúng ta sẽ chiếm được tình yêu tuyệt vời của Người.
Tình yêu này sẽ ngày càng chín mùi nếu sau đó chúng ta có thể trở thành những sứ giả cho tình yêu của Người khi làm chứng trước mặt người khác. Vả lại, tất cả những gì chúng ta cần làm đó là đem những ứng sinh có triển vọng bước vào mối tương giao với Thiên Chúa và dâng mọi sự cho Người. Và chu kỳ sẽ bắt đầu trở lại. Không gì dễ hơn việc trở thành một tông đồ của tình yêu dành cho Đức Giê-su! Vì qua việc giúp người khác đến với Đức Giê-su, chính chúng ta sẽ tiến lại gần Người hơn bao giờ hết.