Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Tình trạng đau khổ luôn luôn phát xuất từ Thiên Chúa. Đây chính là tình trạng mà Thiên Chúa dùng để đem lại điều tốt hơn cho chúng ta, và để ban cho”
Trước khi ban phát bất kỳ ân huệ nào cho chúng ta, đầu tiên Thiên Chúa gây ra một sự khát khao mãnh liệt nơi chúng ta. Trước hết, Người chỉ cho chúng ta thấy ân huệ cao quý đó là gì, qua việc nhận ra nó hoạt động nơi người khác, hay qua việc đọc ra sự kỳ diệu của nó, hay thậm chí có thể là cảm nếm đôi chút về ân huệ ấy. Sau khi lôi cuốn sự chú ý của chúng ta bằng động cơ ban đầu này, có thể nói như vậy, kế đó Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta ao ước điều ấy. Sau hết, Thiên Chúa sẽ không ném những viên ngọc của Người cho heo, khi mà chính Người khuyên chúng ta, những đứa con của Người, không nên làm như vậy. Thậm chí, sau khi chúng ta ao ước ân huệ tuyệt vời ấy, hầu như là Người sẽ ban cho chúng ta một phần khác của ân huệ ấy, không phải để trêu tức chúng ta, nhưng là để giữ cho niềm khao khát của chúng ta tiếp tục lớn mãi cho tới khi nó trở thành một niềm đam mê và nỗi ám ảnh trong chúng ta! Điều này cũng chuẩn bị cho chúng ta biết cách trả giá vì ân huệ này.
Nhìn chung, đây sẽ là những đau khổ hay thập giá đặc biệt mà người khác dường như không chịu đựng được. Nhưng giờ đây, chúng ta có một mục tiêu xác định, và đang sẵn sàng để trả giá vì tình yêu, chúng ta sẽ ngày càng sẵn sàng và sẵn lòng để đón nhận nó một cách vui vẻ. Cha Eymard còn đi xa hơn nữa khi cha đề nghị rằng đau khổ này có thể là một “tình trạng”, một loại đau khổ kéo dài. Nếu đây là điều mà Thiên Chúa muốn dành cho chúng ta, chúng ta hãy chấp nhận nó qua việc dùng lý trí của mình để đưa ra những lời giải thích trong những trường hợp này, điều đó có nghĩa là đau khổ kéo dài này phải là hậu quả của những tội lỗi hay những điều khác do chúng ta đã gây ra. Câu chuyện ông Gióp nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa có thể muốn chúng ta chịu đựng đau khổ để chứng tỏ lòng trung tín của chúng ta đối với lời Ngài. Dĩ nhiên, khi con người chạm đến toàn thể vấn nạn này bằng tình yêu, thì cường độ và phạm vi của đau khổ sẽ không còn tạo ra bất kỳ một sự khác biệt nào nữa.
Quả thực, phần đau khổ của mỗi ngày sẽ được xem như một phúc lành đặc biệt, đem đến điều lành cho chính chúng ta và cho người khác. Như Viktor Frankl, qua lý thuyết về liệu pháp trị liệu tâm lý nổi tiếng của mình, đã chỉ cho chúng ta thấy rằng khi một ai đó tìm được ý nghĩa cho cuộc sống của mình, người ấy có thể chịu đựng bất cứ đau khổ nào, thậm chí là cả những đau đớn về phần thể xác trong Trại Tập Trung. Khi ý nghĩa này được nối kết với sự thiện vĩnh cửu (có lẽ là ơn cứu độ) mà Thiên Chúa muốn dành cho một vài người nào đó, chẳng lẽ người Ki-tô hữu ngoan đạo lại không dám sẵn sàng để chấp nhận đau khổ ấy sao? Và phúc lành được dành cho những người hưởng lợi sẽ không đủ khích lệ người ấy kiên trì đến cùng hay sao?
Chúng ta biết rõ là một người mẹ sẵn sàng chịu đựng đau khổ tột cùng chỉ vì tình yêu dành cho đứa con đang đau bệnh của mình mà thậm chí không nghĩ đến chuyện than phiền những bất tiện gây ra cho bà. Cũng thế, người Ki-tô hữu tin rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ gửi đến cho anh ta/chị ta bất kỳ đau khổ nào vượt quá sức chịu đựng của họ, và khi Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta một thập giá, thì trong cái rủi lại có cái may, chắc chắn là người ấy sẽ sẵn sàng chấp nhận bất kỳ đau khổ nào mà Chúa nhân lành gửi đến cho họ. Thực vậy, anh ta/chị ta thậm chí sẽ tiến xa hơn và giống như các tông đồ trong Sách Công Vụ Tông Đồ ở chương 5 câu 41, luôn xem đó như đặc ân để chịu đau khổ vì danh Chúa! Chính việc đón nhận Thập giá này làm cho người ta trở thành một chứng nhân của Đức Giê-su Phục Sinh.