Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 11 ngày 17

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

Xin cho tâm hồn con thuộc về Chúa qua việc thanh tẩy ý hướng, qua việc gắn kết với tình yêu của Người, qua việc cậy trông vào lòng thương xót của Người.” [Gửi cho  cô Josephine Gourd, 6/1866]

Kinh Thánh minh chứng  rằng con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa giàu lòng yêu thương với ý định mời gọi họ chia  sẻ sự   sống   với   Ngài qua Giao ước. Mối tương quan giao ước này là mối dây liên kết sâu sắc nhất giữa hai người khi mỗi người bước vào Giao ước với ước muốn rõ ràng là trao ban tất cả mọi thứ thuộc về mình cho người khác. Cụm từ Giao ước điển hình trong Kinh Thánh là:  “Ta sẽ là Chúa các ngươi và các ngươi sẽ là dân Ta!”. Thế nhưng, mặc dù con người được dựng nên vì mục đích ấy, Thiên Chúa sẽ không phá vỡ Giao ước của Ngài với bất kỳ ai. Ngài yêu thương mời gọi con người bước vào tương quan sâu đậm này với Ngài. Sách Xuất Hành đã diễn tả ý tưởng này: “Các ngươi đã thấy những gì Ta đã làm đối với Ai Cập, và đã nâng các ngươi trên cánh chim bằng mà đem đến với Ta (như thế nào). Vậy giờ đây, nếu các ngươi thật sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta” (Xh 19,3-5).

Trước hết, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài cho chúng ta. Ngài không chỉ ban lời cho chúng ta để chứng tỏ yêu sách của Ngài, nhưng thực hiện những điều kỳ diệu cũng như qua việc cứu độ chúng ta thoát khỏi những cạm bẫy của sự chết, trong những tình cảnh mà không một ai có thể giúp ích gì cho chúng ta! Khi  đã làm theo cách của mình để biểu lộ tình yêu đặc biệt và vô biên của Ngài dành cho chúng ta, bấy giờ Ngài sẽ đợi chờ lời đáp trả của chúng ta. Khi con người biết đón nhận một cách vô điều kiện, Thiên Chúa sẽ tiếp tục đổ tràn những ơn lành. Tuy nhiên, kẻ lãnh nhận sẽ không vâng theo, những gì người ấy làm thực sự đang khép cánh cửa đời mình lại với Thiên Chúa_Đấng sẽ không áp  đặt con đường hay kế hoạch của Ngài lên bất kỳ ai. Ngài đứng ngoài cửa và gõ, và hễ ai mở cửa cho Ngài, thì Ngài sẽ vui vẻ bước vào và ‘dùng bữa với người ấy’ (Kh 3,20)

Gánh nặng của hiệp ước đáng kể này nằm ở phía con người. Đó là lý do vì sao cha Eymard khuyên người con linh hướng của mình hãy đoan chắc rằng tâm hồn họ thuộc trọn về Chúa. Điều này không chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng phải được thể hiện mỗi ngày và mỗi lúc khó khăn khi chúng ta bị cám dỗ thoái lui. Bấy giờ, dù cho tất cả những ý hướng ngay lành trong thế gian, con người chúng ta chắc chắn sẽ dao động và thoái lui hết lần này đến lần nọ; nhưng bấy giờ tất cả những gì chúng ta cần làm là trở về cùng Cha với một tình yêu vĩ đại, cậy trông vào lòng thương xót của Người. Người biết chúng ta mỏng giòn và có khuynh hướng thất bại ngay bây giờ và mãi sau này, vì thế không ngạc nhiên khi điều này xảy ra, thậm chí nếu nó được lập đi lập lại. Tất cả những gì Ngài yêu cầu đó là một sự hoán cải thực sự, một ước muốn chân thành trở về với tình yêu không thay đổi của Ngài.

Chính sự chân thành này mà cha Eymard gọi là “sự thanh tẩy ý hướng” vì những ý hướng đen tối và những mức độ của chủ nghĩa cá nhân bị pha trộn lẫn nhau khi con người chúng ta quyết định về bất cứ điều gì. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong việc trở về với tình yêu này, chúng ta luôn ngước nhìn về lòng nhân lành của Chúa chứ không phải vào sự bất trung và hay thay đổi của chúng ta. Điều đó cũng giống như việc trèo lên một cái thang sắt rất cao. Bao lâu chúng ta nhìn lên phía trước, chúng ta không cảm thấy bất kỳ một khó khăn nào. Nhưng khi chúng ta nhìn xuống dưới, chúng ta cảm thấy choáng váng và nỗi sợ bị té ngã sẽ đeo bám chúng ta.