Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Cha xin con đừng đặt sự bình an của con nơi người phàm… bởi vì điều đó giống như việc đặt nó trên đống cát vậy.” (gửi cho bà Lepage, tháng 7 / 1866)
Sự bình an trong tư tưởng là một trong những ân huệ cao quý nhất mà con người có được. Khi một ai đó có được sự bình an nội tâm, thì không gì có thể gây phiền toái cho họ được dù là bất kỳ định chế nào ở thế gian này. Do vậy, không ngạc nhiên lắm vì trước khi lìa bỏ thế gian này, Chúa Giê-su đã để lại bình an của Người cho các môn đệ, một sự bình an mà thế gian không thể ban tặng cũng như không thể lấy mất (Ga 14:27). Tuy nhiên, cũng trong bối cảnh để lại bình an của Người cho chúng ta, Chúa Giê-su đã cảnh báo chúng ta rằng “đừng để tâm hồn anh em ra xao xuyến, hãy tin vào Chúa Cha và tin vào Thầy…”. Nói cách khác, Người nhắc nhở chúng ta rằng mặc dù Người đã ban cho chúng ta chính sự bình an thánh thiện của Người, nhưng chúng ta có thể đánh mất sự bình an đó khi bị quấy rầy và vì lo lắng. Do đó, điểm mấu chốt đối với sự bình an nội tâm và hạnh phúc của chúng ta nằm trong tay chúng ta.
Đó là lý do vì sao cần phải kiểm tra xem cơ sở hay nền tảng sự bình an của chúng ta là gì. Nếu sự bình an đó dựa vào con người, thì nó sẽ đưa đến thất bại, không cần biết người ấy là tốt hay thân thiện đến mức nào. Con người không thể đem lại cho chúng ta sự bình an đó và vì thế cũng cần nhớ rằng Chúa Giê-su đã nói với chúng ta “Thầy để lại bình an cho anh em” (Ga 14:27). Sự bình an của chúng ta phải được xây dựng trên chính con người của Chúa Giê-su và trên Lời của Người, nếu như muốn sự bình an đó tồn tại mãi và không lay chuyển. Thiên Chúa không lừa dối, bên cạnh đó Người biết mọi sự và Người cũng không thể thờ ơ hay lãnh đạm trước những mối đe dọa đang bao trùm chúng ta. Vì thế khi Người ban cho chúng ta bình an, thì đó là một ân huệ mà chúng ta cần vui mừng. Nhưng khuynh hướng của con người chúng ta là luôn lo lắng về những bổn phận tiêu cực trong tương lai vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta. Giờ đây điều tốt nhất đó là khi Thiên Chúa đảm bảo cho chúng ta về sự bình an của Người, Người không có ý nói rằng mọi sự sẽ không diễn ra như chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Hầu như là sẽ có những cơn sóng gió ập đến trên những cuộc hành trình băng qua biển hồ của chúng ta, những người khác sẽ bỏ rơi và làm cho chúng ta thất vọng. Nhưng trong mọi sự, chính Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta rằng “Đừng sợ! Thầy ở cùng anh em… Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16: 26-33). Vì thế, chúng ta có thể trông chờ những chuyện rủi ro xảy đến trong cuộc đời mình, nhưng càng rủi ro, chúng ta càng cần phải vui mừng vì chỉ khi ấy Chúa Giê-su mới có thể tỏ lộ Người quyền năng và vinh hiển như thế nào. Đây chính là chiến thắng của chúng ta,niềm tin của chúng ta.
Mỗi lần chúng ta cử hành Hy Lễ Tạ Ơn và lắng nghe Lời Chúa, hiệu quả sâu xa của việc loan báo này phải là một sự đào sâu về đức tin của chúng ta được diễn tả qua việc Tuyên xưng đức tin cũng như Lời nguyện tín hữu. Nhưng nếu việc này không diễn ra trong suốt Hy Lễ Tạ Ơn và theo một cách có ý thức, thì chúng ta có thể trông chờ những cơn dông tố trong ngày xảy ra trước mắt chúng ta. Chúng ta thấy điều này xảy ra sau phép lạ nuôi năm ngàn người, các Tông Đồ tưởng rằng mình trông thấy ma khi chính Chúa Giê-su đi trên mặt nước (Mc 6:51-52). Lý do là vì các ông không nhận ra Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa trong phép lạ ấy (Thánh Thể) và vì thế các ông cũng không nhận ra Người sau này! Khi đức tin của chúng ta vào Thánh Thể trở nên mạnh mẽ, khi ấy chúng ta sẽ sẵn sàng để sống theo điều mà thánh Phao-lô nói ở chương 8 thư gửi tín hữu Rô-ma “Nếu Thiên Chúa ở với chúng ta, ai có thể chống lại chúng ta? Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Ki- tô?” (Rm 8:31-39).