Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Hãy làm việc cho tình yêu bằng tình yêu thánh thiện. Hãy thắp lửa trong phòng Tiệc Ly khi con chuẩn bị sứ vụ linh mục. Hãy dập khuôn theo mẫu gương thánh thiện của vị Thượng Tế đời đời, là Đức Giê-su” [gửi cho Edmond Tenaillon, tháng 1 năm 1867]
Nếu tình yêu là kho tàng quý giá nhất của con người trên trần gian này, thì người ta còn đòi hỏi gì nữa? Trước hết, chính chúng ta cần nhớ rằng tình yêu mà chúng ta đề cập đến ở đây không phải là thứ tình yêu của con người vốn bị giới hạn và có điều kiện. Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới có giá trị thực sự, vì tình yêu ấy cho đi một cách tự nguyện và vô điều kiện. Vì thế, đây là điểm xuất phát cho những cuộc phiêu lưu trong tình yêu của chúng ta. Chúng ta bắt đầu bằng việc để cho chính mình được Chúa yêu, bị tình yêu ấy bắt chộp, chiếm lấy tình yêu ấy để nó thực sự trở thành một niềm đam mê trong cuộc đời chúng ta. Đây chính là ân huệ mà Chúa Cha mời gọi mỗi người đón nhận vì Người là Đấng yêu thương chúng ta trước. Chỉ sau khi cảm nếm và cảm nghiệm được tình yêu ấy, chúng ta mới bắt đầu sẵn sàng chấp nhận chính mình.
Đó là lúc chúng ta thắp lên ngọn lửa, và nếu chúng ta vẫn trung thành với đòi hỏi được đặt ra, nghĩa là chết đi cho cái tôi, lúc đó người ta sẽ không còn nóicòn lâu tình yêu của Thiên Chúa mới đến được với chúng ta. Kinh Thánh chứa đựng những mẫu gương về những con người hết sức bình thường, thậm chí những con người với những lỗi lầm rõ ràng, nhưng vẫn mở lòng ra với tình yêu bao dung của Thiên Chúa và họ đã được biến đổi trên cả sự tưởng tượng. Thật thú vị khi biết rằng một người như Abraham lại được biến đổi để trở nên tổ phụ của một dân tộc vĩ đại, tất cả chỉ vì sự tầm thường nhưng luôn biết mở lòng ra với những công việc của Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời ông. Thậm chí khi sự hy sinh khó khăn nhất được đặt ra cho ông, nghĩa là hiến tế người con duy nhất của mình, người con của tuổi già. Nhưng ông đã không run sợ hay nghi ngờ tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, các nhân vật trong Tin Mừng gần gũi với chúng ta hơn đến nỗi chúng ta có thể dễ dàng đồng cảm với họ hơn. Phê-rô là một nhân vật có nhiều đặc điểm: rộng lượng, bộc trực, nhiệt thành và dám liều, nhưng cũng yếu đuối và hay thay đổi khi đối diện với đau khổ và bắt bớ. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì về tình yêu nồng nhiệt của ông đối với Đức Giê-su; ông đã mạnh dạn để ở gần Đức Giê-su cũng như để cho Người biến đổi ông từng bước trở thành vị tông đồ vĩ đại. Trong khi thật là khó để chúng ta hành động như Đức Giê-su đã làm, tuy nhiên chúng ta cần xem Người như là tấm gương cho chúng ta. Người đã chỉ dẫn chúng ta, cụ thể là trong việc đảm nhận sứ vụ của Thiên Chúa trao phó cho Người. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng không có gì quá vĩ đại đến nỗi không thể phó thác vào bàn tay của Thiên Chúa khi làm việc bằng tình yêu.
Vả lại trong mối tương quan của chúng ta với Đức Giê-su, điều quan trọng cần phải nhớ là không phải chúng ta nắn đúc chính mình theo Người, nhưng tất cả những gì chúng ta làm là hãy để chính chúng ta được Người nắn đúc. Nhiệm vụ của chúng ta là đáp lại tiếng gọi của Người một cách quảng đại mỗi khi có thể. Chúng ta không cần phải sợ hãi những khó khăn liên quan đến việc này, vì chính Đức Giê-su sẽ dẫn dắt chúng ta từng bước; thậm chí Người sẽ biến những thất bại của chúng ta thành những bước đi vững vàng khi chúng ta thực sự đặt mình vào trong bàn tay của Người như cục đất sét trong tay người thợ gốm. Người ta cần nghiệm ra điều này để tin rằng đó là sự thật! Khi đảm nhận một công việc, Đức Giê-su sẽ làm cho nó nên hoàn thiện và điều này cũng đúng khi Người dùng chính mình để nắn đúc chúng ta trở nên những linh mục giống như Ngài.