Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 12 ngày 03

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

Vì yêu mến Chúa là tất cả, được Người yêu thương  là hạnh phúc lớn lao, phục vụ Người bằng nhân đức và sự vâng phục là sự trọn hảo tuyệt vời” [gửi cho bá tước D’Andigne, tháng 9 năm 1865]

Nói một cách ngắn gọn, câu trích dẫn này của cha Eymard rất giàu ý nghĩa. Lúc đầu, trong sứ điệp gửi cho người con linh hướng của mình, có thể cha đã giải thích rằng tất cả những   gì   họ   muốn dâng lên Chúa sẽ không tốt nếu nó không phát xuất từ tình yêu. Chúng ta có thể tóm kết sứ điệp của cha qua những lời của thánh Phao-lô: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm  chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,1-7).

Một sự trở về tận căn với tình yêu sẽ không thể xảy ra nếu trước tiên chính chúng ta không cảm nghiệm được tình yêu vô biên của Chúa Cha. Không nghi ngờ gì, sự nhận thức này sẽ là của chúng ta chỉ khi chúng ta luôn biết nhìn vào những điều kỳ diệu mà qua đó Thiên Chúa tỏ lòng yêu thương chúng ta trong mọi khoảnh khắc của ngày sống. Khi chúng ta đọc Kinh Thánh hay tốt hơn nữa là có người khác đọc cho chúng ta nghe, cụ thể là trong phần Phụng vụ Lời Chúa, sau tất cả các bài đọc, chúng ta cần giữ thinh lặng và lắng nghe Thiên Chúa nói với chúng ta: ‘Các ngươi có biết Ta yêu thương các người biết dường nào?’ Đây là câu hỏi mà Gia-vê Thiên Chúa đã đặt ra với dân Ít-ra-en thông qua Mô-sê khi họ sẵn sàng để ký kết Giao ước với Ngài tại chân núi Si-nai: “Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta…” (Xh 19,3-5).

Thật không may, hầu hết các Ki-tô hữu đã không giữ thinh lặng sau các bài đọc để cảm nghiệm tình yêu bao la của Chúa Cha, thế nên lời đáp trả của họ đối với tình yêu ấy rõ ràng là chỉ dừng lại như một cách giải quyết phát xuất từ cái đầu chứ không phải từ con tim! Nhưng nếu chúng ta tìm thấy hạnh phúc của mình, thậm chí là ở mức độ thể lý của cảm giác, nơi tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, được diễn tả qua nhiều cách khác nhau, bấy giờ mục tiêu của chúng ta là phục vụ Ngài bằng nhân đức và sự vâng phục, như cha Eymard đề nghị.

Nhân đức mà cha nhắc đến không xuất hiện trong cuộc đời chúng ta vì chúng ta đã siêng năng trau dồi nhân đức này qua việc thường xuyên suy niệm và kiểm điểm cẩn thận lương tâm của mình- đó cũng sẽ là một nỗ lực hướng về bản thân và sẽ kết thúc mà không sinh hoa kết quả và mang tính giả tạo. Đúng hơn, nhân đức này sẽ nở rộ trong cuộc đời chúng ta vì chúng ta đã mở lòng mình ra để quyền năng biến đổi của Thánh Linh, Đấng thực sự biến đổi chúng ta trong Đức Ki-tô hơn là chúng ta có thể tự mình biến đổi. Bao lâu chúng ta không gây cản trở cho công việc của Ngài thực hiện trong cuộc đời chúng ta bằng chính cái tôi của mình, chắc chắn Ngài sẽ tác tạo và nắn đúc chúng ta trong Đức Ki-tô một cách rất hiệu quả.

Sau cùng, phẩm chất duy nhất mà Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta đó là sự vâng phục đầy yêu thương của chúng ta, sự sẵn sàng để nói ‘Có’ với Ngài mà không quan tâm đến việc Ngài đòi hỏi chúng ta là gì. Đó chính là phẩm chất xuất hiện trong cuộc đời của Chúa Giê-su như đã được diễn tả trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê 2,5-11 – ‘Người đã vâng lời cho đến  nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá…!’