Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 12 ngày 04

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

Kinh nghiệm là khoa học vĩ đại của cuộc sống” [Gửi cho cô Maria Gaudion, tháng 5/1865]

Thật sự là đáng kinh ngạc biết bao khi cha Eymard đã quá quen thuộc với việc tự nhận thức về bản thân. Trong  khi  khả  năng tự nhận thức này là một trong những khả năng rõ ràng nhất thuộc về con người mà qua đó Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta,  thì thật không may nhiều người đã không để ý đến những gì đang diễn ra trong tâm trí và tâm hồn của mình trong suốt ngày sống. Khi chúng ta cẩn thận để ý đến ‘máy thu hình’ hay máy thu âm bên trong luôn luôn hoạt động trong tâm trí chúng ta, chúng ta sẽ phát huy được khả năng học hỏi từ kinh nghiệm mà ở đây cha Eymard gọi là ‘khoa học vĩ đại của cuộc sống.’

Cách đơn giản nhất để tìm được lợi ích từ tất cả những kinh nghiệm hình thành nên sợi ngang dọc trong cuộc đời chúng ta đó là thực hành nghệ thuật biến chuyển tất cả ‘những kinh nghiệm thô sơ’ thành ‘những kinh nghiệm sống’. Tất cả những gì chúng ta trải qua, tốt hay xấu, trong suốt những khoảnh khắc bừng tỉnh của chúng ta, cũng có thể được gọi là những kinh nghiệm ‘thô sơ’ về cuộc sống, chất liệu thô mà Thiên Chúa dùng để chuyển trao tình yêu của Ngài cho chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở những chất liệu thô này, chúng ta sẽ chẳng tìm được điều gì có giá trị cả. Chẳng hạn, khi vải cotton được kéo sợi và dệt thành quần áo, thì  chúng ta có được một thứ có giá trị. Cũng vậy, chúng ta cần nhớ lại những biến cố trong ngày, phân định xem Chúa đang nói gì với chúng ta qua những biến cố ấy nhằm mục đích sinh ích lợi và đem lại bài học cho chúng ta.

Tất cả chúng ta nhận thấy rằng Thiên Chúa nói với chúng ta bằng lời, nhưng cũng bằng hành động nữa. Và đó là lý do vì sao từ ‘dabar’ trong tiếng Do Thái được dùng để chỉ cả lời lẫn hành động của Thiên Chúa. Do đó, sự việc tôi bị trễ xe buýt để có thể đến đúng giờ và để hoàn thành mục đích của mình là đi vào thành phố- có thể là điều Thiên Chúa đang nói với tôi rằng Ngài có một kế hoạch khác dành cho tôi, kế hoạch của riêng Ngài, và là kế hoạch tốt hơn. Qua việc lỡ xe buýt và phải chờ đợi (nếu tôi vui vẻ đón nhận kinh nghiệm không may đã đẩy những dự định của tôi chệch đường rầy!), có thể xảy ra là tôi đã gặp một người bạn và để tai lắng nghe cũng như giúp anh gỡ rối những phiền phức và nỗi thống khổ của anh. Việc lỡ xe  buýt có thể biến tôi trở thành một ‘người Samari nhân hậu’ đối với những người thân cận đang cần trợ giúp và đem lại cho họ ơn lành của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chính khi tôi biết ngồi lại và suy nghĩ xem  nếu mình đón được xe buýt theo như dự định của mình, thì mình sẽ không có cơ hội để cảm nghiệm được niềm vui phục  vụ tha nhân, đó là lúc tôi tìmđược một lý do có ý nghĩa cho  việc lỡ xe của mình. Bấy giờ, tôi có thể tạ ơn Chúa vì đã để cho tôi lỡ chuyến xe buýt đó. Kinh nghiệm ‘ban đầu’ của sự bất tiện này sẽ trở nên một kinh nghiệm ‘sống’ có ý nghĩa và có mục đích.

Chỉ khi nào chúng ta biết tự đào luyện mình để thường xuyên phản tỉnh, chúng ta mới bắt đầu học hỏi được từ những kinh nghiệm trong cuộc sống của mình. Kinh nghiệm sâu sắc của Phao-lô ‘Chúng ta biết rằng: mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa, tức là cho những kẻ được kêu gọi theo ý định của Người’ (Rm 8,28), mời gọi chúng ta biến đổi những kinh nghiệm ban đầu của mỗi ngày sống thành một thông điệp đầy ý nghĩa đến từ Chúa và đáp lại lời Ngài bằng tình yêu và lòng biết ơn.