Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 12 ngày 18

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

Hãy luôn luôn giản dị trong thái độ, hiền dịu trong tâm hồn và hân hoan vui mừng trong cách sống của  con”  [Gửi  cho bà Mathilde  Giraud-Jordan, tháng 1 năm 1866].

Ở đây, chúng ta tìm thấy một lời khuyên khác rất thực tế và không viển vông từ cha Eymard. Người ta nói rằng sự đơn  giản là điểm mấu chốt của những con người vĩ đại, vì họ nhận  biết rằng mình được ban tặng không phải là để khoe khoang những tài năng của mình cốt để gây sự chú ý đối với người khác, là những người sau đó sẽ khen ngợi mình vĩ đại. Sự vĩ đại thực sự là điều chúng tacó được trước mặt Chúa. Chúa Giê-su đã cảnh báo chúng ta đừng tìm kiếm sự tán dương của người đời như những người Pha-ri-sêu thường làm, vì cách làm này có nghĩa là họ đã được thưởng công rồi (Ga 5,41-47). Người con linh hướng trong trường hợp này dường như đã có được phẩm chất giản dị này, nhưng cha Eymard khuyến khích bà tiếp tục phát huy phẩm chất ấy.

Có một mối nguy hiểm hơn nữa đó là sau khi khởi đầu êm xuôi, người ta có thể từ bỏ và đánh mất mọi thứ. Những người này giống như Phê-rô, người có đức tin đủ mạnh, đã dám xin Chúa Giê-su cho mình đi trên những ngọn sóng dữ dội của mặt nước biển đầy bão tố. Với lệnh truyền của Đức Ki-tô, ông đã bước đi với đức tin vững mạnh và can đảm, nhưng khi nhìn thấy những đợt sóng lớn xung quanh mình, thì ông ngã lòng và bắt đầu chìm (Mt 14,27-33). Chúng ta cũng có thể có kết cục như vậy cho dù sự khởi đầu rất tốt và đáng khích lệ.

Theo nguyên nghĩa, từ pious (lễ độ) diễn tả một thái độ tin tưởng, thái độ của những đứa con hướng về cha mẹ của chúng và đó chính là thái độ sẽ giúp cho người Ki-tô hữu  đứng vững trong mọi hoàn cảnh. Mặc dù chúng ta thường đọc kinh Lạy Cha, nhưng ít khi chúng ta nhận ra rằng chính giây phút chúng ta thưa lên tiếng “Lạy Cha” thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng mình là con cái của Ngài! Ngoài ra, chúng ta không có quyền gọi Ngài là Cha trừ khi chúng ta dùng từ đó như một tiêu đề. Vì thế, tất cả chúng ta cần đào sâu sự nhận thức của mình về tình trạng là con cái của Thiên Chúa, nỗ lực để sống điều đó bao nhiêu có thể.

Khi chúng ta đã nội tâm hóa thái độ nền tảng của việc trở nên con cái Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy rằng tự động chúng ta sẽ hoan lạc trong tâm hồn. Lời khuyên nhủ của thánh Phao-lô gửi cho tín hữu Phi-líp-phê vẫn mãi còn giá trị thậm chí đối với chúng ta ngày nay, ‘Anh em hãy vui mừng luôn trong Chúa.  Tôi nhắc lại: vui mừng lên anh em! Chớ gì mọi người biết đến lòng khoan dung của anh em, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ dùng lời cầu khẩn, van xin với lời tạ ơn, mà giãi bày cùng Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa  là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.’ (Pl 4,4-7). Bình an và hoan lạc là những món quà Phục Sinh đặc biệt của Chúa Phục Sinh và chúng là đặc trưng của người Ki-tô hữu dù họ ở bất cứ nơi đâu. Một Ki-tô hữu buồn tẻ và hay than khóc là một cảnh tượng đáng buồn, vì “Nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, ai chống lại được chúng ta? Chính Con của mình, Thiên Chúa đã không tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta; lẽ nào, cùng với người Con ấy, Người lại chẳng rộng ban mọi sự cho chúng ta?… Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki- tô?.. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dù là sự chết hay sự  sống, thiên sứ hay quản thần,… hoặc bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,31-39).