Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 12 ngày 22

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

Khiêm nhường và sự sỉ nhục là hoa trái của thập giá” [Gửi cho Marguerite Guillot, 3/1853]

Đối với các Ki-tô hữu, thập giá là một biểu tượng của sự sống đời đời- đó là con đường mà Thiên Chúa đã chọn và Chúa Giê-su đã đón nhận một cách đầy yêu thương để bất cứ ai vui vẻ đón nhận thập giá ấy trong cuộc đời mình thì chắc chắn sẽ có được sự sống đời đời. Về cơ bản, thập giá biểu hiện cho việc chết đi cho chính mình và cho tất cả những gì là tội lỗi hay chống lại thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta, và vì thế rõ ràng là khi cuộc đời chúng ta được giải thoát khỏi sự ích kỷ và tội lỗi, chắc chắn chúng ta sẽ có được sự sống của Thiên Chúa. Nhưng chủ nghĩa cá nhân là một thứ tai họa, chẳng hạn như nếu chúng ta không luôn luôn cố gắng để loại bỏ nó ra khỏi cuộc đời mình  thì nó sẽ quay trở lại quấy rầy chúng ta. Hay đúng hơn, như điều mà chính Đức Giê-su đã cảnh báo chúng ta khi nói, ‘Khi thần ô uế xuất khỏi một người, nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi mà tìm không ra. Bấy giờ nó nói “Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi. Đến nơi, nó thấy nhà để trống, lại được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo theo mình bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước. Thế hệ gian ác này rồi cũng sẽ bị như vậy” (Mt 12,43-45).

Vì thế, Thập giá đem lại cho chúng ta phương thuốc chữa trị; Thập giá cũng mời gọi chúng ta biết kiềm chế tính ích kỷ của mình qua việc đề phòng và hãm mình ép xác. Thực tế, khi chúng ta cảm nếm được sự sống đời đời mà Chúa Giê-su hứa ban cho chúng ta, chúng ta sẽ vui mừng tìm mọi cách để chiếm được kho tàng ấy bằng bất cứ giá nào, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông đi bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,44-46). Khi chúng ta thực sự gặp được Đức Ki-tô, chúng ta sẽ sẵn sàng bán đi tất cả những gì mình có để chiếm lấy Ngài.

Bên cạnh đó, khi một ai đó biết thông phần với những đau khổ và sự khiêm nhường của Chúa Giê-su một cách yêu thương và sẵn lòng, thì người ấy sẽ không còn phải lo sợ về bất kỳ điều gì mà thế gian sẽ đem lại cho mình. Bởi vì người ấy là môn đệ của Chúa Giê-su và điều ấy sẽ không bao giờ sánh  được với đau khổ mà Chúa Giê-su đã trải qua. Đến đây chúng ta lại nhớ tới những lời của Chúa Giê-su, “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt đặt anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của  anh em tồn tại, hầu bất cứ điều gì anh em xin Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu mến nhau. “Nếu thế gian thù ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã thù ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã mến thương cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, nên thế gian thù ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ. Nếu họ đã ngược đãi Thầy, họ cũng sẽ ngược đãi anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em.  Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em vì  danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai phái Thầy” (Ga 15,16-21). Do đó, sự khiêm nhường thực sự là hoa trái của việc chia sẻ  Thập giá với Chúa Giê-su.