Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Sống hoàn toàn theo Chúa Giê-su và cho Chúa Giê-su, không phải như một kẻ làm thuê luôn tìm kiếm phần thưởng cho mình sau mỗi công việc” [Trích trong ‘Thánh Thể và sự hoàn thiện Ki-tô giáo trong đời sống Thánh hiến’,1927]
Nhiều lần chúng ta đã nghe cha Eymard nói rằng Chúa Giê-su phải là trung tâm đời sống Ki-tô hữu của chúng ta. Một minh chứng cụ thể cho điều này chính là chúng ta sống hoàn toàn theo Chúa Giê-su: Ngài trở thành nguồn mạch và cội nguồn cho mọi biến
cố trong cuộc đời chúng ta. Như thánh Phao-lô, chúng ta biết quay đầu trở lại với Ngài sau mỗi lần vấp ngã, “Lạy Chúa! Chúa muốn con làm gì?” (Cv 22,10). Khi chúng ta đã hoàn toàn đặt trọn cuộc đời mình vào tay Chúa, chúng ta cần nhìn vào câu hỏi thứ hai, đó là: Vì lý do nào mà tôi phụng sự Chúa? Nếu chỉ vì mong nhận được phần thưởng dù chỉ là một phần thưởng nhỏ nhoi nhất, thì chúng ta sẽ trở thành những kẻ làm thuê chỉ biết tìm kiếm lợi lộc cho mình.
‘Người nào làm việc, thì tiền công trả cho người ấy không được kể là ân sủng mà là nợ. Còn người nào không làm việc nhưng tin vào Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì đức tin của người ấy được kể là điều công chính. Cũng vậy, vua Đavít nói về hạnh phúc của người được Thiên Chúa kể là công chính mà không xét đến việc làm:
“Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà
được khoan dung!
Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội!’ (Rm 4,4-8)
Chúng ta biết rằng những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta bằng lòng quảng đại và tình yêu của Ngài thì còn hơn cả tiền lương mà chúng ta đã từng nhận được. Bên cạnh đó, việc làm của chúng ta đầy những khiếm khuyết từ khởi sự cho đến hoàn thành, cố gắng vượt qua bằng chính cái tôi, và sau khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì chúng ta hãy nói: “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng” (Lc 17,10).
Do đó sẽ còn tốt hơn nữa khi ta đặt trọn đời mình vào bàn tay yêu thương của Đấng cứu độ chúng ta, và đón nhận tất cả những gì Ngài gửi tới cho chúng ta, tạ ơn Ngài vì chúng ta không bị đối xử như những tôi tớ, nhưng được xem như bạn hữu của Ngài (Ga 15,15). Bên cạnh đó, chính Ngài nói với chúng ta rằng Ngài chọn ‘những kẻ Ngài muốn. Và Ngài lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Ngài và để Ngài sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3,14-15). Do đó, ngay cả khi chọn chúng ta, (và Ngài làm điều này trước khi chúng ta được thụ thai trong lòng mẹ), Chúa Giê-su đã chọn chúng ta là những bạn hữu của Ngài, liên kết với Ngài bằng tình yêu hơn là bằng ý thức về bổn phận.
Tuy nhiên, một điều đáng buồn trong cuộc đời chúng ta là mặc dù chúng ta sống trong nhà Chúa, tự nhận mình là những người con, nhưng nhiều người trong chúng ta lại có thái độ của những kẻ tôi tớ, như đã xảy ra đối với trường hợp người con cả trong dụ ngôn “người con hoang đàng”. Khi anh từ ngoài đồng về… anh đã trả lời cha ‘Cha coi! đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng bao giờ trái lệnh, thế mà chẳng bao giờ cha cho con một con dê nhỏ để ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, thì cha lại giết bê béo mừng nó!”’ (Lc 15,29-30). Thật là một bi kịch: Thực sự là một người con, nhưng lại sống như một đầy tớ, một người ngoài cuộc- trong nỗi sợ hãi và thái độ quỵ lụy thấp hèn! Và nếu đây thực sự là thái độ thường xuyên của chúng ta, thì việc Chúa Giê-su đến có tạo ra sự khác biệt gì ngay cả khi điều đó có liên quan đến chúng ta không?