Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 12 ngày 28

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

Hãy ở gần Chúa chúng ta và chiêm ngưỡng thánh ý của Ngài trong mọi biến cố đang xảy ra” [Gửi cho bà Benoite Richard, tháng 5 năm 1867]

Trong lời khuyên ngắn ngủi này, một lần nữa cha Eymard đi đến trọng tâm của vấn đề, nghĩa là trong mối tương quan của chúng ta với Chúa Giê-su, Ngài đã làm tất cả mọi sự mà Ngài có thể- không có gì mà Ngài không làm. Khi đã hoàn tất nhiệm vụ được trao phó, Ngài đã trở về cùng Chúa Cha! Giờ đây, quả bóng đang nằm trên phần sân của chúng ta và đến lượt chúng ta đáp trả một cách tốt nhất bằng chính khả năng của mình. Bài ca của Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Ê- phê-sô tóm lược điều này một cách đầy đủ khi nói rằng “chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ của Chúa chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô. Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã chúc lành cho chúng ta bằng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Quả thế, trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để ta trở nên thánh thiện, vô tỳ tích, trước thánh nhan Người, trong tình yêu. Theo như ý muốn Người ưa thích, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử của Người nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để nên lời ngợi vinh quang của ân sủng Người, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu…

“Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được ơn cứu chuộc, được ơn thứ tha các sa ngã theo lượng ân sủng phong phú của Người. Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. Người cho ta được biết mầu nhiệm ý muốn của Người, theo như điều Người ưa thích mà Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô, để thực hiện kế hoạch khi thời gian tới hồi viên mãn: đó là quy tụ muôn loài trên trời dưới đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô, chúng tôi đã được thừa hưởng  gia nghiệp: theo ý định của Đấng làm nên mọi sự theo quyết định của ý muốn Người, chúng tôi đã được tiền định, là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Ki-tô, để nên lời khen ngợi vinh quang Thiên Chúa. Trong Đức Ki-tô, cả anh em nữa sau khi đã nghe lời sự thật là Tin Mừng cứu độ anh em; cũng trong Đức Ki-tô, sau khi đã tin, anh em được đóng ấn tín Thánh Thần, đã được hứa ban. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, cho đến khi những người là sở hữu của Thiên Chúa được cứu chuộc, để khen ngợi vinh quang của Người” (Ep 1,3-14).

Chúng ta càng sống lời cam kết của mình để chết đi cho cái tôi và để Chúa Giê-su cai trị cuộc đời chúng ta, thì chúng ta càng cảm nghiệm được sự gần gũi cũng như tình yêu của Ngài. Hệ quả quan trọng nhất của việc ở gần Ngài chính là chúng ta sẽ mau mắn thi hành thánh ý của Ngài, trước hết là qua việc cẩn thận hiểu biết những gì Ngài nói với chúng ta, và cũng có thể qua việc nhận ra lý do mà Ngài có ý định trong đầu khi nói điều này với chúng ta, và kế đó là một sự thi hành trọn vẹn những yêu cầu của Ngài. Đôi lúc, điều này rõ ràng là sẽ khó khăn và đi ngược lại với kết quả, nhưng đó là lúc tình yêu và lòng trung thành của chúng ta bị thử thách. Chúng ta có thể thất bại hết lần này đến lần khác. Nhưng đó lại là điều không thể tránh khỏi khi chúng ta trải qua tiến trình học cho biết cách dâng chính mình cho Ngài.

Điều quan trọng là không phải là bao nhiêu lần chúng ta thất bại, nhưng chúng ta có hăng hái đứng dậy và trở về với Ngài không. Những thất bại của chúng ta cũng là cách chúng ta học và không làm giảm bớt tình yêu của Ngài dành cho chúng ta dưới bất cứ hình thức nào. Người ta nói rằng nếu chúng ta tưởng tượng mối tương quan của chúng ta với Chúa Giê-su như một sợi dây cột chặt chúng ta lại với Ngài, thì mỗi lần chúng ta làm đứt sợi dây ấy bằng lỗi lầm của mình, thì Ngài sẽ thắt lại sợi dây ấy để kết nối lại với chúng ta. Điều này sẽ giúp chúng ta liên lạc lại với Ngài, cũng như sẽ đem chúng ta xích lại gần hơn khi sợi dây được rút ngắn lại vì những cái nút. Vì thế, một cách nào đó, những thất bại của chúng ta có thể đem chúng ta tiến sâu vào mối dây liên kết với Chúa! Ôi tội hồng phúc!