“Xin chung vui với tôi….” (Lc 15,6.9) ; “… chúng ta phải ăn mừng vì em con đây…. đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32).
Chủ đề của Chúa nhật 24 C mùa thường niên là LÒNG THƯƠNG XÓT BAO LA của Thiên Chúa được tỏ bày ra cho nhân loại qua tình yêu tha thứ vô điều kiện của Thiên Chúa đối với tội nhân, bằng mọi giá tìm cách hồi phục đưa tội nhân về lại hạnh phúc sống tròn đầy tương quan CHA – CON với Thiên Chúa. Bất chấp phản ứng từ phía con người. Thiên Chúa cứ nhất quyết biểu lộ tình Cha, hết lòng với con cái trong mọi tình huống và kiên trì chờ đợi sự đáp trả của con người. Và chỉ cần một dấu hiệu tích cực nhỏ nhoi nhất lộ ra từ phía con người là Thiên Chúa liền nắm bắt để trao lại cho nhân loại quyền làm con. Biệt phái, kinh sư, tư tế hay là thu thuế, tội nhân, dân ngoại….tất cả đều là đối tượng của tình yêu thương xót của Thiên Chúa : tất cả đều là con và mỗi người đều là đứa con DUY NHẤT, BẤT KHẢ THAY THẾ.
Đó chính là lý do giải thích thái độ quá lạ lùng của người mục tử và người đàn bà đối với con chiên và đồng tiền mất của mình. Bởi vì cái bị mất là duy nhất, không gì thay thế được, nên bằng mọi giá phải đi tìm và quyết tâm tìm cho kỳ được, và như thế niềm vui sẽ lớn lao chừng nào một khi tìm lại được cái đã mất. Lòng thương xót phát xuất từ tình yêu phải đưa tới niềm vui. Một niềm vui tràn ngập trào dâng trong hồn phủ lấp mọi mệt nhọc, bục tức …. Thứ tha các lỗi lầm hậu quả :
-
Người mục tử gặp được con chiên mất là vui mừng, chạy vội đến, vác nó lên vai (15,5) ; Người phụ nữ tìm thấy đồng tiền mất liền đem niềm vui ấy chia sẻ cho mọi người (15,6. 9).
-
Trong dụ ngôn thứ ba là rõ nết nhất. Người Cha không nghĩ gì đến tội lỗi của đứa con ; ông không bận tâm đến tình trạng thân tàn ma dại của con khi nó quay về ; Ông đã ngày ngày ra chờ con quay về ngay từ lúc nó vừa ra đi ; Hình ảnh con khắc đậm sâu vào tim ông, đến độ mọi biến đổi bên ngoài không cản ngăn được ông nhận ra ngay con của mình từ lúc nó còn đàng xa (15,20b) ; Quá thương con không nói nên lời, ông diễn tả tình yêu tha thứ bằng hành vi “ chạy ra , ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (15,20c, so với 2Sm 14,33b). Ống biết rất rõ tội con và hậu quả tệ hại của tội (x. Lc 15,21)
-
Ông đã để yên cho cậu con “ xưng tội” : “ con thật đắc tội với Trời và với Cha”
-
Ông xác nhận hậu quả tệ hại của tội : “chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” ông đã để cho đứa con “xét mình”, nhận ra hậu quả khốc hại của hành vi ngu xuẩn của mình. Nhưng ông không giải quyết vấn đề trong tư cách thẩm phán, mà là tư cách của NGƯỜI CHA. Đứa con đã đề ra giải pháp lề luật ; mất quyền làm con, giờ đây anh ta xin được làm thuê độ nhật (15,19b). Làm thuê là được mướn theo ngày, sáng tới làm, chiều lãnh lương rồi ra về (x. Mt 20, 14).
Cha đã mau chóng bát bỏ cái nhìn đó, không cho anh nói ra và thế vào đó bằng lệnh truyền cho tôi tớ : ĐÓN CON ! Và hồi phục quyền làm con cho anh ta ngay tức khắc : về nhà đem ra “áo đẹp nhất, nhẫn, dép” mang vào người cậu (15,22) ; Rồi ông chia sẻ niềm vui ấy cho cả làng ; hạ bê béo đã được chuẩn bị từ lâu và MỞ TIỆC MỪNG.
Chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa ! Thế nhưng chúng ta thường nhìn nhau với cặp mắt hình sự khi khám phá ra một lỗi lầm nào của kẻ khác. Trái lại Đức Giêsu vô tội, Người lại mang đến cho ta cái nhìn của người Cha. Đối với tội nhân, Đức Giêsu thương xót họ. Điều Đức Giêsu quan tâm không phải là hạch tội họ mà Người luôn lưu tâm đến NỖI KHỔ mà tội nhân đang gánh chịu do tội và hậu quả của tội đè nặng trên họ và Người chỉ muốn làm sao để đỡ gánh nặng cho họ, làm dịu bớt đau khổ của họ. Nhóm kinh sư biệt phái cũng hưởng được lòng thương xót của Thiên Chúa: Đức Giêsu đỡ bớt cho họ gánh nặng của vụ luật, của hẹp hòi, so đo đố kỵ và cũng mời họ vào chung vui với tội nhân vừa được tha thứ :
Người Cha ra năn nỉ cậu con cả, là biểu tượng của kinh sư, biệt phái (15,28), mời họ cùng ăn mừng, chung vui vì tội nhân đã được hồi phục (15,32).
Tuy nhiên, lòng thương xót của Chúa không là một áp lực, một ép buộc : Thiên Chúa dùng mọi cách để diễn đạt và thông truyền tình yêu, ơn tha thứ, lòng xót thương, nhưng quyết định chung cuộc cho MỖI NGƯỜI vẫn là quyền tự do của TỪNG NGƯỜI. Lòng thương xót cũng không mị dân, không đồng lõa với tội, Đức Giêsu đòi tội nhân phải thay đổi não trạng, lối sống : cả hai đứa con phải bỏ ý định “làm thuê” (15,19b : đứa em) và cái nhìn cay đắng “ làm tôi tớ” (15, 29a : cậu anh) mà hãy làm con cha, làm anh em của nhau, chấp nhận cái thiếu sót của nhau, lắm khi phải chịu khổ vì nhau.
Sai lầm, đau khổ là điều không thể tránh được trong kiếp người ! khi yêu ai thực sự, chúng ta buồn vui, đồng cảm với người đó, tỏ lộ tình liên đới. Chúng ta quan tấm đến những người khác bằng chuẩn bị mình chịu đau khổ với họ và chúng ta phải biết rằng điều đó làm dịu cơn đau rất nhiều… Đức Giêsu đã đến làm người và cùng chịu trọn đau khổ kiếp người với chúng ta … Đức Giêsu đến với tội nhân là tội nhân sẽ hoán cải ? Chưa chắc ! Bài dụ ngôn Lc 15,11- 32 còn bỏ ngỏ : hai cậu con chưa nói lên quyết định chung cuộc của mình. Dụ ngôn hôm nay chưa nói tới tương lai, mà nói hiện tại. Cái trước mắt mà Cha làm là mời gọi hai con vào nhà, tìm cách làm dịu đi nỗi đau của chúng: đau vì bị lương tâm dằn vặt ; đau là vì xã hội ruồng bỏ, đau vì đánh giá sai về công việc và nhân phẩm của mình. Và Cha đến với hai con trong Đức Kitô.
Áp dụng “Tình Cha” vào chúng ta (thay vì chỉ áp dụng mình là tội nhân) như thế nào đây ? Chúng ta phải đến với những người bất hạnh bằng lòng thương xót củaThiên Chúa, của Đức Giêsu : TẤT CẢ NHỮNG GÌ LÀM NGƯỜI TA THÊM ĐAU KHỔ ĐỀU LÀ XẤU VÀ CẦN PHẢI DỨT KHOÁT LOẠI BỎ. Trong cuộc sống, sai lầm, đau khổ sẽ luôn luôn có ! Công việc trước mắt của “tình Cha” là đối xử với mọi người như con, giúp họ nhận nhau là anh em, tìm cách làm dịu bớt nỗi khổ đau của họ. Khi sống được NIỀM VUI làm người khác bớt khổ là chúng ta đang tiến lên trên con đường LÒNG THƯƠNG XÓT của Thiên Chúa.
Frères Đình Long FSC