Tha Thứ….Để Được Thứ Tha
Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta về sự tha thứ. Chúa muốn chúng ta hãy tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Tình thương tha thứ của Thiên Chúa chắc hẳn phải được ghi sâu trong thâm tâm chúng ta, để rồi chúng ta cũng phải luôn luôn sẵn sàng yêu thương tha thứ cho những người xúc phạm đến mình. Chẳng bao giờ chúng ta có thể tính hết được muôn ngàn lần chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa. Thế nhưng, vì Ngài là tình yêu, nên trái tim yêu thương của Ngài luôn luôn rộng mở để sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, một tình yêu tha thứ không giới hạn. Cho dù món nợ của chúng ta có khổng lồ đến mấy đi nữa, thì trái tim Ngài luôn chạnh lòng thương và tha thứ cho chúng ta.
Nếu Thiên Chúa càng tỏ rõ vinh quang và sự cao cả của Ngài khi Ngài tha thứ, thì con người càng nên giống Thiên Chúa khi biết tha thứ cho nhau. Chính vì thế mà Đức Giê-su đòi hỏi phải tha đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ đến vô cùng, lúc đó mới có thể nói “tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta”. Như thế, tha thứ được xem như đòi hỏi hàng đầu không phải đối với một số thành phần ưu tuyển mà là đối với mọi Ki-tô hữu. Thế nhưng trong thực tế, chúng ta đã chẳng đáp lại cho cân xứng mối tình bao la nhưng không của Ngài, những ân huệ ấy mãi mãi là món nợ tình yêu mà có lẽ không bao giờ con người có thể đền bù cho đủ. Mỗi ngày sống của chúng ta là một chuỗi những ân huệ của Thiên Chúa tình yêu. Từ bầu không khí trong lành đến những khoảng thời gian quý báu, từ sức khoẻ thể lý đến sức mạnh tâm linh, từ khả năng trí tuệ đến năng lực tiếp xúc ngoại tại. Tất cả là những ân ban của Thiên Chúa để chúng ta sử dụng làm vinh danh Ngài và mang lại ơn ích cho chúng ta và cho mọi người.
Tiếp theo Chúa Giêsu lấy ví dụ hai con nợ để so sánh về “phẩm chất” của sự tha thứ : Ngài mô tả con nợ của “VUA” là “mười ngàn yến vàng”; con nợ của tên “đầy tớ” là “100 quan tiền”. Một bên là “đầy tớ” và “vua” còn một bên là “đồng bạn” với nhau. Một vị vua uy nghi cao trọng đã tha bổng cho con nợ đầy tớ với món nợ vô cùng lớn lao chỉ vì anh ta van xin. Thế nhưng người ấy đã nhẫn tâm bóp cổ đồng bạn chỉ vì một trăm quan tiền, mà anh bạn kia cũng đã van xin. Hình ảnh Chúa Giêsu đưa ra ở đây chắc hẳn với mục đích nhấn mạnh: ngoài “số lần tha thứ” con người phải thực hiện đến vô cùng cho nhau, trước mặt Thiên Chúa con ngươi phải điều chỉnh lại mối tương quan của mình đối với người khác. Người tín hữu khi biết Thiên Chúa đối xử tốt lành đối với mình mà còn đến gần anh em mình với tinh thần khắc nghiệt thì họ sẽ đáng sự trừng phạt của Thiên Chúa. Thật vậy, không những chúng ta phải học cách tha thứ vô biên, vô lượng, mà chúng ta còn phải sáng tạo ra cách thế tha thứ sao cho phù hợp với sự vô biên ấy. Nếu chúng ta muốn được tha thứ vô biên chừng nào, thì cách thức nài xin tha thứ của chúng ta, cũng thể hiện lòng thành của chúng ta chừng ấy.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một niềm tin vững mạnh vào lòng khoan dung của Chúa, để chúng con cũng biết quảng đại, bao dung và sẵn sàng tha thứ cho anh chị em chúng con, như chính Chúa hằng yêu thương tha thứ cho chúng con vậy . Amen
Diệu Ca