Những ngày cuối đời của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma
từ những ghi chép của cha Albert Tesniere
Chuyển ngữ: thầy An-tôn Nguyễn Văn Nhân, sss
thầy An-tôn Trần Văn Thuyêt, sss
Hiệu đính: Tu sĩ Martinô Lê Trung Hiếu,sss
Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma sinh tại làng La Mure, nhằm ngày 4 tháng 2 năm 1811.
Ngài qua đời tại quê nhà vào ngày 1 tháng 8 năm 1868.
Dẫn nhập
Nhân dịp kỷ niệm 150 năm thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma qua đời tại La Mure, chúng tôi cho xuất bản tập nhật ký về những ngày cuối đời của ngài, do tu sĩ Albert Tesniere ghi chép lại.
Albert Tesniere sinh ngày 28 tháng 10 năm 1847 tại Lyon, gia nhập Dòng Thánh Thể tại Pari vào ngày 8 tháng 10 năm 1862. Ngài tuyên khấn lần đầu ngày 20 tháng Giêng năm 1864, tuyên khấn trọn đời tại Saint Maurice ngày 19 tháng 3 năm 1869, và được thụ phong linh mục tại Pari ngày 23 tháng 12 năm 1871.
Vào thời điểm viết lại những sự kiện này, cha Tesniere là một tu sĩ trẻ được đặc cách ghi chép những ghi chú cá nhân và những bài giảng của cha Ê-ma. Ngài xem mình như một người bạn tâm giao của cha Ê-ma.
Ngài là nhân chứng trực tiếp về những ngày cuối đời của cha Ê-ma. Ngài cũng liên hệ với các nhân chứng chứng kiến tận mắt, và biết thêm thông tin từ họ.
Tập tài liệu về những ngày cuối đời của cha Ê-ma đã được viết ngày 31 tháng 7 năm 1869, một năm sau khi cha qua đời. Nó vẫn giữ được niềm đam mê, vẻ đơn sơ và tình yêu của một thanh niên 22 tuổi đã chứng kiến Đấng Sáng Lập Hội dòng, đồng thời là linh phụ và bạn tâm giao của mình, qua đời.
Linh mục Manuel Barbiero, sss
Thứ sáu 17 tháng 7 năm 1868
Vào sáng ngày 17 tháng 7, Cha khả kính đã chia tay chúng tôi một thời gian để đến Vichy, rồi trở về quê nhà của ngài; và sau đó đến Đền Đức Mẹ ở Laus để phục hồi sức khỏe sau những thử thách về thể lý và tinh thần đã khiến ngài vô cùng khổ tâm trong thời gian gần đây.
Vài phút trước khi cha khởi hành, cha Crepon đến và xin cha chúc lành, như cha đã chúc lành cho các cha Jean, Leon và Alphonse, là những người mà cha đã giao lớp học cho vào thời điểm đó.
Cha Stafford giúp Cha chuẩn bị những tư trang cần thiết cho chuyến đi. Chúng tôi chờ đợi để chào tạm biệt cha khi cha đi ngang qua thư viện.
Tôi đã có một lời hứa là sẽ đi cùng với cha đến Laus. Ngài nói ngài để tôi ở lại chỉ vì không muốn dẫn tôi đến Vichy, đến với những người tôi không quen biết, và đến nơi mà tôi sẽ cảm thấy bị lúng túng. Tôi cũng chào tạm biệt ngài. Tôi ôm ngài! Và nói nhỏ vào tai ngài: “Thưa cha, con phải hủy bỏ chuyến đi của con sao?”- Ngài đáp: “Chúng ta sẽ gặp lại sau”. “Chúa nhân lành sẽ lo liệu điều đó”.
Cha Stafford cùng đi với cha đến ga xe lửa. Ngài chia tay chúng tôi lúc 8 giờ 5 phút. Dẫu sao tôi cũng được an ủi khi được tiễn ngài ra bến ga, và được ngài ôm lần cuối.
Hôm đó là thứ sáu. Tối hôm trước, cha giảng trong Nguyện đường về sự cần thiết của việc Hiệp Lễ. Vài ngày trôi qua, chúng tôi không nhận được tin tức gì cả. Thứ Ba tuần sau, tôi viết thư cho cha để nhắc cha về lời hứa của ngài. Ôi chao! Mãi sau này tôi thấy lá thư của mình được cất trong ngăn tủ ở phòng cha.
Ngài đã rời khỏi Vichy hôm nào? Điều đó phải được xác minh.
Điều chắc chắn là ngài đã bắt tàu từ Lyon đến Grenoble vào sáng thứ ba. Ngài đã đến đó vào khoảng 9 giờ 30.
Thứ ba 21 tháng 7 năm 1868
Tôi nhớ mãi điều mà cha Bard1, cha sở nhà thờ thánh Christophe trong địa hạt La Mure đã nói với tôi và những người khác trước đó về cái ngày đáng buồn này:
Khoảng 10 giờ sáng, tôi gặp Cha. Cha vẫn chưa dâng Lễ. Chúng tôi đã đặt trước hai chỗ tại La Mure. Cha mời người đánh xe vào ăn trưa với ngài sau Thánh Lễ cử hành ở Đền thờ Đức Mẹ La Salette ở Grenoble.
Cha dâng Lễ mà không thấy bất kỳ dấu hiệu mệt mỏi hay suy yếu nào. Tôi giúp lễ. Sau Thánh Lễ, ngài muốn đến khách sạn để dùng bữa trưa như đã định. Thế nhưng, cha cảm thấy mệt mỏi, gần như không thể đứng được2. Các cha để ngài nghỉ một lát trong khi đợi tài xế.
Cha tỉnh dậy kịp lúc, chúng tôi lên xe và lên đường. Cha trở nên thinh lặng, chỉ nói một vài câu. Tuy nhiên, đến mỗi trạm dừng, cha xuống xe, hít thở không khí, ăn một chút gì đó, rồi lại tự lên xe với sự phấn chấn. Khi sắp đến vùng Villard, giáo xứ của tôi, tôi thấy không có điều gì nghiêm trọng cả; và tôi tin rằng sự thinh lặng này chỉ là hệ quả của sự mệt mỏi thường gặp trên chuyến đi, tôi đề nghị cùng đi với cha đến La Mure.
Mặt khác, đêm hôm trước, tôi đã bỏ lại một người đang đau ốm rất nặng mà tôi cần phải thăm viếng. Tôi do dự mãi đến khi cha Ê-ma bảo tôi đi chăm sóc cho người ấy; ngài cảm ơn vì sự ân cần tôi đã dành cho ngài. Tôi nhờ người đánh xe để mắt đến cha, để an tâm là không có chuyện gì xảy ra cả. Anh ta hứa sẽ cho ngựa đi chậm và chăm sóc cho cha Giuliano.
Cha (chị Nanette đã kể với tôi) đã đến La Mure vào khoảng 7 hay 8 giờ gì đó.
Chúng tôi chạy đến Pelloux chỗ xe dừng, và tôi là người đầu tiên. Chúng tôi đã không phải đợi cha. Ngài xuống xe. Tôi ôm ngài; ngài không nói lời nào với tôi cả, và trong khi tôi xách giỏ cho ngài, ngài tiến lên phía trước, cầm áo khoác trên tay và cầm theo chiếc dù. Ngài để quên cái nón, tôi đi lấy cho ngài. Chị ngài đến, ngài cũng không nói chi cả. Tuy nhiên, chúng tôi đã không lường trước được tính nghiêm trọng của căn bệnh. Chúng tôi nghĩ đó chỉ là sự mệt mỏi thường xảy đến với cha trước đây mà thôi.
Nhưng hôm sau, chúng tôi đã hiểu ra vấn đề. Bác sĩ khá lo lắng. Thứ tư ngày 22 tháng 7 là một ngày tồi tệ. Miệng ngài bị méo từ phải qua trái, cha xứ đến để giải tội cho ngài.
Thứ 5 (23 tháng 7) không khá hơn.
Thứ 6 (24 tháng 7) mọi thứ khá hơn đôi chút và chúng tôi đã viết cho anh em.
Thứ 7 (25 tháng 7) có một chút cải thiện. Ban đêm, tình trạng biến chuyển liên tục
—♥—
1.Cha J. Bard là một người bạn thời niên thiếu của cha Ê-ma. Cả hai đều rất đạo đức, hai ngài đã cạnh tranh nhau để giành quyền giúp lễ trong các Thánh lễ ban sáng.
2 Tại La Salette tôi đã gặp cha Archier. Chính ngài đã gặp cha Ê-ma sau Thánh Lễ. Ngài nói với tôi, từ lâu ngài đã tôn kính cha Ê-ma như một vị thánh. Trước Thánh lễ, tôi đã mời ngài dùng một chút gì đó và để ngài nghỉ ngơi. Sau đó, tôi đã mời ngài dùng chút rượu Chartreuse. Tôi muốn ngài ở lại. Ngài lại muốn đi ngay. Khoảng 1 giờ 30, ngài dùng một chút gì đó để lấy lại sức, rồi lên đường mặc cho những lời nài nỉ của tôi.
—♥—
Chúa Nhật 26 tháng 7 năm 1868 – Pari
Tôi vẫn tin tưởng và mạnh dạn khẩn cầu cùng Đức Mẹ Laus và Đức Mẹ La Salette sao cho có được một kết quả có lợi theo ý nguyện của tôi.
Lúc 8 giờ, tôi được báo cho biết là không có lá thư nào hết. Tôi nói với cha Charles là xin cho ý Chúa được thể hiện.
Tôi bắt đầu làm việc lúc 9 giờ. Cha Stafford theo cha Crepon bước vào phòng tôi, ngài trao cho tôi lá thư của cô Ê-ma đề ngày 24, thứ sáu. Đó là một lá thư buồn. Họ hầu như không thể nhận ra ngài. Tình trạng của ngài rất tệ. Họ đã cầu nguyện. Cha Crepon sai tôi chăm sóc cho ngài. Tôi đã chẳng nghi ngờ chi về mức độ trầm trọng của căn bệnh. Hoàn toàn trái ngược.
Thứ hai 27 tháng 7 năm 1868
Tôi đã đứng cạnh giường cha lúc 4 giờ 30.
Tôi đã không đủ can đảm để ôm lấy ngài, thậm chí là chạm vào tay ngài. Ngài co quắp lại trong tình trạng kiệt sức. Đầu ngài cúi xuống và không thể cố định được, hai cánh tay giơ lên, mắt nhắm hờ và liếc nhìn. Tôi không thể thấy chút gì đó trong đôi mắt ấy. Và hôm đó, đôi mắt ấy đã dõi nhìn tôi cũng như đã dõi nhìn tôi vào Chúa Nhật sau khi ngài qua đời.
Tôi ngồi cạnh giường quay về phía cha. Sau 15 hay 20 phút gì đó, thì cha tỉnh giấc (chỉ là cách nói thôi). Cha nhìn sang phải rồi sang trái, nhìn lên thánh giá, nhìn vào căn phòng của cha. Những cái liếc nhìn của cha đầy sức sống và kinh ngạc. Tôi chứng kiến sự hồi sinh. Tôi không thể nào nghĩ ra được một sự so sánh nào tốt hơn cho tình trạng này, ngoài tình trạng của một người đang ngủ trong xe ngựa, và tỉnh dậy sau hơn 400 cây số, nhìn mọi thứ xung quanh mình để xác định mình đang ở đâu.
Tôi đã đợi chờ, ánh mắt của cha hướng về tôi. Cha mỉm cười, cầm lấy tay tôi. Tôi không dám ôm lấy cha! Và tôi nói với cha rằng: “Ôi, cha đáng thương của con, cha đang phải chịu nhiều đớn đau- đây là một dấu hiệu của sự từ chối. Cha có nhận ra con không?”. Tiếp đó, đặt tay lên đầu tôi, cha vuốt nhẹ trán tôi, cha ra hiệu bằng mắt và đầu như thể muốn nói rằng: “À, cha nhận ra con rồi! Rõ lắm!” Cha mỉm cười thật tươi. Chưa bao giờ tôi nhận được một cử chỉ trìu mến sâu đậm như thế từ nơi cha. Tôi không biết làm sao để diễn tả hết những gì tôi hiểu về sự nhân từ, tình yêu nơi sự săn sóc của người cha. Không thể diễn tả bằng lời được. Chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Cha nói với tôi: “con đi tàu đến đây lúc 11 giờ hả?”- “Vâng, thưa cha”. “Tốt quá”
Đến giờ ăn, ngài ban phép lành thánh hóa của ăn từ trên giường, rồi ngồi dậy. Ngài không muốn nằm xuống trong lúc chúng tôi ăn. Ngài sợ. Ôi! Ngài quả là biết quan tâm đến người khác. Việc chứng kiến nỗi đớn đau của ngài có thể làm chúng tôi ăn mất ngon.
Ngài lấy một chút nước canh.
Đến tối, tôi không thể thức được nữa nên đã nằm xuống ngủ. Hôm sau, chị Nanette bảo tôi là đêm ấy tình trạng của ngài không quá tệ.
Thuốc điều trị bao gồm những thực phẩm bồi bổ cho trán và thái dương của cha.
Bác sĩ không thể xác định rõ được căn bệnh của ngài, có thể là viêm màng não, chứng sưng huyết não, nhưng quan trọng hơn là sự mệt mỏi đã lên đến cực độ; cơ thể suy kiệt vì những hoạt động quá sức đã gây ra tình trạng như thế.
Bác sĩ Douillard nghĩ rằng căn bệnh
thấp khớp đã hành hạ cha suốt mười tháng và lan ra khắp cơ thể, cuối cùng là lan đến não của cha.
Buổi tối trước khi đi ngủ, tôi gửi một bức điện tín đến Pari. Đó là tin tức thực tế nhưng không quá gây hoang mang. Đây chính là lý do khiến cha Chanuet và Tiểu thư Thomas đến vào tối thứ 4.
Thứ ba 28 tháng 7 năm 1868
Ngay khi trời sáng, tôi đến thăm cha. Ngài chào đón tôi với một nụ cười. Tôi xin phép ngài đi dâng Lễ. Ngài ân cần ra hiệu nói tôi đi đi. Ngài không nói chi sốt. Có vẻ như ngài không mệt mỏi như hôm qua. Dường như, bác sĩ không hài lòng cho lắm, ít nhất là bớt lo ngại hơn.
Cha thức dậy để người ta vệ sinh giường nằm. Ngài tự mình ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh giường.
Suốt ngày hôm đó, ngài nhận ra những người đến thăm ngài. Ngài bày tỏ những cử chỉ ân cần và niềm nở với tất cả mọi người.
Linh mục chánh xứ đến thăm ngài. Cha Tuyên úy Bệnh viện cũng đến thăm ngài.
Tôi đưa ngài xem sấp thư trên bàn. Ngài liếc nhìn địa chỉ nhưng không đủ sức để đọc hết nội dung bên trong.
Ngài nhờ tôi trả lời 2 hoặc 3 lá thư. Ngài bảo tôi viết hai hoặc ba từ mà ngài muốn nói.
Ngài hoàn toàn tỉnh táo. Ngài chỉ cách sắp xếp mọi thứ trong phòng ngài; vị trí những chiếc ghế, rèm cửa, cửa chớp theo hướng mặt trời. Ngài quan tâm đến mọi thứ, ngài hướng dẫn tất cả; đặc biệt là việc đuổi ruồi vào ban sáng. Ngài muốn chúng tôi bắt đầu từ giường của ngài, hốc tường; ngài chỉ cho tôi nơi tìm chúng, và chỉ những con nào trốn thoát. Tắt một lời, ngài vẫn rất tỉnh táo dù không thể nói được như chúng tôi đã biết về ngài.
Khi không thể tự mình nói ra vì bị mất tiếng nên không nói rõ thành lời được, thì ngài mỉm cười và có những cử chỉ can ngăn nhẹ nhàng, nửa thân thiện, nửa nhẫn nhịn, dường như có ý nói rằng: “xin lỗi vì bắt con phải chờ đợi như vậy, nhưng cha không thể diễn tả được ý của mình; hãy làm điều mà con muốn làm.”
Tôi đã viết một vài lá thư, trong số đó có những lá thư gửi cho các cộng đoàn mời gọi gia tăng việc cầu nguyện và thời giờ ở gần bên Chúa.
Nói thật là tôi không nghi ngờ gì về sự nghiêm trọng của căn bệnh. Nói đúng hơn là, tôi không muốn tin điều đó. Ngoài việc tin rằng Đấng Cứu Thế thực hiện phép lạ cách nào đó cho Tôi Tớ của Ngài, những triệu chứng cho thấy bệnh tình thuyên giảm đã đánh lừa tôi. Bệnh tình thực tế của cha thì rất bết bát. Bác sĩ bảo tôi hãy liên tục theo dõi tình trạng của cha. Tôi không lường hết được những lo ngại của ông. Tối hôm đó, tôi ngồi với cha cho đến tận 1 giờ sáng. Cha được truyền nước. Tối hôm ấy khá bình yên.
Thứ tư 29 tháng 7 năm 1868
Ban sáng, trước khi dâng Thánh Lễ, tôi nói với cha: “Ôi, điều cha cần là Chúa của chúng ta kia mà. Con sẽ xin Đức Giám mục cho phép một trong số các linh mục sở tại ở La Mure đến dâng Thánh Lễ cho cha.” Ngài mỉm cười, nhưng ra hiệu là không cần. Có lẽ ngài biết trước rằng cha Chanuet sẽ đến.
Cha tỉnh dậy lần nữa để dọn dẹp giường chiếu. Ngài muốn tự thay quần áo, do đó ngài đứng trên tấm thảm chùi chân. Tôi không thể bỏ ngài lại như thế. Tôi sợ ngài sẽ ngã. Như vậy là ngài đã tự thay quần áo, và khi liếc mắt nhìn xem ngài có cần giúp gì không, tôi thấy rõ dấu tích về những sự hành xác đầy những máu của ngài.
Sáng sớm, cha tỉnh táo hơn. Ngài có thể nói chuyện dễ hơn một chút. Chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Ngài ra hiệu cho chúng tôi trải khăn và đặt ghế cho ngài, và trong khi chúng tôi dùng bữa, ngài tiến đến, ngồi xuống, dùng một ít cá và mấy trái nho. Ngài mỉm cười với chúng tôi khi chúng tôi dùng bữa. Ngài vẫn ngồi ở bàn ăn khoảng 15 phút hay hơn gì đó. Ngài lấy một mẩu bánh mì và dùng một chút, phần còn lại ngài vẫn cầm trên tay. Chị gái của ngài muốn lấy miếng bánh mì đó. Ngài từ chối và để tôi lấy nó. Đó là lần cuối cùng đứa con nhận được miếng bánh từ bàn tay của người cha trong gia đình.
Thời gian còn lại trong ngày khá yên ổn. Cha có thể làm được vài việc. Tôi đọc vài lá thư cho cha nghe, ngài bảo tôi phúc đáp vài từ.
Nemours lại bám theo ngài. Ngài cũng nhận được lá thư đau buồn từ… Nhưng ngài nói chúng ta chẳng thể làm được gì.
Do vậy, nỗi sầu khổ lại tấn công ngài ngay trên giường bệnh. Ngài nhận được một bức điện tín từ cha De Cuers hỏi rằng cha ấy có nên đến không. Cha đã không trả lời, hai lần rồi còn gì. Những ngày sau đó, những người khác cũng hỏi như thế và cũng nhận được câu trả lời tương tự. Cha muốn ra đi cách êm ái và an nghỉ với vẻ đơn sơ của việc phụng sự Thánh Thể như bao người khác thôi.
Ban tối, cha cảm thấy lo lắng hơn. Cha Chanuet đến cùng với Tiểu thư Thomas, cô là người liên lỉ chăm sóc Cha và chứng kiến cha trút hơi thở cuối cùng.
Cha không còn đủ sức để nói chuyện. Ngài không nói gì với cha Chanuet cho tới ngày hôm sau.
Tôi ngồi với ngài cho tới 1 một giờ. Đêm đó rất nguy kịch. Bỗng chốc, Cha thét lên cách hoảng hốt, và tôi càng hoảng sợ hơn. Lồng ngực của ngài căng phồng lên. Ngài cố gắng hít thở bình thường. Ngài nằm sấp, giống như chết vậy. Mũi ngài bị nghẹt và teo lại. Miệng ngài ngậm chặt lại. Mồ hôi ướt đẫm mặt, tình trạng này kéo dài khoảng hơn nửa giờ đồng hồ (tôi nghĩ là như vậy). Tôi bước lại gần. Tôi không biết phải làm gì nên tôi cầu nguyện. Cuối cùng thì tiếng ồn đó ngừng lại và cha vẫn bằng yên cho đến lúc tôi đi ngủ.
Thứ năm 30 tháng 7 năm 1868
Sáng sớm, mọi đồ dùng cần thiết để dâng Thánh Lễ đã được đem vào phòng. Cha Chanuet chỉ có thể xin Đức Giám mục Giáo phận Grenoble cho phép dâng mỗi tuần một Thánh Lễ mà thôi. Bàn thờ được trang trí trên kệ tủ, vừa tầm nhìn của cha, để cha có thể tham dự Thánh lễ, một vài người khác cũng tham dự. Cha đã rước lễ. Trong lúc cám ơn sau khi rước lễ, ngài ra hiệu cho tôi để ngài uống nốt phần rượu còn lại trong chén cùng với phần nước dâng lễ. Khuôn mặt ngài rạng ngời vẻ bình an và trầm tĩnh. Tôi tiến lại ôm lấy ngài. Đó là cái ôm đầu tiên kể từ khi tôi đến. Sau phần cám ơn rước lễ, cha Chanuet tiến lại cạnh giường và Cha (cha Ê-ma) rõng rạc bảo ngài rằng: Đáng ra cha không nên đến đây. Sao cha lại làm như vậy? Ồ thưa Cha, không đáng để cha phải đến. Mà thôi! Kệ! Cha đã nói như vậy!”- Và cha Chanuet đáp lại: Cha còn muốn gặp các cha khác nữa chứ!- Cha vẫn làm thinh, và hài lòng với điều đó.
Ngài nói chuyện tầm vài phút với Tiểu thư Thomas và xin cô trình bày chi tiết trong vòng một phút các vấn đề liên quan đến vùng đất mà ngài quan tâm. Điều đó cho thấy tinh thần của ngài còn rất tốt.
Đến 9 giờ, tôi hỏi ngài có muốn tôi đắp chiếc khăn lụa quanh cơ thể ngài không- đây là chiếc khăn được dùng để choàng cho Đức Bà ở Laus. Ngài rất hài lòng và bảo tôi: “Chính vì Mẹ (hay cho Mẹ) mà cha đã dâng tặng (hay chịu đau khổ)”. Nỗi khó khăn trong cách diễn tả của cha khiến tôi không bắt kịp hai câu nói của ngài, nhưng nghĩa của hai câu này thì giống hệt nhau. (Cha an nghỉ với chiếc khăn quấn quanh người. Đền Đức Mẹ ở Laus chính là nỗi khát mong và là tình yêu đầu tiên của ngài. Mẹ đã đến để chiếm trọn suy nghĩ cuối cùng của ngài. Tôi đã tự hỏi. Sau khi ngài qua đời, Tiểu thư Thomas đã lấy nó và trao lại cho tôi). Rồi tôi hỏi ngài liệu ngài có muốn tôi đến Đền Đức Mẹ tại La Salette để xin ơn chữa lành cho ngài không. Ở đấy sắp kết thúc tuần cửu nhật trong vài ngày tới. Ngài nói: “Có, cha muốn”- Con sẽ xin cho cha được khỏi bệnh- “Con mong như vậy”. Lúc chuẩn bị khởi hành, tầm khoảng 11 giờ, cha nói với tôi: “Cha cứ ở lại đấy ngày mai, thứ 7 và cả Chúa Nhật nữa” Tôi đáp lời ngài. Như vậy thì lâu quá, con muốn gặp lại cha sớm hơn. “Thôi được, cha hãy trở lại vào thứ Bảy”. Tôi quỳ xuống. Cha chúc lành cho tôi. Cha đặt tay lên trán tôi và làm dấu thánh giá. Thế rồi tôi ra đi với niềm tin rằng tôi sẽ gặp lại ngài trong tình trạng sức khỏe tràn trề sinh lực hơn. Ôi chao!
Để diễn tả suy nghĩ của mình về mọi thứ, ngài muốn tôi lấy chiếc ô cho ngài. Ngài không thể nói được từ ấy. Ngài chỉ về phía cuối căn phòng và nói: “Lấy cho cha cái… cái… và tôi- vì không thể nghĩ tới một cái ô trong điều kiện thời tiết đẹp như vậy, nên tôi lại chỉ tay vào các đồ vật khác. Ngài đáp: không- hơi giận dữ với vẻ thân thiện. Ngài mỉm cười trong sự bất lực của mình. Nhưng với chúng tôi, thật đớn đau khi nhìn thấy môi miệng luôn hé mở để cao rao Lời Chúa, hay để nói những lời yêu thương và những lời hay ý đẹp, thì nay lại trở nên câm lặng thế này đây.
Tôi ra đi. Từ lúc đó cho tới khi ngài qua đời là 50 tiếng đồng hồ. Từ La Salette, tôi đã muốn quay lại sớm hơn cơ. Nhưng tôi đã phải chờ một người lẽ ra nên đến đó lúc 2 giờ chiều Thứ 6, để cung cấp cho tôi những thông tin về cha. Bà đã không đến và tôi quyết định chờ. Tự thẳm sâu cõi lòng, tôi hoàn toàn tin tưởng Cha sẽ mau chóng bình phục và khỏe hẳn. Tôi tin điều đó và niềm tín thác của tôi càng khiến tôi rơi những dòng lệ của lòng biết ơn. Chao ôi! Chúa đã chẳng muốn như thế. Con đã luôn coi sự vắng mặt này là một sự trừng phạt vì tội lỗi của con. Vâng lạy Chúa, Chúa xét xử công minh. Con cảm tạ Chúa vì hồng ân vô giá mà Chúa đã đoái nhìn đến người cha của con trong những ngày cuối đời này, đã chăm sóc ngài, đã đoái nhìn một vị thánh từng gánh lấy nỗi khổ đau, từng từ bỏ một công việc vừa mới được thiết lập mà không hối tiếc, không tố cáo. Ngài chết bởi vì Chúa cho rằng cái chết thì tốt hơn đối với ngài. Ngài không cho rằng Chúa muốn ngài sống thêm một phút giây nào nữa. Ngài tiến đến cái chết giống như tiến đến việc tôn thờ vậy. Ngài không muốn trối lại bất cứ điều gì cho hậu thế, mà chỉ biết phó thác cho Chúa, là Thầy dạy duy nhất, là ngôi vị duy nhất của Hội dòng, và để cho sự tự do hoàn toàn của Chúa, vương quyền của Chúa, hướng dẫn mà thôi. Ôi! Thật quá rõ. Và lạy Chúa, cũng có lẽ là Chúa xa lánh con vì e rằng con sẽ buộc cha phải nói vì con bận tâm về những điều ấy. Mọi việc Chúa làm đều tốt đẹp, và còn tốt đẹp hơn nữa.
Hai lá thư kèm theo cho biết những thông tin chi tiết về thứ 5 và thứ 6. Bức thư cuối được viết vào khoảng 3 hoặc 4 giờ ngày Thứ 6. Cha đã thông báo về cái chết của mình cho một người ở La Salette, nó được viết như sau: Tôi chứng thực điều đó qua chính ngôn từ của bà: “Cha nói: tốt rồi, thế là đã hoàn tất”. Tôi không muốn xét đoán xem người này đáng tin thế nào. Chỉ sau này, chúng tôi mới có thể xác nhận được điều đó mà thôi.
Căn phòng, nơi cha Ê-ma đã ở trong những ngày cuối đời.
Thứ sáu 31 và Thứ bảy 1 tháng 8 năm 1868
Bức thư của Tiểu thư Thomas nói rằng ban đêm là khoảng thời gian khá bình yên. Tuy nhiên sự mệt mỏi ngày càng gia tăng, và điều ấy thì vô cùng nguy hiểm. Trong thực tế, lúc ấy cha đã suy nhược và dường như ngài không còn đủ sức để chiến đấu với bệnh tình của mình nữa.
Cha Chanuet đã dâng Thánh Lễ vào ban sáng.
Hai lần trong ngày, cha đã nói với cha Ê-ma về Bí tích xức Dầu, nhưng ngài nói: Không, không phải bây giờ.
Cha ngồi dậy để người ta dọn dẹp giường chiếu. Tối hôm trước, họ dán cao vào cổ ngài. Tối đến, Tiểu thư Thomas ngồi bên ngài. Đến nửa đêm, cô vẫn ở trong phòng. Những tấm rèm cửa che giường của ngài ở góc phòng phần nào được kéo vào. Một chiếc đèn ngủ được đặt trên bệ lò sưởi để dọi sáng căn phòng. Tiểu thư Thomas trông chừng ngài và thấy ngài đang chăm chú nhìn xuống chân giường, bên cạnh bức tường. Ngài đang mỉm cười, đôi mắt ngài đầy sức sống. Rõ ràng ngài đang hạnh phúc. Cô nhìn và nhận thấy một luồng sáng nhỏ tựa ánh trăng hay như những nếp gấp của chiếc váy vậy. Để không bị rơi vào tình trạng nghi vấn, cô cầm lấy cái đèn và cất nó đi, mục đích là để chắc chắn rằng đó không phải là một sự phản xạ ánh sáng, nhưng luồng sáng vẫn tiếp tục xuất hiện. Cha vẫn đang nhìn và mỉm cười. Ngài đang biểu lộ một tâm tình biết ơn. Tiểu thư Thomas nói với tôi, những nếp gấp đó giống như một chiếc váy đang được treo lên vậy. Chúng có thể cao tầm một mét. Và toàn bộ luồng sáng tỏa ra từ giường cho
tới trần nhà. Cô không nhìn thấy bất cứ tia sáng hay hình thể nào. Cô đã nói với tôi như vậy. Và tất cả những ai đã từng biết cô là một giáo viên, biết tính cách cương trực và lòng trung thực của cô, thì đều biết rằng cô không hề có khuynh hướng thích tưởng tượng.
Cô xác tín rằng chính Đức Trinh Nữ đã đến để trấn an Cha. Niềm tin này không những không sút giảm nhưng càng thêm vững chắc cho tới khi cô qua đời. Tiểu thư Thomas báo ngay cho cha Chanuet, lúc ấy ngài đang ở ngôi nhà bên cạnh. Đến lúc này, Cha (cha Ê-ma) đã đồng ý lãnh nhận Bí tích Xức dầu. Cha Chanuet mang cho ngài Dầu Thánh. Cha (cha Ê-ma) đã hiệp ý với tất cả các kinh nguyện, tham dự đầy đủ nghi thức. Lúc đó là vào khoảng 2 giờ sáng.
Sự mệt mỏi ngày càng tăng. Nhưng các ý tưởng của ngài lại luôn tuyệt đối rõ ràng. Tới 7 giờ, cha Chanuet nói với Cha rằng ngài muốn cho cha rước lễ. Có vẻ như Cha không được vui. Ngài muốn có một Thánh lễ. Cha Chanuet sợ phải làm trái với lương tâm của mình và Cha (cha Ê-ma) đã chấp nhận sự hy sinh mới này. Rồi Cha lãnh nhận của ăn đàng. Lúc đó là khoảng 7 tiếng đồng hồ trước lúc ngài ra đi!
Sau khi Hiệp lễ, Cha lại ngồi dậy để vệ sinh giường chiếu.
Lúc 10 giờ, ngài ôm chị gái và nói: “Chị, xin tạm biệt chị lần cuối!”. Khoảng 11 giờ, cao dán ở chân ngài không còn giữ được nữa. Sự sống đang dần rời xa ngài. Máu từ tứ chi dồn hết về tim. Với Cha, có lẽ hơn bất cứ ai, trái tim chính là sự sống của ngài. Sự sống bỏ ngài lại ở đó, ngay tại giây phút quan trọng này, như trong một kỳ tĩnh tâm sau cùng vậy.
Vào buổi trưa, mọi người đều nghĩ rằng mọi thứ đã kết thúc. Một cơn ngất xuất hiện giống như cái chết vậy. Nó kéo dài tầm vài phút. Vì thế cha Chanuet đọc kinh kẻ liệt cho Cha. Cha hiệp thông với các kinh nguyện ấy. Tất cả những người hiện diện lúc đó đã quỳ gối xuống ngay phía chân giường. Cha chúc lành cho từng người một. Khi chúc lành xong, ngài vẫn như đang tìm ai đó, ngài nhìn hết bên này sang bên kia, và dường như ngài đang cất tiếng gọi. Rồi ngài lại cảm thấy buồn ngủ. Tiểu thư Thomas đã luôn tin rằng người mà ngài đang tìm chính là tôi. Ngài nghĩ rằng tôi đã quay trở lại, hay là ngài không nhớ ngài đã bảo tôi đi La Salette.
Đến hai giờ, cha Chanuet đi gọi điện. Một vài dấu hiệu cho thấy tình trạng kiệt sức ngày càng tăng đã không giấu được Tiểu thư Thomas. Cô đã cử một vài người đi theo cha Chanuet. Cha muốn khạc nhổ. Tiểu thư Thomas từ từ đỡ ngài lên gối. Hơi thở ngài yếu đi. Kết thúc rồi. Ngài dần hết sức sống, đúng hơn, ngài đang chìm vào giấc ngủ cách êm ái. Tay ngài vẫn đang tìm chiếc khăn mùi soa để khạc đờm. Mắt ngài cứ dán chặt vào Tượng Chịu Nạn.
Cha Chanuet đã trở lại khoảng một vài giây trước đó, và kịp chúc lành cho Cha lần cuối cùng lúc hấp hối (articulo mortis) từ ngay cửa phòng. Lúc đó là khoảng hai giờ rưỡi.
Tôi đã quên đề cập tới thời gian ban trưa, khi kinh nguyện cho kẻ liệt được cất lên, thì có vẻ như Cha hơi mệt một chút. Tiểu thư Thomas cho cha xem bức ảnh Thánh Tâm với các kinh cầu, và hỏi cha có muốn mọi người đọc những kinh ấy không. Cha nói: “Có”, và đọc theo những lời cầu khẩn ấy với một tâm tình sốt sắng và đạo đức. Dưới đây là lời cầu nguyện cuối cùng của ngài.- Một hôm Cha bảo tôi: “À này! Tôi phải tôn sùng Thánh Tâm Chúa, chính Thánh Tâm Chúa đã cứu tôi”. Và Đức Giê-su đã đến, ban ánh sáng của Thánh Tâm cho người con yêu quý đang trong cơn hấp hối, để giúp ngài dễ dàng vượt qua và đặt ngài ngồi vào chiếc thuyền cách an toàn, cho khỏi bị chìm!
Lúc 2 giờ rưỡi, thứ 7 ngày 1 tháng 8, Cha đã nghỉ yên trong Chúa. Hôm đó rơi vào lễ kính thánh Phê-rô mang xiềng xích- bổn mạng của ngài và vào giờ kinh chiều I lễ Mẹ các Thánh Thiên Thần.
Sau khoảnh khắc u buồn ban đầu, mọi người nghĩ đến việc thay y phục cho ngài. Chính Tiểu thư Thomas và Bà Gras nhận nhiệm vụ đau buồn này.
Cha được mặc áo dòng, áo Alba, đai thắt lưng và được quàng dây các phép (Stola) màu đen. Chân ngài được mang đôi vớ và đôi giầy thắt dây. Người ta đặt ngài trên giường, tin báo tử loan đi khắp thị trấn, căn phòng của ngài trở nên đông nghịt khách đến viếng và họ khóc rất nhiều, họ đến để nhìn người Cha đáng kính, và họ đến để xin ngài phù hộ hơn là đến để cầu nguyện cho ngài.
Nhưng mỗi khi nhớ lại những ký ức này, tôi luôn chú ý tới một vài chi tiết không mấy quan trọng, nhưng chúng thực sự tác động đến tôi rất nhiều sau biến cố này.
Trong Thánh lễ kết thúc Tuần Cửu Nhật ở La Salette, tôi đã tin chắc rằng Cha sẽ khá hơn nhiều. Tôi đã dâng lời tạ ơn Đức Mẹ nhiều hơn cả việc kêu xin Mẹ nhậm lời ước nguyện tha thiết của mình.
Ở La Salette, có một vị khách hành hương khả kính giống hệt Benoit Labre, được mọi người kính trọng. Tôi đã hỏi ông về việc chữa lành cho Cha mà quên nói với ông về mức độ nghiêm trọng thực sự của căn bệnh. Ông trả lời tôi rằng: “A! thưa Ngài, khi Chúa nhân lành đã quyết định gọi ai đó về với Ngài, thì những lời cầu nguyện chẳng đem lại gì cả.” Nhưng tôi nói với ông rằng đó là một vị thánh, Thiên Chúa cần ngài, cả xã hội và Giáo hội cũng cần ngài. “Trước tình hình đó, ông lão trả lời để trấn an tôi rằng: “Chúa có thể cứu ngài”. Nhưng tôi không để ý nhiều đến những lời ấy. Tối đến, trong suốt bài giảng của ngày Thứ sáu, cha Pons đã giảng trong Thánh lễ kính thánh Phê-rô mang xiềng xích rằng: “Thánh Phê-rô rất quan trọng đối với Giáo hội thời sơ khai, vậy mà Thiên Chúa đã để ngài chịu tống ngục. Đó là vì một số người không còn cần thiết đối với Thiên Chúa nữa”. Do vậy mà vào Thứ bảy, tôi băn khoăn khi chẳng thấy ai từ La Mure đến cả, tôi không biết mình nên ở lại hay quay về. Đến 1 giờ 30, có vài người đến, họ nói rằng cha không đỡ hơn đâu, hãy quay về đi. Tôi không tin điều đó. Thế rồi, tôi tự nhủ, khi người ta rời khỏi La Mure, thì điều đó đúng, nhưng sau đó Mẹ Maria chắc chắn đã chữa lành cho Cha rồi. Tôi tin chắc như vậy. Đây chỉ là cách thử luyện đức tin của tôi mà thôi.
Tuy nhiên, tôi quyết định rời khỏi đó. Khoảng hai giờ, tôi chào tạm biệt Chúa. Tôi đã tuân lệnh Chúa, đây là điều tôi chưa làm tốt, và điều đó khiến tôi phải khóc gào lên trong đau đớn. Từ Nhà nguyện, tôi đi đến chỗ Đức Mẹ hiện ra. Ở đó, tôi cảm thấy mình không thể xin cho Cha được khỏi bệnh. Nhưng với một chút bình an, một sự bình tâm khó tin- tôi ngước nhìn trời và thầm nhủ trong lòng mà không thể thốt nên lời: “Cha đã đúng khi muốn ra đi, thưa Cha, điều đó chẳng phải xứng đáng với cha sao? Lẽ nào cha đã chịu đựng chưa đủ! Ồi! Con đã rất hạnh phúc khi cha được kết hợp với Giê-su của cha.” Ý nghĩ này khiến tôi tràn ngập niềm vui nội tâm và tôi đã rời khỏi đó mà không còn chú trọng đến nó nữa. Lúc đó, đồng hồ nhà thờ điểm hai giờ rưỡi. Vài phút sau đó, Cha đã từ giã cõi đời. Trên đường đi, tôi đã suy nghĩ về điều mình muốn hỏi Cha, vì tôi tin rằng mình sẽ gặp lại cha. Tôi đã đem theo một vài cây thánh giá xá tội trị giá 16 Phơ-rằng Pháp. Tuy nhiên, bầu trời dường như trở nên trong xanh hơn mọi ngày. Tôi không phải là một nhà thơ và cũng chẳng là một kẻ mơ mộng. Tôi nhìn trời và nói: Nhưng điều gì đang diễn ra trên trời vậy? Hay tại bởi trên trời đang ăn mừng một chiến thắng khải hoàn nên bầu trời mới đẹp như vậy. Trong lúc nghĩ về Cha, tôi lại nghĩ đến điều tôi đã muốn nói với cha, về cách chữa trị cho cha v..v.
Thánh Chantal đã biết được căn bệnh của thánh Phan-xi-cô. Thánh nữ sống ở Grenoble. Thánh nhân qua đời tại Lyon. Chúa đã nói với thánh nữ trong lúc ngài cầu nguyện: “Hỡi nữ tử của Ta, cha của con không còn sống trên dương gian này nữa”. Và Thánh nhân đáp lại: “Ồ không, lạy Chúa con, con biết rằng cha của con đã quá khổ sở và đối với ngài, mọi sự đều là cái chết, và ngài chỉ sống cho một mình Chúa mà thôi.” Sự kiện ấy, điều tôi đã đọc sau này, đã giải thích cho tôi vì sao tôi lại tin rằng Cha vẫn luôn sống, dầu trong thâm tâm biết là như thế.
Tuy nhiên, tôi đã tức tốc lên đường trở về. Một giờ trước khi đến La Mure, tại Pont-haut, một người đàn ông chặn tôi lại và nói: “Cha Giu-li-a-nô vừa mới qua đời!”
Khi tôi về gặp Cha, đồng hồ đã điểm 9 giờ tối. Bác sĩ Douillard từ Pari đã đến, nhưng quá trễ rồi.
Tôi lao mình về phía Cha và ôm lấy cha cách điên cuồng. Ôi! Chuyện gì vậy! Cha ơi, cha ra đi mà không gọi con về, để chúc lành cho con lần cuối!
Tôi đã không ngừng ôm ấp khuôn mặt đáng kính của ngài. Mắt ngài mở ra và trông vẫn sống động như trong những ngày lễ tuyệt diệu nhất của Thiên Chúa vậy.
Suốt cuộc đời, kể cả lúc đang vui, thì diện mạo của Cha luôn ẩn chứa vẻ u sầu. Mà ở đây thì cũng chẳng khác gì hơn. Bình an, sự bình an đang mỉm cười. Đôi môi ngài đang hé cười. Ngài nhìn tôi, tôi nói với ngài hai hoặc ba lần rằng: “Nhưng xin Cha hãy cười, hãy nói, cha chưa chết đâu mà, không thể như thế được!”. Nét mặt tươi sáng ấy, nụ cười và sinh khí ấy lưu lại mãi cho tới gần nửa đêm. Cha đã giữ cái dáng vẻ ấy cho đến lúc chôn cất. Nét mặt của ngài luôn điềm tĩnh, đôi mắt ngài hé mở, nhưng không còn sức sống nữa; điều này đã gây ấn tượng cho những người giúp việc suốt những giờ đầu. Điều làm nên sắc thái của ngài, đó là: vẻ điềm tĩnh, bình an, sự bình an không gì lay chuyển được.
Tôi đã dành cả đêm để ngồi lại bên giường của Cha. Chúa biết việc phó linh hồn tôi đã làm cho cha. Tôi đã không quên sót một người nào trong số những anh em của tôi. Tôi cảm nhận được rằng đây là một sự hy sinh mà Chúa đòi hỏi nơi họ.
Những hối nhân đọc Kinh cầu cho Tín hữu quá cố.
Chúa Nhật 2 tháng 8 năm 1868
Buổi sáng, tôi hầu như không có thì giờ dự Lễ. Đám đông từ khắp nơi đến tôn kính cha Giu-li- a-nô. Các linh mục, giới trung lưu, phụ nữ, trẻ em, tất cả mọi người ở La Mure đều đến. Họ mang theo tràng Chuỗi Mân Côi, ảnh đeo, sách và tranh ảnh. Tôi ngồi bên cạnh giường và chạm hết những thứ này vào tay cha. Họ nhận lại với lòng thành kính và hôn chúng. Tất cả những ai vào trong đều khóc thương thán phục trước linh cữu của cha và lặng người đi. Họ đến để cầu nguyện cho người mới qua đời, và họ cảm thấy như đang đối diện với một vị thánh đang ngủ. Những người mà cha thân thiết nhất đã không thể cầm được nước mắt, và tôi nghe ông Delesbrosse khóc than “Ngài gọi tôi là bạn của ngài. Ánh mắt của những cụ ông đã biết cha từ khi còn nhỏ thậm chí còn cảm động hơn nữa cơ. Họ nhớ lại sự ngây thơ và lòng đạo đức của cha, và những ký ức dường như đã khiến họ dâng trào cảm xúc. Một cụ bà đã ngoài 80 xà vào cha mà nói: “Ngài đã ôm tôi mỗi khi ngài đến, tôi muốn ôm ngài lần nữa!”.
Vị thư ký của tòa nhà thị trấn nói với tôi: “Tất cả chúng tôi đã thành đạt nhờ bàn tay của ngài. Suốt kỳ nghỉ của linh mục, cha Giuliano đã hướng dẫn chúng tôi trong những buổi lễ. Ngài hợp nhất chúng tôi lại. Ngài có tầm ảnh hưởng trên hết thảy mọi người”.
Từ sáng đến 4 giờ, tôi vẫn ở bên cạnh giường, hai tay tôi cầm đầy những đồ đạc muốn chạm vào người cha. Căn phòng không lúc nào vắng người cả. Chúng tôi cần mọi người đi xuống dưới để đảm bảo đoàn người lưu thông không bị ùn tắc.
Thi thoảng, mọi người được mời quỳ gối đọc kinh Lạy Cha và Kính mừng. Nhiều lần, chúng tôi cầu xin Ơn Toàn Xá cho cha.
Tuy nhiên, nhiệt độ lên quá cao, chúng tôi sợ sẽ xảy ra sự cố, nên thi thoảng chúng tôi nhét một ít hương thảo vào mũi và tai cha. Đó là việc duy nhất để ướp xác cha.
Tôi không thể nào quên được thái độ của cả đám đông này ngay trước mặt cha. Chẳng ai yên lặng hay dè dặt như đối với người chết bình thường cả, mà từ mỗi môi miệng, trên mỗi gương mặt là tiếng khóc: “Ôi, ngài không phải tuyệt đẹp lắm sao! Dường như ngài vẫn đang sống”.
Nhiều đứa trẻ được mẹ bế trên tay đưa đến. Việc nhìn thấy người chết lẽ ra đã làm chúng sợ hãi. Từ đàng xa, ngoại trừ hai đứa ôm chặt ngực mẹ chúng và quay mặt đi chỗ khác, thì tất cả đều nhìn cha với vẻ kinh ngạc ngây ngô và hôn lên thánh giá mà tôi đã chạm vào tay hoặc miệng cha.
Dường như chẳng điều gì quan trọng với tôi cho bằng lòng sùng kính đơn sơ vốn chưa thể kiểm soát được. Sự đơn sơ đó đáng được đội vương miện bình an và vinh quang.
Họ ước lượng khoảng 10 ngàn người đến viếng, tỏ lòng kính trọng đối với người cha đáng kính của chúng ta. Ngoài những cư dân ở La Mure, ngày Chúa Nhật, những cộng đoàn lân cận cũng đến rất đông. Tôi nghĩ sự ước lượng này là một dấu hiệu tốt cho biết con số chính xác.
Ngoài lời chứng của đám đông, của những con số, của những giọt nước mắt kính phục, còn có bằng chứng của lòng sùng kính dành cho lòng đạo đức của cha; đó là bằng chứng về sự tín thác và chở che của ngài. Một người bị tàn tật. Bà đến chạm vào quần áo của cha rồi thoa lên tay chân đang đau yếu của bà. Một người khác cũng bị đau tay khiến bà không vận động được. Bà đến xin vài thánh tích, bà cầu nguyện trong nước mắt ở phía chân cha, và bắt đầu tuần cửu nhật để xin ơn chữa lành dưới sự che chở của cha.
Một cậu bé 12 tuổi, bị mù khoảng 7 hoặc 8 năm gì đó, cũng đến với ước nguyện như thế. Tôi không biết Chúa có muốn nghe lời cầu xin của họ không; tuy nhiên bằng chứng về đức tin và sự tín thác này được khơi lên từ lòng đạo đức và thánh thiện của cha lại rất quan trọng. Không những thế, họ lui tới ngày càng nhiều hơn, những người đau yếu kéo đến đám tang của cha để xin cha khẩn cầu ơn lành cho họ, vì họ tin rằng cha đẹp lòng Thiên Chúa.
Khoảng 10 giờ rưỡi, họ cố gắng ghi lại hình ảnh của cha. Sự cố gắng này chỉ thu được một bức họa mờ nhạt.
Tuy nhiên, 45 giờ đã trôi qua từ khi cha nhắm mắt lìa cõi thế. Họ sợ rằng nhiệt độ quá cao sẽ gây ra sự phân hủy. Ý kiến của bác sĩ là không để xảy ra điều đáng tiếc này, và đám đông ở La Mure muốn cử hành nghi thức tỏ lòng thành kính sau cùng cho cha, là người mà họ tôn kính.
Cha Leroyer đến ngay lúc đó. Cha có thể cầu nguyện và nhìn thấy gương mặt của người mà cha đã phụ giúp trong công việc, và cũng chính là người đã hướng dẫn cha trong việc làm vinh danh Chúa.
Sau đó, họ muốn chuyển Cha từ tầng 2 xuống căn phòng ở tầng trệt, đó là một nhiệm vụ khó khăn vì cầu thang khá nhỏ hẹp. Họ quấn cẩn thận xương hàm dưới của cha. Thân thể cha được bọc trong một tấm khăn, với sự trợ giúp của 3 người đàn ông khỏe mạnh, chúng tôi đã đưa người cha kính mến vừa qua đời đến chiếc giường tẩm liệm cuối cùng.
Trước đó, Chúa đã ban cho tôi một ơn huệ mà tôi không xứng đáng, đó là mặc lại phẩm phục linh mục cho cha, chúng sẽ được chôn cất cùng với cha. Chúng tôi làm việc này cùng với Tiểu thư Thomas. Chúng tôi khoác dây Stola màu tím cho cha, khăn đeo tay và áo lễ ngoài cũng cùng màu. Tay chân ngài vẫn còn khá mềm.
Quả thực, chúng tôi không còn thứ gì khác xứng hợp hơn để đặt lên hai vai của cha! Nhưng chúng tôi đã không ở trong nhà, chúng tôi đành hài lòng với những thứ mà chúng tôi tìm thấy trong giáo xứ. Điểm giống nhau cuối cùng với vị Tôn sư của ngài, Chúa chúng ta, đó là cha đã an nghỉ bên ngoài nhà mình, và những người xa lạ đã cho ngài mượn một tấm khăn liệm.
Khoảng 5 giờ, quý cha đến viếng xác ngài. Tám hay mười người dân địa phương đã đến La Mure để tôn kính ngài lần cuối, ngài là bạn hữu và cũng là tấm gương của họ. Họ đã xin được khiêng xác cha bất chấp tuổi tác của mình. Một ân huệ ngọt ngào mà tôi rất thích! Tôi đã xoay sở để cha Leroyer chỉ định tôi hỗ trợ hoặc khiêng phía đầu quan tài (chúng ta là một Hội dòng!) với lý do là những linh mục khỏe là những người khiêng nắp quan tài bởi họ phải chịu lực nặng hơn.
Lạy Chúa, Ngài đã đỡ nâng con! Nhưng Chúa biết cõi lòng con tan nát thế nào khi vị linh mục cất tiếng: De Profundis (Từ vực sậu), trước khi khiêng thi thể đi. Ôi những lời. Nó nghe thật thấm thía và đáng buồn làm sao! Cha hãy xuống đây, thưa Cha! Không còn đường nào nữa!
Tôi ôm Cha lần cuối. Tôi không thể bỏ ngài. Ngài trông thật đáng yêu làm sao khi được đặt vào chiếc quan tài đang mở. Ngài vẫn giữ được sự bình an của những ngày mà chúng tôi đã từng thấy ngài hiện diện trước Nhiệm Tích Thánh, hồi tâm và vững tin. Ngài sắp tôn thờ lần cuối.
Đám đông ùa đến trước quan tài để nói lời vĩnh biệt Vị Thánh làng La Mure, để khắc ghi ký ức cuối cùng về diện mạo đáng yêu của ngài.
Sự hiện diện đông đảo của cảnh sát đã giúp chúng tôi giữ trật tự tốt hơn. Nhưng sự chen lấn này, lòng nhiệt thành này, dòng người, mặc dù đông đảo nhưng vẫn giữ được sự tĩnh lặng và tôn trọng, điều đó như muốn nói với chúng tôi là không việc gì mà phải than phiền cả. Điều đó thật ấn tượng, giống như những đứa trẻ quây quần bên cha của chúng vậy. Mỗi người đều muốn nhìn và gửi đến ngài nụ hôn sau cùng. Nhưng tất cả đều biết cách tôn trọng chính quyền và biết kiểm soát những ước muốn chính đáng của mình.
Tới 6 giờ, mọi sự đã hoàn tất. Đám đông quỳ xuống tiễn biệt lần cuối và đoan hứa sẽ thường xuyên đến ngôi mộ đáng tôn kính này để cầu nguyện. Họ đã giữ lời.
Về phần mình, tôi đã đóng nắp quan tài lại và thấy mọi sự diễn ra tốt đẹp. Tôi đã có thể ở lại vào thời khắc cuối cùng này, để lấy tràng chuỗi mân côi của một vị linh mục chạm vào khuôn mặt của Cha. Vị linh mục ấy đến trễ và cũng muốn hưởng ân huệ này.
Đó là nhiệm vụ cuối cùng của tôi đối với ngài ở dưới thế này. Đã không có bất cứ điều gì khác hơn được thực hiện. Tôi đã nghe, những dấu lặng buồn từ thẳm sâu cõi lòng tôi, đất thánh đang vùi lấp người quá cố thân yêu của chúng ta. Sau nửa giờ đồng hồ, ngài đã hoàn toàn biến mất khỏi tầm nhìn của chúng tôi.
Chiếc quan tài được làm bằng hai lớp gỗ sồi, bên trong là lớp mạ kẽm. Nó được đóng cách cẩn thận. Tôi đã vô cùng hối tiếc vì họ đã không gói vào trong đó bảng thành tích của Cha. Thiên Chúa sẽ định liệu tất cả! Ước gì sẽ đến lúc người ta đào xuống một vài thước đất nơi chôn cất Cha, để chúng ta sẽ lại được nhìn thấy Cha của chúng ta. Và tự đáy lòng mình, tôi hy vọng lòng trong sạch của cha cũng sẽ được bảo vệ cách cẩn thận, để cha được thường xuyên và xứng đáng đón rước Mình Thánh Đức Giê-su Ki-tô, hầu có thể gìn giữ cha khỏi bị hư mất. Giả như Chúa không muốn như vậy, thì tro cốt của ngài cũng không làm giảm đi lòng mến của chúng Và với hết lòng tin tưởng, chúng ta sẽ đợi chờ ngày mà hết thảy chúng ta được diện kiến trước mặt Đức Giê-su Ki-tô trong thân xác vinh hiển!!
Khi viếng nghĩa trang ở La Mure, là điều mà cha vẫn thường làm trong các chuyến viếng thăm của mình, cha đã từng nói: “Ai biết được liệu Chúa nhân từ có đưa tôi trở về đây bên cạnh người mẹ dấu yêu của tôi không.” Chúa đã hoàn tất những hy vọng của ngài.
Cha yên nghỉ bên cạnh bức tường của nhà thờ. Cha đang nhìn về phía nhà tạm đằng sau bức tường ấy. Khoảng năm 7 tuổi, cha đã dành nhiều giờ
bên nhà tạm và “theo cách diễn tả của mình, cha đang lắng nghe Chúa Giê-su nói gì với mình.”
Tôi chắc rằng chính cha đã đưa ra ý kiến về ngôi mộ giản dị dành cho mình.
Thánh Thể được đặt phía trên đầu ngôi mộ. Đó là trung tâm, là then chốt, là cùng đích của cuộc đời cha.
Dây các phép được trải thẳng xuống phía dưới chân của mặt nhật. Đó là sự tôn thờ, là sự sùng kính của một linh mục đã toàn hiến cho Chúa Giê-su Thánh Thể.
Một cuốn sách mở ra gợi cho chúng tôi nhớ lại những giáo huấn của cha là luôn luôn quy hướng về nguồn mạch Thánh Thể.
Cuối cùng, hình dạng của ngôi mộ là một Bàn Quỳ. Đó là ngai tòa, là cỗ xe ngựa khải hoàn của người tôn thờ, bởi vì đây là khí giới của cha trong cuộc chiến và bàn thờ là sự hiến tế của cha.
Ngôi mộ đơn sơ đáng yêu luôn nói với chúng ta về ngôn ngữ của Cha chúng ta, và không ngừng nhắc nhở chúng ta về tinh thần từ bỏ của ngài, về tặng phẩm toàn hiến là chính con người ngài cho Thiên Chúa, về sự tận hiến của ngài để phụng sự Chúa Giê-su Thánh Thể.
Mạc-xây, ngày 31 tháng 7 năm 1869
Thầy Albert [đã ký]
Phụ phó tế
Tôi xin chứng thực về toàn bộ sự thật của tất cả những chi tiết được ghi chép trong tài liệu này, chí ít là trong mối liên hệ với những điểm cốt yếu. Tôi muốn đưa vào mọi thứ, để sau này họ có thể dựa vào đó mà không hãi sợ hay hối tiếc vì đã bỏ sót điều gì.
Thầy Albert
Chúng tôi, những người ký tên bên dưới, tuyên thệ trước Thiên Chúa, và cam kết rằng bản tường thuật về những ngày cuối đời và lễ tang của cha Ê-ma khả kính được trích từ bản văn của cha Tesniere (thầy Albert) đáng kính, được chúng tôi sưu tầm với sự chính xác và tỉ mỉ nhất, và căn cứ trên bản gốc.
Pari, 31 tháng 10 năm 1898. Raeul de Mauduit, sss
Lm. Alexandre Jaivenois, sss
Tôi xin tuyên thệ trước Thiên Chúa là những điều dưới đây hoàn toàn đúng sự thật. Pari, 4 tháng 9 năm 1898.
Tu sĩ A. Tesniere, sss
Phụ tá Tổng quyền
Bản văn này được chuyển dịch từ bản sao chép trong văn khố của Tỉnh dòng Pháp tại Pari. Cách chấm câu được điều chỉnh lại để tiện cho việc đọc hiểu.
Bản sao chép từ văn khố Pari có tựa đề đúng như tựa đề trong bản ghi chép của cha J. Lavigne: “Những ghi chú của cha Tesniere khả kính về những ngày cuối đời của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma”. Nó dài khoảng 25 trang viết tay.
Pari, 22 tháng 7 năm 1984
Cha André GUITTON, sss
Tập sách này được xuất bản trong bối cảnh những buổi cử hành
do Trung Tâm Linh đạo “Ê-ma” tổ chức nhân dịp kỷ niệm 150 năm
thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma qua đời tại La Mure.
Nhật ký về những ngày cuối đời của ngài do Albert Tesniere,
một tu sĩ Thánh Thể, và là nhân chứng của các sự kiện ấy, ghi chép lại.
La Mure 2018
“Có Thánh Thể là chúng ta có mọi sự: thiên đàng và con tim của các anh em”
(CO 473)
“trong Thánh Thể, anh chị em có tất cả mọi sự: lời rực cháy, tri thức,
và những phép lạ” (PR 107.4)
Trung tâm Linh đạo “Ê-ma”
67, đường Breuil
38350 La Mure
eymardlamure@ssseu.net