Tâm Tình Mục Tử tháng 8 năm 2024

Hướng về Năm Thánh của Giáo hội toàn cầu 2025:
‘Lòng Cậy không làm thất vọng’

 Quý Cha và quý Tu sĩ thân mến,

Đức Thánh Cha Phanxicô nặng lòng với thực trạng và hạnh phúc nhân loại trong tâm tư của Thánh Công đồng Vaticanô II: ‘Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ’ (GH s. 1).

Chiều ngày 09 tháng 5 năm 2024, dịp Đại lễ Chúa Thăng Thiên, Đức Thánh Cha đã trao cho Giáo hội toàn cầu Sắc chỉ công bố năm thánh thường lệ 2025. Chủ đề năm thánh trích từ thư gửi tín hữu Rôma (Rm 5:5): ‘Spes non Confundit’ (Lòng Cậy không làm thất vọng).

Một

Theo truyền thống cổ xưa, các Đức Thánh Cha thiết lập Năm Thánh thường lệ theo nhịp mỗi 25 năm. Năm thánh là khoảnh khắc mạnh mẽ nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng hướng tới mục tiêu là gặp gỡ Chúa Giêsu, là một trải nghiệm sâu sắc về ân sủng và hy vọng cho toàn thể Giáo hội. Trong năm thánh thường lệ 2000, chúng ta đã bước qua ngưỡng cửa vào thiên niên kỷ thứ ba, kể từ sau Chúa Giêsu Giáng sinh. Năm thánh 2025 tiếp nối những sự kiện ân sủng trước đó.

Vào ngày 24 tháng 12 năm nay 2024, Đức Thánh Cha mở cửa thánh của Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô.

Ngày 29 tháng 12 năm 2024, mở cửa thánh nhà thờ Chính tòa Latêranô. Ngày 01 tháng giêng 2025, lễ trọng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, mở cửa thánh Vương Cung Thánh đường Đức Bà Cả.

Vào ngày 05 tháng giêng 2025, mở cửa thánh Vương Cung Thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành.

Đức Thánh Cha quyết định vào Chúa Nhật 29 tháng 12 năm 2024, tại tất cả các nhà thờ Chính tòa, các Giám mục Giáo phận sẽ cử hành thánh lễ long trọng khai mạc năm Thánh.

Năm Thánh sẽ kết thúc vào Chúa Nhật 28 tháng 12 năm 2025 tại các Giáo hội địa phương

Tại Vatican, năm Thánh thường lệ sẽ kết thúc bằng việc đóng cửa Thánh của Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô, vào ngày 06 tháng giêng 2026, lễ Chúa Hiển Linh. Ước gì ánh sáng hy vọng Kitô giáo đến với mọi người như sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa gửi đến tất cả mọi người.

Hai

Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, năm thánh đầu tiên do Đức Thánh Cha Bonifaciô VIII thiết lập năm 1300 khởi sự một con đường ân sủng do lòng đạo đức bình dân thúc đẩy. Thật vậy, chúng ta không thể quên những hình thức khác nhau qua đó ơn tha thứ đã được tuôn đổ dồi dào trên dân thánh trung thành của Thiên Chúa.

Chẳng hạn, chúng ta hãy nhớ lại ‘ơn tha thứ’ lớn lao mà Thánh Celestinô V ban cho những ai đến viếng Vương Cung Thánh Đường Thánh Maria Collemaggio ở Aquina, vào ngày 28 và 29 tháng 8 năm 1294.

Trước đó, năm 1216, Đức Thánh Cha Hônôriô III đã chấp nhận lời thỉnh cầu của Thánh Phanxicô, xin cho những ai đến viếng Portiuncula vào hai ngày đầu tiên tháng tám được hưởng ân xá.

Tương tự như vậy với cuộc hành hương đến Santiago de Compostela, năm 1122, Đức Thánh Cha Calixtô II đã cho phép cử hành năm thánh tại Thánh đường này mỗi khi lễ kính Thánh Tông đồ Giacôbê trùng vào Chúa nhật.

Thật là tốt đẹp khi phương thức cử hành năm thánh ‘mở rộng’ này vẫn tiếp tục, để sức mạnh tha thứ của Thiên Chúa nâng đỡ các tín hữu. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở năm thánh ngoại thường năm 2015 giúp mọi người, mọi nơi, mọi thời, gặp được ‘dung nhan lòng thương xót’ của Thiên Chúa là trọng tâm của Tin Mừng. Chúng ta còn hướng tới năm 2033, mừng kỷ niệm hai ngàn năm ơn cứu chuộc được thực hiện qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.

Ba

‘Không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng các môn đệ Chúa Kitô’. Với năm thánh, Giáo hội thao thức về những nỗi khát vọng trong tâm hồn con người. Thế giới lúc này đang chìm trong thảm trạng chiến tranh, trong quá nhiều xung đột gây chết chóc hủy diệt. Năm thánh ân cần nhắc nhở ‘ai xây dựng hòa bình sẽ được gọi là con Thiên Chúa’ (Mt 5:9).

Năm thánh hướng tới các bạn trẻ, ân cần nhắc nhở sự sống là thánh thiêng, phải dừng lại những chính sách phá thai, những đường lối định đoạt số con cái, cướp quyền của vợ chồng về việc sinh con với trách nhiệm và mời gọi suy tư đến tình trạng nhiều vợ chồng không còn muốn truyền sinh.

Một đặc tính của Năm Thánh từ xưa (Lev 25:10) là lưu tâm đến các tù nhân với ‘năm hồng ân của Chúa’ (x. Lc 4:18.19).

Năm Thánh mở rộng vòng tay nhân ái đến bệnh nhân, người bị khuyết tật, người cao tuổi, những người thiếu thốn những gì căn bản của cuộc sống. Giáo hội phải sẵn sàng bảo vệ quyền lợi những người yếu thế nhất, những di dân, tị nạn (Mt 25:35-40).

Năm Thánh hướng đến nỗi đau của ‘Mẹ trái đất’ đang bị những phe nhóm tàn phá khốc liệt, không còn là ngôi nhà chung thân ái của loài người.

Con người cần sự hiệp nhất và tình thương, xuất phát từ Thiên Chúa với tâm thức ‘không có gì thực sự của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng các mọn đệ Chúa Kitô’.

Bốn

‘Spes non confundit’. Thánh Augustinô viết: ‘Dù ở bậc sống nào, người ta cũng không thể sống nếu không có ba tâm tình này: Tin, Cậy, Mến’. Cậy là hy vọng. Giữa bóng tối thời đại, năm Thánh thắp lên ngọn lửa hy vọng. Từ thập giá ngang ngược của lòng người, trái tim Chúa Giêsu bị lưỡi đòng đâm xuyên thấu, Chúa vẫn làm trào tuôn ‘máu và nước’. Từ sự kiện Chúa Cứu Thế gục đầu chết, Người lại biểu lộ Thiên tính quyền năng ‘trút Thần Khí’. Có một niềm hy vọng vững vàng không có gì ngăn cản nổi…

Nền tảng lòng cậy của chúng ta: ‘Tôi tin sự sống đời đời’. Thánh Công đồng Vat. II: ‘Nếu thiếu nền tảng là Thiên Chúa và thiếu niềm hy vọng vào đời sống vĩnh cửu thì phẩm giá con người sẽ bị tổn thương trầm trọng như thường thấy ngày nay, và những bí ẩn về sự sống, sự chết, tội lỗi và đau khổ sẽ không có giải dáp, như thế con người sẽ rơi vào tuyệt vọng’.

Chúng ta đang tiến về gặp gỡ Thiên Chúa hiển vinh trong lời cầu nguyện rung động của các Kitô hữu đầu tiên: ‘Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến’ (Kh 22:20).

Đức Kitô đã chết, đã được mai táng, đã trỗi dậy và đã hiện ra: ‘Sự sống không mất đi nhưng được thay đổi’. Sự sống mới với chiều kích vĩnh cửu trong Chúa Kitô, chiều kích hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, thông truyền vào chúng ta nhờ Bí tích Thánh Tẩy. Các Thánh Tử đạo cho chúng ta bằng chứng thuyết phục về niềm hy vọng này. Niềm hy vọng này mang lại hạnh phúc đạt được một lần và mãi mãi trong thực tại làm chúng ta tăng triển, đó là tình yêu: ‘Tôi được yêu nên tôi hiện hữu’. ‘Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta’ (Rm 8:38.39). Tình yêu là phẩm hạnh đưa chúng ta ra trước Đấng Thẩm phán giàu lòng xót thương.

Năm

Năm Thánh khơi lên trong chúng ta lòng Tin, lòng Cậy, lòng Mến và lần này nhấn mạnh lòng Cậy, đức Hy vọng. Năm Thánh làm sống dậy nỗi khát khao ơn Chúa, phúc đức, sự sống mới… Đâu là giáo lý tông truyền, chính truyền, nền tảng quy chiếu của niềm mong đợi từ năm Thánh?

Đó là giáo lý về ‘Ân Sủng’.

Ân sủng là chính Thiên Chúa, là tấm tình chăm sóc của Thiên Chúa dành cho con người, như được thể nhập nơi Chúa Giêsu Kitô, được thông ban thâm sâu tầm cỡ hữu thể vào bản tính người, như hồng ân Thánh Thần. Ân sủng là Thiên Chúa hiện diện lập nên mối tương quan căn bản giữa Thiên Chúa và con người đến nỗi cần ân sủng để đáp lại ân sủng.

Kinh Thánh mạc khải ân sủng là yếu tính của lòng tin của dân Thiên Chúa. Đức Chúa mạc khải chân tướng của Người, cách riêng lòng thương xót: ‘Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa chạnh thương, huệ ái, bao dung và đầy nhân nghĩa, tín thành… Môsê vội vàng phục xuống đất mà thờ lạy’ (Xh 34:6). Thiên Chúa là tình yêu thăm thẳm (amour insondable), tình phụ tử, tình phu thê (x. Os 2:21), thương yêu vô điều kiện đến ‘phí phạm’. Ân sủng thương yêu biểu lộ bằng các biến cố lịch sử, đặc biệt cuộc xuất Ai cập, bằng giao ước, nhưng nhất là bằng sự ưu tuyển Israel làm dân riêng, làm con cái yêu dấu. Ân sủng mở ra cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa tự docon người được dựng nên mang phẩm tính tự do. Kinh nghiệm ân sủng trải rộng và thấm nhập từng mỗi cá nhân con dân Israel.

Ân sủng Thiên Chúa dành cho Israel và toàn thể nhân loại mang chiều kích thời viên mãn, thời sau hết, nơi Chúa Giêsu Kitô. Với Thánh Phaolô, ân sủng là sự công chính hóa các tội nhân bởi Chúa Giêsu Kitô đã phó nộp mình cho họ. Chúa Kitô phục sinh vinh hiển là ân sủng được hiến ban cho mọi người không cậy vào công lênh của họ, là quyền năng tiêu diệt sự chết và đem lại sự tự do. Chúa Kitô từ thập giá và khi phục sinh đã ‘trút’ Thánh Thần cho các Tông đồ thiết lập Giáo hội. Giáo hội đầy Thánh Thần thực thi sứ mạng đưa con người tham dự ân sủng chiến thắng nhờ Tin Mừng, các nhiệm tích, nhất là nhiệm tích Thánh Thể. Ân sủng của Thiên Chúa còn rộng ban các đặc sủng nhằm phát triển thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô.

Các Giáo phụ Hy lạp suy tư giáo lý ân sủng với tầm vóc phổ quát và vũ trụ (universelle et cosmique) của lịch sử cứu độ. Thánh Irênê hiểu ân sủng là công trình cứu độ Thiên Chúa đưa con người thông dự sự sống của Thiên Chúa, phù hợp với mục đích của công trình tạo dựng. Ta đã thấy ở đây manh nha sự phân biệt giữa ân sủng căn cội (grâce originelle: người được tạo dựng giống Thiên Chúa) và ân sủng cứu độ (grâce salvifique: người được thần hóa). Cuộc nhập thể của Chúa Giêsu, nhờ Thánh Thần, làm nên hành trình của ân sủng là phục hồi và hoàn thành nơi con người hình ảnh giống Thiên Chúa của con người bị suy thoái bởi tội lỗi và đưa con người thông hiệp với Chúa Ba Ngôi. Ân sủng thần hóa hoạt động qua Lời Chúa và Phụng vụ thánh.

Các Giáo phụ phương Tây, trong khi nhìn nhận những suy tư các Giáo phụ phương Đông, đặt thực tại ân sủng vào tương quan mới mang tính pháp chế giữa Thiên Chúa và con người. Mỗi cá nhân, dù bị giam giữ bởi tội lỗi, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, vẫn có thể gặp được ơn cứu độ với tự do của mình. Trong nhãn quan này, ân sủng được nhìn nhận là sức mạnh của Thiên Chúa giúp con người tiếp cận ơn cứu độ. Thánh Augustinô nhận thức việc tội nhân tuy không thể làm được việc lành, bị mất tự do nhưng sẽ được chữa lành và được biến đổi nội tại bằng ân sủng của Chúa, trước khi con người tự mình thăng tiến trong ơn cứu độ. Thánh Tôma quan niệm con người được tạo dựng hướng về sự thông hiệp với Thiên Chúa và chỉ đạt được nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Từ thời Trung cổ, thần học phân biệt ‘ân sủng bất tạo’ (grâce incréée) là chính Thiên Chúa trong liên hệ tình yêu với con người, và ‘ân sủng thụ tạo’ (grâce créée) là hiệu quả hành động ân sủng của Thiên Chúa nơi con người. Ân sủng là hồng ân Thiên Chúa ban không. Thiên Chúa tiên thiên thiết định hướng tính siêu nhiên (finalité surnaturelle) cho bản tính người và cho vũ trụ (tổng thể tiến trình vũ trụ theo Teilhard de Chardin).

Anh chị em thân mến,

Đức Thánh Cha dạy: ‘Chứng tá hùng hồn nhất của niềm hy vọng là Mẹ Thiên Chúa’. Nơi Mẹ, chúng ta thấy niềm hy vọng không phải là sự lạc quan hão huyền mà là món quà ân sủng trong hiện thực cuộc sống. Cũng như bất kỳ người nào, mỗi khi nhìn Con, Mẹ nghĩ đến tương lai của Con trong ký ức những lời cụ Simêon và đứng dưới chân thập giá, nhìn con vô tội đau đớn hấp hối… Mẹ vẫn ‘Xin vâng’, trung tín như ngày truyền tin, trung tín trong lòng mến ban đầu.

Trong nỗi đau dâng hiến vì tình yêu, Mẹ đã trở thành Mẹ của chúng ta, Mẹ của niềm hy vọng. Mẹ là ‘Stella Maris’, Sao biển nâng tầm nhìn của chúng ta, đăm đăm nhìn lên Chúa Phục Sinh… giữa giông bão sóng đời. Gần kỷ niệm 500 năm Đức Mẹ Guadalupe ở Mexicô đến nâng đỡ con cái của Mẹ, chúng ta ghi khắc lời Mẹ ân cần nhủ vào lòng ta, tương tự lời Mẹ dặn các tín hữu tại Lavang: ‘Không phải có Mẹ là Mẹ của con ở đây sao?’

Xin Đức Mẹ và Thánh Cả dìu đưa chúng ta vào Năm Thánh ‘Spes non Confundit’.

† Gioan Đỗ Văn Ngân
Mục tử hiệp hành cùng anh chị em