Tâm tình mục tử tháng 9 năm 2024

Đức Mến phủ lấp vô vàn tội lỗi
(1Pr 4:8)

Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,

Có một lối sống và cư xử biểu lộ nhân cách vững vàng thâm hậu. Còn hơn như thế, Giáo hội sống và cư xử theo tầm vóc ‘Thiên Chúa’: ‘Đức Mến phủ lấp vô vàn tội lỗi’.

Một

Chúng ta hãy dõi theo gương lành của Giáo hội trong biến cố ‘nóng hổi’ tại thủ đô nước Pháp dịp khai mạc Thế vận hội ‘2024 Paris Summer Olympics’, tiêu tốn 1,5 tỉ Euros, trước những phân cảnh chế giễu niềm tin tôn giáo. Chúng ta đang cảm nhận những mâu thuẫn nhức nhối…

Nước Pháp một thời được định danh ‘Trưởng Nữ của Giáo hội’. Nước Pháp đã là nôi sinh thành bao vị Thánh, bao vị Thánh hiến mạng sống rao giảng Tin Mừng khắp thế giới, riêng tại đất Việt có mười vị Thánh tử đạo từ Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Nước Pháp nổi danh với những Văn Thi hào, Triết gia, Thần học gia. Trên đất Pháp vươn lên những công trình kiến trúc và bao tác phẩm nghệ thuật đậm tâm hồn Kitô. Người ta nghĩ thế nào trước sự trân trọng của Giáo hội dành cho biến cố này? Tổng Giáo phận Paris tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho sự kiện. Đức Tổng Giám mục Laurent Ulrich công bố sứ điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô với những lời lẽ gợi lên mục đích của cuộc hội ngộ những nhân tài thế giới này: ‘Các cuộc tranh tài tại Olympics, nếu thực sự là thể thao, có thể là nơi gặp gỡ đặc biệt giữa các dân tộc, kể cả những dân tộc thù địch. Năm vòng tròn nối kết nhau diễn tả tinh thần huynh đệ là đặc điểm của sự kiện Olympics và của các cuộc thi đấu… Hy vọng Olympics Paris sẽ là cơ hội cho mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới khám phá và trân trọng lẫn nhau, phá vỡ những định kiến, thúc đẩy sự tôn trọng thay vì khinh miệt, thúc đẩy tình bằng hữu thay vì thù ghét’. Trước sự báng bổ này, Giáo hội nhìn lên Đấng là Thầy và Chúa của mình, Đấng đã hỏi lại người lính đã tát vào mặt Người: ‘Nếu tôi nói sai, hãy chứng minh xem sai ở chỗ nào, nếu tôi nói phải, sao lại đánh tôi?’ (Ga 18:22.23); và nhớ lại lời Thánh Phêrô: ‘Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng’ (1Pr 3:15.16)… để ngỏ lời với tất cả những người thiện chí: ‘Trong một sự kiện danh giá nơi cả15:15/-strong/-heart:>:o:-((:-hthế giới đoàn kết xung quanh những giá trị chung, không nên có những ám chỉ chế nhạo niềm tin tôn giáo của nhiều người. Tự do biểu đạt không bị đặt thành vấn đề ở đây, nhưng tự do ấy cần có giới hạn vì sự tôn trọng người khác.’ (Thông cáo báo chí của Tòa Thánh ngày 03 tháng 8 năm 2024).

Hai

Có một lối sống và cư xử biểu lộ nhân cách vững vàng thâm hậu. Còn hơn như thế, Giáo hội sống và cư xử theo tầm vóc ‘Thiên Chúa’: ‘Đức Mến phủ lấp vô vàn tội lỗi’.

Đức Thánh Cha Phanxicô, qua Năm Thánh ngoại thường từ 08/12/2015 đến 20/11/2016, mong mỏi con cái Giáo hội thể nhập ‘Dung mạo lòng thương xót’ (Misericordiae Vultus) của Thiên Chúa. Lòng thương xót mạc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi, là hành động cuối cùng và tối thượng, qua đó, Thiên Chúa tới gặp chúng ta. Ngay từ đầu lịch sử nhân loại, đứng trước ách nặng nề của tội lỗi, Thiên Chúa đáp lại với sự sung mãn của lòng thương xót. Lòng thương xót sẽ luôn luôn lớn hơn bất kỳ tội lỗi nào, và không ai có thể đặt ra giới hạn cho tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ’.

Đã đến lúc phải công bố Tin Mừng theo một phương thế mới: ‘Thiên Chúa giàu lòng thương xót’ (Deus dives in misericordia) (Ep 2:4). Lòng thương xót là phương thức Thiên Chúa biểu tỏ quyền tối thượng của Người’, là trái tim đang đập của Tin Mừng. Chúng ta đón nhận tình yêu của Ba Ngôi với đôi mắt dán chặt vào Chúa Giêsu. Mọi sự nơi Giêsu nói lên lòng thương xót, biểu lộ lòng thương xót của Cha, vì ‘ai thấy Thầy là thấy Cha’. Cuộc đời Giêsu mời gọi chúng ta ‘misericordes sicut Pater’. Nhờ Lời Chúa và các Nhiệm tích, đặc biệt Nhiệm tích Thánh Thể, chúng ta được chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót bằng đôi tay riêng của mỗi người, ‘tay chúng tôi đã rờ đến, về Lời sự sống’ (1Ga 1:1).

Trong nhãn quan và tâm tư này, chúng ta hiểu sâu Tuyên ngôn ‘Fiducia supplicans’ Bộ Giáo lý Đức tin công bố ngày 18/12/2023 về sự chúc lành cho các đôi sống chung bất hợp luật.

Trước hết phân biệt hai hình thức chúc lành khác nhau: ‘phụng vụ hoặc nghi thức hóa’ và ‘tự phát hoặc mục vụ’. Ở hậu cảnh, chúng ta tìm thấy sự tích cực về ‘việc mục vụ bình dân’ trong nhiều bản văn của Đức Thánh Cha. Người mời gọi chúng ta coi trọng đức tin đơn sơ của dân Thiên Chúa, mà ngay cả giữa tội lỗi của mình, đã thoát ra khỏi tình trạng nội tại và mở rộng tâm hồn để cầu xin sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Việc ‘Chúc lành mục vụ’ này, vốn là sự chúc lành không theo nghi thức, với trái tim mục tử, không biện chính cho hành động của họ, cũng không phải là sự phê chuẩn cho cuộc sống hiện tại của họ. Việc ‘Chúc lành mục vụ’ này đơn giản là câu trả lời của một mục tử cho hai người đang cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa. Phải chăng đây không phải là một con kênh giúp đôi bạn mở ra cho Đấng siêu việt? Phải chăng một tội nhân, mà chẳng ai dám tự phụ mình vô tội (x. Ga 8:1-11), cả trường hợp càng là một tội nhân nặng nề, lại càng không cần đến sự trợ giúp của lời nguyện cầu giữa cuộc chiến đấu để tồn tại của người ấy hay sao? Giáo hội là bí tích tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Chính vì vậy, ngay cả khi mối tương quan của một người với Thiên Chúa bị tội lỗi làm cho lu mờ, người ấy luôn có thể nài xin một phúc lành, bằng cách giơ đôi tay hướng lên Ngài, như Thánh Phêrô đã làm giữa cơn bão tố, khi Thánh Nhân kêu lên với Chúa Giêsu: ‘Chúa ơi, cứu con với’ (Mt 14:30).

Anh chị em thân mến,

Đức Maria là Mẹ của lòng thương xót, vì ‘toàn bộ cuộc đời của Mẹ được hun đúc theo sự hiện diện của Lòng Thương Xót, Đấng đã làm người’ từ khi Mẹ cưu mang trong lòng dạ khiết trinh cho đến giây phút dưới chân Thập giá, Mẹ nghe tận tai những lời tha thứ của Đấng đang hấp hối chịu treo trên Thập giá… Chúng ta nài xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta trở thành những mục tử ‘giàu lòng thương xót’ (dives in misericordia), thương xót đoàn dân Thánh của Thiên Chúa như ‘Chúa Cha’ (misericordes sicut Pater) và như mình đã được xót thương vô vàn. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta: ‘một bước đi nhỏ giữa những hạn chế to lớn của con người, có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn là một cuộc sống bề ngoài xem ra đúng mực nhưng hằng ngày không phải đối diện với những khó khăn to lớn nào’ (Fiducia Supplicans n. 43).

Đời một mục tử cần tỏa sáng vẻ đẹp tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô đã chết và đã sống lại từ cõi chết. ‘‘Đức Mến phủ lấp vô vàn tội lỗi’ (1Pr 4:8).

Giám mục Gioan
Mục tử hiệp hành