TẢN MẠN VỀ CHẤT TRỮ TÌNH NHÀ ĐẠO
TRONG “VÀ EM, LỄ KHẤN DÒNG…” CỦA LÊ ĐÌNH BẢNG
Nhớ lại tầm 20 năm trước, khi còn chập chững bước vào địa hạt thơ ca Công giáo muôn màu muôn sắc, tôi đã từng say mê đọc các tập thơ đạo của Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự và Lê Đình Bảng, qua các ấn phẩm được bày bán tại Nhà sách Đức Mẹ ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, đường Kỳ Đồng. Khác với thơ Xuân Ly Băng và Trăng Thập Tự vốn mang “căn tính linh mục”, thơ đạo của Lê Đình Bảng trong tập “Hành Hương” ngay lập tức cuốn hút tôi bằng những tứ thơ vừa rất thánh thiêng ngoan đạo, lại vừa không kém phần trữ tình lãng mạn, mà đến nay tôi vẫn nằm lòng nhiều đoạn:
“Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện
Như chùm hoa tự trút hết hương thơm
Phải tự nghiệm sinh, để sống vô thường
Chẳng hề nghĩ, mình cho đi, nhận lại.”
Hoặc:
“Sao em chẳng cùng tôi lên rừng vắng
Mà chiêm bao muôn điềm lạ thiêng liêng
Bốn mươi đêm ngày chay tịnh, hồn nhiên
Nghe suối hát mừng tự do phơi phới.”
Và:
“Này đây, tràng chuỗi Mân Côi
Gửi về em, nhớ khi tôi xa nhà.”
Bấy giờ, với tâm hồn nhạy cảm của một chàng thanh niên mới lớn như tôi, những vần thơ này gần gũi và quyến rũ biết bao. Rõ ràng vẫn là thơ đạo, nền tảng Thánh Kinh hẳn hoi, mà sao ngâm lên lại cứ tình đến lạ! Phải chăng cái khí chất “trữ tình nhà đạo” đó đã làm cho thơ Lê Đình Bảng vừa ẩn mật trang nghiêm, vừa lả lơi trầm lắng. Nói cách khác, dường như cái chất “tình đạo” và “tình đời” trong thơ Lê Đình Bảng cứ nhập nhòe thế nào ấy, khiến người đọc tùy tâm trạng mà cảm nhận được cả cái thiêng thánh lẫn cái phàm trần, có lúc như thoát tục, có lúc lại như vướng lụy, bồi hồi thật khó tả.
Cuối năm ngoái, nhà thơ lão thành từ nửa vòng Trái Đất gửi tặng tôi tập thơ “Và Em, Lễ Khấn Dòng…” mới toanh, có cả triện son thủ bút ký tặng, thật bất ngờ và quý hóa. Rồi tôi đọc, vừa ngấu nghiến vừa nghiền ngẫm. Hóa ra sau bao năm, chất trữ tình nhà đạo ấy trong thơ Lê Đình Bảng vẫn chẳng hề đổi thay:
“Em về bên ấy
trăng soi
Chắp tay hạnh nguyện
một đời ẩn tu
Trong vườn
đôi nhánh hương nhu
Khẽ rung
Mưa đã tạnh
từ nghìn năm
Sao còn vẳng tiếng chuông ngân
Tôi nghe
con sóng vẫn thầm thì
Em.”
(Hương nhu)
Tôi tạm dùng ý niệm “chất trữ tình nhà đạo” để chỉ phong cách thơ Lê Đình Bảng, cách riêng nơi “Và Em, Lễ Khấn Dòng…” – tập thơ mới nhất trong gia tài trước thuật đồ sộ của ông. Nói tới phong cách thơ này không khỏi làm tôi liên tưởng đến trường phái thi ca Lãng mạn [Romantisme] Pháp thế kỷ XIX với Lamartine, Vigny, Hugo, Musset… mà tôi đồ rằng cả thế hệ tân học của ông ít nhiều đều chịu ảnh hưởng. Cứ đọc Tự lực văn đoàn và Thơ Mới là thấy rõ điều này. Lạ thay, cái tôi trữ tình lãng mạn ấy, khi phát xuất từ một hồn thơ Công giáo, là ngay lập tức biểu hiện đậm nét cái “khắc khoải khôn nguôi” (thánh Augustinô) của phận người được Chúa thương cứu chuộc:
“Tôi van lơn thầm nguyện Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng.”
(Hàn Mạc Tử)
“Lạy Chúa, sương đêm xuống trĩu cành
Xin thương lận đận kẻ điêu linh
Con: người thi sĩ cô đơn quá
Đời đã qua Xuân vẫn khát tình!”
(Phạm Đình Tân)
“Đêm Giáng Sinh này em ở đâu
Nghe chuông có nhớ thuở ban đầu
Ước chi sống lại thời xưa nhỉ
Để trẻ ra và để hẹn nhau.”
(Hồ Dzếnh)
Vậy đó, nói tới đạo Chúa hay giãi bày những tâm tình nhà đạo đâu phải chỉ cứ là đi lễ giáo đường, đọc kinh cầu nguyện, mà còn là xin Chúa thấu hiểu và chứng giám cho những hẹn hò tình tứ, vấn vít yêu đương nữa cơ. Ở “Và Em, Lễ Khấn Dòng…” của Lê Đình Bảng cũng thế. Dường như ngòi bút của nhà thơ đã được giải phóng khỏi những ràng buộc của nếp sống “con nhà có đạo” kín cổng cao tường truyền thống, để thoải mái bày tỏ cảm xúc cá nhân, tự do hành xử theo tiếng con tim mình, như những nhà Romantisme thực thụ. Cụ thể trong tập thơ này, mạch cảm xúc chủ đạo xoay quanh mối tình ngang trái giữa cái tôi trữ tình và nhân vật Em (viết hoa) – người nữ tu đạo hạnh. Thử đọc lại trọn bài thơ đã được tác giả chọn đặt làm tựa đề chung của cả thi tập, để thấy rõ cái khắc khoải khôn nguôi ấy khi con tim lên tiếng:
“Hôm qua, đi lễ khấn dòng
Nhìn Em đăm đắm tựa bông hoa quỳ
Ta về, đọc truyện Trương Chi
Thì ra, người ấy cũng y như mình
Cũng buồn, cũng nhớ mông mênh
Cũng tương tư cả giờ kinh sớm chiều
Thì ra, từ buổi Em yêu
Nụ tầm xuân đã thành điều thiêng liêng
Bây giờ, ngày tháng ra Giêng
Em là của Chúa, của riêng nhà dòng
Mỗi lần ra đứng, trông mong
Gửi hương cho gió vào trong tường rào
Gửi thêm một chút chênh chao
Nhỡ mai, cách trở, ba đào, dặm khơi
Sông nào rẽ khúc, ngăn đôi
Em như thánh nữ, ta người trần gian
Cũng là bụi đất, tro than
Sao ta nguội lạnh? Em nhân đức đầy?
Cũng là đầu ngọn heo may
Ta, đêm bóng tối. Em, ngày trời trong
Hai con đường thẳng song song
Chia nhau nỗi nhớ, nửa trong, nửa ngoài
Thể rồi, chiều nắng, mưa mai
Cách ngăn, đâu phải dặm dài, đường xa?
Em về bên ấy, hương hoa
Buồn. Ta ra đứng ngã ba, trông vời.
(Và Em. Lễ khấn dòng)
Có lẽ để thấu triệt chất trữ tình nhà đạo trong thơ Lê Đình Bảng, lý tưởng nhất người đọc là một tín đồ Kitô giáo, hoặc chí ít cũng phải có kinh nghiệm đắm mình vào bầu khí sống đạo ấy. Không như thế làm sao hiểu được khung cảnh tưng bừng của những thánh lễ đại triều có đông đảo các cha đồng tế, rồi những nghi thức khấn dòng với ba lời khấn hứa “vâng lời, nghèo khó, đồng trinh” – từ tiên khấn hay khấn lần đầu, đến vĩnh khấn hay khấn trọn đời – của những con người lựa chọn sống đời thánh hiến thật trang nghiêm sốt sắng, những cử hành phụng vụ và lòng đạo đức bình dân của mùa Chay, mùa Thương Khó, kinh hạt nguyện ngắm, Phục dĩ chí tôn, Vita Dolce, lần chuỗi Mân Côi năm sự Vui-Thương-Mừng, rước kiệu trọng thể, thực tập đàng nhân đức… Cả một trời kỷ niệm của đời sống đạo làng quê Việt Nam xưa hiện về thật sinh động:
“Tôi nhớ, ngày mai, lễ khấn dòng
Người đâu, như trẩy hội non sông
Nghe tin, có các cha đồng tế
Nô nức, đồn nhau, đi rất đông
Ai cũng đinh ninh là lễ buộc
Dọn mình sốt sắng, đặng thông công
Và em ríu rít, trong khăn, lúp
Con chích chòe lanh chanh, xổ lồng”
(Ngày mai, lễ khấn dòng)
Đó là chưa kể đến biết bao điển tích, điển cố Thánh Kinh gắn liền với đời sống tôn giáo của nhân vật trữ tình trong thơ ông như: chiều Emmaus, núi Căn Vê, Adong Eva, tội tổ tông, cơn hồng thủy, chuyện ông Jop, sách Diễm Tình Ca, người trộm dữ, đọc thánh thư… Khi những ý niệm trên không còn xa lạ nữa, ta mới hiểu được tại sao sau lễ khấn dòng, Em lại “là của Chúa, của riêng nhà dòng”; tại sao Em khấn dòng lại “xa hơn một chuyến sang sông”, lại “thiêng thánh trong đoàn rước”; tại sao ngày khấn dòng là “Ngày Em được đính hôn với Chúa rồi/ Em, từ nay, riêng của Chúa mà thôi/ Để nên thánh, tập đi đàng nhân đức”…
Thực tình khi nói về nhà thờ nhà thánh, sao mà đời sống tu trì của các “Ma Sœur” với những Mẹ Tổng Quyền, Chị Bề Trên, Chị Giáo, sœurs nhí, cùng các hoạt động đọc kinh, đi (giúp) xứ, tham dự tĩnh tâm hay cấm phòng… lại cuốn hút đến lạ:
“Tôi hiểu, từ khi khấn trọn đời
Là ngày Em vĩnh viễn xa tôi
Từ nay, Em một lòng dâng hiến
Sống, thác cho một mình Chúa thôi
Em bảo, Chúa treo trên thánh giá
Vì yêu và cứu rỗi con người
Vì yêu, Em quyết theo chân Chúa
Em bỏ tôi lưu lạc cuối trời
Em ạ, dù sao, đừng dối lòng
Chuyện Eva và chuyện Adong
Nghe theo con rắn nơi vườn cấm
Từ ấy, đành mang tội tổ tông
Đã khấn lần đầu, nay khấn trọn
Ngày thì như lá, tháng như hoa
Làm sao tôi hiểu điều Em nói
Cứ thấy thời gian trôi, nhạt nhòa
Thôi nhé, Em về bên ấy, nhé
Như thuyền rời bến, mãi xa khơi
Từ nay, trong cõi thiêng liêng ấy
Em sống đời Em. Tôi với tôi
Kẻ ở chân mây, người cuối bãi
Có lành, có vỡ, có đầy vơi
Và tôi bảo tôi, thôi nhé:
‘Em của Chúa, Em cho mọi người.’
Sau lễ, tôi gặp riêng Chị Giáo
Chúc mừng Chị và Chị Bề Trên
Cùng bao nhiêu nữ tu – sœurs nhí
Ngoan ngoãn theo sau Mẹ Tổng Quyền
Mới nghiệm ra, tu là cõi phúc
Là vâng lời, nghèo khó, đồng trinh
Là hy sinh, hãm mình, đền tội
Theo Chúa là buông bỏ chính mình.”
(Một đời con dâng hiến)
“Và mai kia, nếu Em đi xứ
Em có về nhà mẹ, cấm phòng
Em nhớ chùm mẫu đơn, nở thắm
Ở trong vườn rào kín nhà dòng…”
(Trong khu vườn rào kín)
Hóa ra Chúa vì yêu người nên chịu chết treo trên thánh giá, Em vì yêu Chúa nên quyết theo chân Ngài, là của Chúa và cho mọi người, còn “tôi” vì yêu Em nên “đành mang tội tổ tông”. Ừ thì “theo Chúa là buông bỏ chính mình” chứ nào muốn buông bỏ Em! Em xúng xính trong bộ tu phục, ríu rít trong khăn lúp ngày khấn dòng, những dấu chỉ biểu trưng rằng từ nay Em quyết tâm lựa chọn một đời sống “hy sinh, chịu khó”, để “làm giàu kho nhân đức mai sau”, nhưng trong con mắt của “tôi” si tình, Em cũng chỉ như “con chích chòe lanh chanh, sổ lồng”, như “con sáo đã sang sông” mà thôi. Chất trữ tình nhà đạo ở đây được diễn tả tài tình qua lời cảm thán: “Trời ơi, nên thánh, gian nan quá/ Biết vậy, mà sao vướng vít nhau!”
Người ta vẫn bảo trong tình ái, khổ nhất là yêu người đi tu. Nói theo thơ Nguyễn Tất Nhiên thì “Em hiền như Ma Sœur/ vết thương ta bốn mùa/ trái tim ta làm mủ”. Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng phải đau đáu thốt lên: “Vì em đã mang lời khấn nhỏ, bỏ tôi đứng bên đời kia”. Khổ lắm cơ, hết cái lại đi chọn một điều cấm kỵ. Dù “chung một bầu trời”, nhưng Em cứ là nhân đức, lành thánh, được “ơn trên gìn giữ bình yên xác hồn”; còn ta cứ “đấm ngực ăn năn tội mình”, “vì ta trót vụng đường tu/ bao phen nặng gánh tương tư với người”. Em cứ là “thánh nữ và một đời thanh hạnh”, cứ “thuần hương nhân đức của đời tu”; còn “ta nửa đời, nửa đoạn, vụng đường tu”, cứ là phàm trần, suốt đời an phận một “kẻ chầu nhưng”, tức người dự tòng, đang học chuẩn bị theo đạo! Bỗng dưng nghe văng vẳng tiếng chuông thánh đường và lời cầu nguyện thầm thĩ năm nào của thi sĩ Kiên Giang:
“Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông
Làm thơ sầu mộng dệt tình thương
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường
Mỗi lần tan lễ chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi
Lạy Chúa! con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời
Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi!”
(Kiên Giang, Hoa trắng thôi cài lên áo tím)
Nỗi khắc khoải sầu muộn ấy không những là hiện thực xót xa mà còn ám ảnh hồn thơ ngay cả trong giấc chiêm bao:
“Nhiều khi, trong cõi phiêu linh
Chỉ mình Chúa ngự và… mình Em thôi
Dưng không, trước lúc qua đời
Gọi Em mấy bận sang chơi bên nhà
Maria… Maria
Em là thiên sứ hay là người mơ?”
(Chiêm bao)
Chỗ này sao mà giống “Trang Chu mộng hồ điệp” đến thế. Rồi “cõi phiêu linh” có giống cái “động hoa vàng” của gã từ quan trong thơ-tình-để-thiền Phạm Thiên Thư hay không? Và Em thanh khiết như vì thiên sứ mang thánh hiệu Maria, hay là người mơ trọn đời đồng trinh như Đức Bà? Thì ra “cõi phiêu linh” ấy là tên gọi khác của thiên đàng, vì có Chúa ngự, hoặc ít ra cũng là thiên đàng đối với một mình kẻ “gọi Em mấy bận sang chơi bên nhà”, vì lẽ đơn giản ở đó có Em! Nhưng dù sao cũng chỉ là chiêm bao mà thôi. Tỉnh dậy, thấy mọi sự như “vừa mới hôm qua, người yêu con đã đi xa, xa rồi”, nỗi đau ấy càng tăng lên gấp bội khi “tôi về, mở sách Jop ra coi/ Chúa ôi, bao đắng cay, dồn nén/ Trong bóng gương, quãng lặng, nốt rời”. Ô hay, đang thống khổ vì yêu phải người không nên yêu, muốn tìm đến Lời Chúa để an ủi tâm can, nâng đỡ tinh thần, về lại mở ra ngay trang Sách Thánh tích truyện ông Jop trong Cựu Ước, một người còn cùng quẫn hơn bội phần khi bị mất trắng tất cả những gì mình đang có. Ôi những người khốn khổ đồng bệnh tương lân!
Thế nhưng, vẻ đẹp của đức tin Kitô giáo lại ngời sáng ngay trong hoàn cảnh éo le ấy. Trữ tình nhà đạo không có nghĩa là bất chấp mọi luân thường đạo lý, chỉ biết quy hướng về chính mình để thỏa mãn cái tôi ích kỷ đầy dục vọng, mà là hướng tới một tình yêu quảng đại, là cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho người mình yêu. Nếu như thơ Pushkin cũng có có một tình yêu cao thượng theo kiểu “tôi yêu em âm thầm, không hy vọng/ cầu em được người tình như tôi đã yêu em”, thì ở đây, chất trữ tình nhà đạo đúng nghĩa chính là cầu xin Chúa chúc lành giữ gìn Em được bền đỗ trong ơn gọi, dù điều này đồng nghĩa với việc tình yêu dành cho Em không bao giờ được hồi đáp:
“Cầu Chúa ra tay phù hộ em
Những ngày, năm, tháng vẫn êm đềm”
(Nguyện cầu)
“Cầu trời, Em vững tin, bền đỗ
Xa lánh những bùa mê, thế gian…
(Trong vườn ngọc lan)
“Chẳng dám nghĩ gần xa, gửi gắm
Lại chờ Em tan lễ chiều mai
Thứ Năm cầu nguyện cho ơn gọi
Con sáo nâu trong bụi mận gai.”
(Sông chảy bốn mùa)
Đẹp biết bao và cũng buồn biết bao, hình ảnh chờ đợi người mình yêu lúc tan lễ chiều, mà lại là lễ thứ Năm trong tuần, ngày mà truyền thống Hội Thánh Công giáo cầu nguyện đặc biệt cho ơn gọi linh mục tu sĩ. Như thế, Em vừa là đối tượng của tình yêu cá nhân, vừa là đối tượng của lời cầu nguyện cộng đồng. Thêm lời cầu nguyện cho Em khi đi lễ, cũng là lúc cái tôi trữ tình phải ngậm ngùi hy sinh đến nhỏ máu. “Bụi mận gai” làm sực nhớ tới những con chim ẩn mình chờ chết của nữ sĩ Colleen McCullough, sau khi đã cất tiếng hót tuyệt diệu thấu tận thiên tòa:
“Tôi hiểu mà Em có hiểu không
Con chim non trong bụi gai hồng
Một hôm, nó bỗng nằm như chết
Em bảo là trốn tuyết, ngủ đông…”
(Cánh thiệp màu hồng phấn)
Đúng là khi con tim đã lên tiếng thì lý trí phải câm lặng. Những lúc tủi thân cùng cực, ngạc nhiên thay, chỉ cần lặng lẽ đặt mình trước Thánh Nhan Chúa là thấy bình an:
“Nhiều khi
buồn bã
ban trưa
Con vô gian cuối nhà thờ
lặng thinh
Thầm thì
làm dấu, kêu xin
Bỗng dưng
như thấy lòng mình nhẹ hơn…
(Gửi về nơi xa lắm)
Những câu lục bát Việt đã được giải phóng khỏi sự ràng buộc của hình thức thi pháp cổ điển, làm người đọc tinh tế không thể không nhớ tới những tâm tình tôn giáo tuyệt vời trong bài thơ “La Vierge à midi” [Đức Trinh Nữ giữa đáy trưa] của Paul Claudel, một thi sĩ được ơn trở lại đạo Công giáo. “Lặng thinh, thầm thì, làm dấu, kêu xin” chẳng qua là những hình thức khác nhau của khát vọng tâm sự với người mình yêu và về người mình yêu. Chất trữ tình nhà đạo đến đây là sự gợi mở hướng tới mầu nhiệm tình yêu trải dài suốt dòng lịch sử cứu độ, trong đó tình yêu đôi lứa chính là một phản ánh tình yêu trọn hảo và thành tín của Thiên Chúa dành cho con người. Thực vậy, chẳng phải cả cuốn Kinh Thánh là bức thư tình vĩ đại mà Thiên Chúa viết bằng đôi tay nhân loại để tỏ tình với con người hay sao! Cao trào của tình yêu ấy được diễn tả rất nên thơ nơi sách Diễm (Tình) Ca, bộ Thánh vịnh, sách tiên tri Hôsê, văn phẩm Gioan và một số bức thư của tông đồ Phaolô. Thảo nào người ta lại coi ngày Em khấn dòng là ngày Em “kết hôn thiêng liêng” với Chúa – Đấng Tình Quân lòng Em hằng yêu mến. Và do đó, nhận lời Em mời đi dự lễ khấn dòng cũng như cầm trên tay “cánh thiệp hồng”, “cất giấu vào trong, ở ngay trang Diễm Ca, Kinh Thánh”, để tiếp tục giữ mãi tình yêu dành cho Em hay để phó dâng tình yêu ấy trong tay Chúa, chắc chỉ có Chúa mới biết!
“Em ưa hát bản Tình Ca Đệ Nhất
Làm bồ câu trong hốc đá xa kia
Chực chờ người yêu đi rẫy nương về
Chàng hái tặng Em chùm hoa gai mật
Và ai đấy, trong Diễm Tình Ca nữa
Đập cổ kính ra, tìm lấy mùi hương
Cái đẹp nào hơn cái đẹp trong gương…”
(Nhật ký tình yêu của Mai)
Thật tài tình khi kết hợp điển tích “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi” trong “Khóc Bằng Phi” của thơ Việt cổ điển với những lời thơ tình huyền diệu trong sách Diễm Ca, Kinh Thánh. Khát vọng yêu và được yêu, dù bị ngăn trở thế nào, cũng vẫn là đặc nét yếu đuối của phận người hằng khắc khoải khôn nguôi. Biết là không thành toàn nhưng vẫn cứ chực chờ mỏi mong, vẫn cứ muốn “đợi nhau trong vườn ngọc lan” như đôi tình nhân “hẹn nhau bến sông” của khung cảnh Diệu Ca, dù chỉ là ảo mộng. Bởi thế nên chất trữ tình nhà đạo trong “Và Em, Lễ Khấn Dòng…” của Lê Đình Bảng cứ để lại chút gì tiếc nuối, lỡ làng, gây cảm giác lỗi hẹn nơi người đọc. Với Hồ Dzếnh mà nói, “tình mất vui khi đã vẹn câu thề, đời chỉ đẹp những khi còn dang dở”, nhưng đối với thi tập này, hạnh phúc thực sự đã viên mãn nơi Em trong buổi lễ khấn dòng, và cả nơi tâm hồn của người yêu Em, dù là theo những cách khác xa nhau.
“Vì đang mưa, không nom thấy nhà thờ
Áo dòng Em phơi hàng giậu, chưa khô…”
(Nhớ hôm giỗ mẹ)
Chết rồi, trời đang mưa, mưa lớn đến mức không trông thấy cả ngôi thánh đường oai nghiêm, mà áo dòng của Em lại đang phơi chưa khô, biết làm sao đây! Tôi cho rằng đây chính là hình ảnh day dứt nhất về chất trữ tình nhà đạo trong thi tập này. Ở nơi ranh giới mong manh trong “khu vườn rào kín nhà dòng”, cái thánh thiêng đã thực sự đụng chạm đến cái tục lụy, cái hữu hạn bắt gặp được cái vô biên, cái cao thượng giao hòa cùng cái phàm phu, cái hãm mình khổ chế quyện lấy cái vấn vương bụi trần. Để rồi sau những giây phút dằn vặt tâm linh, có lẽ mỗi độc giả sẽ cảm nhận được “con tim đã vui trở lại, tình yêu đến cho tôi ngày mai, tình yêu chiếu ánh sáng vào đời, tôi hy vọng được ơn cứu rỗi”, nói theo lời bài hát của nhạc sĩ Đức Huy. Và nhớ nhé, dù “từ nay trong cõi thiêng liêng ấy, Em sống đời Em. Tôi với tôi”, thì áo dòng Em đang phơi hàng giậu, vẫn mãi chưa khô!
Chợ Quán, trung tuần tháng Ba 2025
-Khắc Đỗ-