“Cầu nguyện là dây xích vàng kết chặt chúng ta với Thiên Chúa.”[]
Đây là một so sánh khác mà cha Eymard dùng để giải thích ý nghĩa và tầm quan trọng của cầu nguyện. Trong bầu khí chúng ta sống ngày nay, khi mà quá nhiều giáo dân thực sự quan tâm đến việc thăng tiến trong cầu nguyện, những so sánh này của cha Eymard sẽ là một sự trợ giúp quan trọng, lẽ dĩ nhiên, chúng ta cũng có thể dùng một cách hiệu quả những sự trợ giúp này cho chính mình. Ở đây, cha Eymard so sánh việc cầu nguyện với một sợi dây xích kết chặt chúng ta với Thiên Chúa. Để cho bất kỳ một sự nối kết nào đạt được hiệu quả và có ích, cần phải bảo đảm rằng sợi dây liên kết ấy không bị gấp khúc hay đứt đoạn. Chức năng của sợi dây xích chính xác là buộc chặt hai đối tượng lại với nhau, và đó chính là điều mà cầu nguyện đem lại cho chúng ta. Nếu chúng ta tự hỏi vì sao như vậy, thì bởi vì cầu nguyện mời gọi chúng ta hoàn toàn mở lòng ra với Chúa Cha và với tình yêu của Ngài. Cầu nguyện loại bỏ bất kỳ một chướng ngại nào được đặt ra, cụ thể là: một trong những chướng ngại lớn nhất chính là Cái Tôi. Vì thế, nếu việc cầu nguyện của chúng ta là chân thành, thì nó không chỉ làm cho chúng ta ngày càng từ bỏ cái tôi của mình, nhưng còn giúp chúng ta kết hiệp với Thiên Chúa một cách hiệu quả.
Kế đến, sự kết hiệp này không chỉ diễn ra trong suốt thời gian cầu nguyện. Cầu nguyện duy trì sợi dây liên kết sâu thẳm này để liên kết chúng ta với Thiên Chúa trong suốt ngày sống. Sức mạnh ẩn chứa đằng sau sự liên kết này chính là tình yêu tuôn chảy trong việc cầu nguyện của chúng ta. Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta thấy rằng sau khi dành một khoảng thời gian tương xứng cho người mình yêu, chúng ta thấy mình “nói”, chia sẻ với người mình yêu rất lâu sau khi người ấy ra về. Cả ngày sống của chúng ta dường như tràn ngập hình bóng của người mình yêu. Và điều này cũng xảy ra tương tự khi việc cầu nguyện là chân thành.
Ở đây cần lưu ý rằng, cầu nguyện thì khác hẳn với việc trích dẫn công thức. Thật không may, nhiều Ki-tô hữu thích dùng những lời cầu nguyện trích dẫn ở đâu đó ngay tại tư gia hơn là cầu nguyện từ thâm tâm. Họ cảm thấy rằng những lời cầu nguyện do người khác soạn ra thì tốt hơn và đẹp lòng Chúa Cha hơn là những lời nói ngập ngừng phát ra từ chính con tim yêu thương của chúng ta. Thế nhưng, không có gì Chúa Cha ưa thích cho bằng là lắng nghe chúng ta nói từ chính trái tim mình, dù cho văn phạm và cấu trúc câu của chúng ta có rối rắm mấy đi chăng nữa. Ngài sẽ đọc được tâm hồn chúng ta, chứ không phải những lời văn chúng ta sử dụng.
Cha Eymard nói với chúng ta: cầu nguyện là dây xích vàng quí báu, giá trị, hiếm thấy và khó có thể có được, và đó chính là điều làm cho nó trở nên quan trọng hơn. Vì việc cầu nguyện của chúng ta là một dây xích vàng, nên nó phải là sự diễn tả của tâm hồn tràn đầy tình yêu của chúng ta. Và vì tình yêu là một thực tại sống động, nó phải luôn luôn lớn mạnh qua việc khám phá ngày càng sâu sắc về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chính bản thân chúng ta. Đó là khi chính chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, đặc biệt khi tình yêu của Ngài gây ngạc nhiên cho chúng ta để chúng ta ngày càng sẵn sàng đáp lại bằng tình yêu. Khi việc cầu nguyện của chúng ta được bao trùm bởi tình yêu chứ không phải theo nghĩa là bổn phận hay tiện lợi, thì chắc chắn nó sẽ kết chặt chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không chỉ đến gần Thiên Chúa, nhưng còn được nên một với Ngài. Như thánh Phao-lô đã nói: “tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Chúng ta cần biết sử dụng một cách tốt nhất sợi dây xích cầu nguyện này, để duy trì mối dây liên kết với Thiên Chúa trong mọi khoảnh khắc của ngày sống.