“Cầu nguyện là sự sống của trái tim ta, là sức mạnh của linh hồn ta, và là đơn vị đo lường cho những ân sủng cũng như sự hoàn thiện của ta.” [ ]
Nhìn chung, khởi đầu đời sống tâm linh của chúng ta, cầu nguyện không gì khác hơn là một bổn phận, hay một đơn thuốc cần thiết cho sự thăng tiến trong đời sống tâm linh. Cầu nguyện làm nên thời khóa biểu hằng ngày trong đời sống tu trì của chúng ta. Tuy nhiên, nếu ai đó biết đặt một trái tim quảng đại và hăng hái vào việc cầu nguyện, thì chính Chúa sẽ lôi kéo người ấy đến sự ngọt ngào trong việc cầu nguyện. Người nào ‘hăng say’ trong việc cầu nguyện, sẽ tìm được niềm vui trong mọi lúc và không lấy làm đủ. Người ấy sẽ dành bao nhiêu thời giờ có thể để cầu nguyện.
Sau giai đoạn ngọt ngào ban đầu, sẽ là một thời kỳ khô khan nguội lạnh khi mọi thứ dường như vô vị và chán ngán. Sự ngọt ngào trước đó sẽ tan biến đi và giờ đây, toàn bộ giờ cầu nguyện sẽ trở thành một thách đố thực sự. Đây là lúc lòng chân thành và niềm tin của người ta bị thử thách. Nếu ai đó có thể đứng vững trong giai đoạn này, tin cậy rằng Thiên Chúa vẫn ở gần, thì dù có đi qua hầm tối cũng vẫn đến được đích, và ánh sáng sẽ lại lóe rạng. Chính trong lúc này việc cầu nguyện sẽ trở thành sự sống của trái tim ta và là sức mạnh cho linh hồn ta. Chúng ta cầu nguyện chưa nhiều vì chúng ta chưa nhận được điều gì, nhưng quan trọng hơn là nhờ và qua cầu nguyện, chúng ta ao ước dâng hiến mình cho Thiên Chúa.
Tất cả mọi thăng tiến sau này sẽ trở thành đơn vị đo lường cho những ân sủng mà Thiên Chúa tuôn đổ trên chúng ta. Lý do giải thích điều này là khi chúng ta thăng tiến trong việc cầu nguyện, ‘công việc’ chúng ta làm sẽ ngày càng ít đi. Thay vào đó, chúng ta để cho Thiên Chúa tự do hành động trong cuộc đời ta. Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là cộng tác và hợp tác với tất cả những gì Thiên Chúa đã sắp đặt và thực hiện cho chúng ta. Thiên Chúa muốn đổ tràn vào trong chúng ta tình yêu của Người và khi Người gặp được một người ngoan hiền và khiêm tốn, không cần phải nói, Người sẽ thực hiện những gì Người muốn cho người ấy. Bao lâu người ấy chống lại sự xâm nhập và lên ngôi của Cái Tôi, bấy giờ người ấy sẽ đi từ sức mạnh này đến sức mạnh khác trong mối dây liên kết cá nhân với Thiên Chúa. Cầu nguyện sẽ ngày càng trở nên thinh lặng hơn, ít lời và bớt rườm rà hơn; cầu nguyện sẽ là chuyện của con tim hơn là của cái đầu và miệng lưỡi. Việc ngày càng loại bỏ cái tôi sẽ được lưu ý trong cuộc đời của người ấy, và bất cứ việc gì người ấy làm dường như sẽ đạt được thành công vì giờ đây không chỉ có mình người ấy làm, nhưng chính Thiên Chúa cùng làm với người ấy.
Người ấy cũng trở nên linh động và nhạy cảm hơn với những tác động của Thần Khí Chúa trong cuộc đời họ. Người ấy đón nhận sứ điệp với một niềm tin tưởng cao độ, và đáp trả với một sự hăng hái và sốt sắng hơn. Vì thế, phẩm chất và mức độ của việc cầu nguyện sẽ trở thành đơn vị đo lường cho những ân sủng mà chúng ta đã nhận được cũng như “sự hoàn thiện” mà Thiên Chúa đang thực hiện nơi chúng ta. Tuy nhiên, điều quan trọng là người ấy phải canh chừng cũng như cảnh giác trước những nguy cơ xâm nhập của Cái Tôi. Nơi đâu Cái Tôi được tiếp đón, thì nơi đó tiến trình sẽ chựng lại hay bắt đầu thụt lùi. Vì trong đời sống tâm linh, nếu không tiến thì chắc chắn sẽ lùi, người ta không thể giậm chân tại chỗ trong mối tương quan của mình với Thiên Chúa!