Tháng Năm, Ngày 12

 

Nhận biết Thiên Chúa chính là sự chú tâm đầy yêu thương, là một ước muốn chân thành để làm đẹp lòng Ngài” [ ]

Trong bài suy niệm trước,chúng ta thấy rằng Đức Giê-su thực sự là tâm điểm cho trọn cuộc đời của cha Eymard. Và một trong những đặc điểm của việc tận hiến hoàn toàn cho Đức Giê-su chính là nhận biết sự hiện diện và tình yêu của Người. Không nghi ngờ chi, Thiên Chúa luôn luôn hiện diện với chúng ta như Ngài hiện diện ở khắp mọi nơi. Nhưng sự hiện diện này trở nên riêng tư khi chúng ta chú ý đến sự hiện diện ấy, tương giao với Chúa hay đối thoại với Ngài thường xuyên. Ai  muốn trưởng thành trong đời sống tâm linh, người ấy phải luôn tập trung vào việc phát triển nghệ thuật để ý đến sự hiện diện của Thiên Chúa dù có bận bịu với những bổn phận trần thế khác. Vì thế, thầy Lawrence có thể trò chuyện với Chúa ngay trong lúc làm công việc bếp núc của mình; nhiều vị đại thánh khác đã đưa sự nhận biết này vào trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống với cùng một sự thanh thản và thoải mái.

Tuy nhiên, đó không chỉ đơn thuần là vấn đề nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng là gắn kết với sự hiện diện ấy bằng một cách thức đầy yêu thương, trò chuyện với Chúa đang hiện diện với chúng ta. Lúc đầu, ‘sự hiện diện’ của Chúa được tìm thấy ‘ở bên ngoài’ hoặc là ở trong nhà tạm hay ở một đền thánh hoặc một nơi hành hương nào đó. Nhưng khi người ta trưởng thành trong đời sống tâm linh, dần dần sự hiện diện này trở nên nội tâm hóa hơn, và ở lại nơi chính bản thân, để người ta có thể trò chuyện với Chúa suốt ngày và đêm. Sự hiện diện bên ngoài Nhà Tạm chỉ có tác dụng đào sâu và mài dũa sự nhận biết về sự hiện diện bên trong. Tuy nhiên, chúng ta phải luôn nhớ rằng một sự nhận thức sâu sắc là kết quả của ân sủng đặc biệt nơi Chúa. Thế nhưng, những ân sủng này được ban cho những ai biết nhận ra sự hiện diện của Chúa, và biết làm cho sự hiện diện ấy ngày càng hiện thực và năng động hơn.

Về cơ bản, công việc này bao gồm việc loại bỏ Cái Tôi cùng với những đòi hỏi muốn đánh bóng hình ảnh và sức mạnh của nó. Khi một ai đó học được nghệ thuật chết đi cho chính mình, rõ ràng là việc nhận ra sự hiện diện của Chúa bắt đầu thăng tiến và lớn mạnh. Nói một cách khác tương tự là con người trở nên cẩn thận trong việc tuân theo ý muốn của Chúa, không muốn làm mất lòng Chúa ngay cả trong những chuyện nhỏ nhặt nhất. Sự vâng phục này không phát xuất từ nỗi sợ hãi bị trừng phạt hay từ trách nhiệm bổn phận, nhưng đó là một sự diễn tả tình yêu con thảo.

Nhiều thay đổi diễn ra trong cuộc đời của con người cho thấy họ ngày càng bám víu vào Chúa hơn. Người ta bắt đầu hiểu được giá trị của sự thinh lặng nhiều hơn, hầu như là họ vất bỏ những chuyện phù phiếm bên ngoài không cần thiết. Họ kiếm tìm một tương lai rạng ngời hơn qua việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, và họ có thể chấp nhận những hy sinh lớn lao cũng như hạ mình vì Thiên Chúa và vì người khác. Thế nhưng, tất cả những điều này chỉ được thực hiện một cách tự nhiên và giản dị; không chú ý đến bản thân mình trong bất kỳ một hoạt động nào mà người ta đảm trách.

Khi một người nào đó đạt đến tầm mức này, thì tự nơi anh sẽ phát ra một sức mạnh tinh thần hoặc sự hiện diện bên trong cho những ai có thể cảm nhận được. Lời nói và hành động của anh ta sẽ ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả hơn, vì quả thực ‘tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính Đức Ki-tô sống trong tôi’.