Tháng Năm, Ngày 15

 

Niềm tự hào của tôi, sức mạnh của tôi, trọn cuộc đời tôi ở nơi Đức Giê-su Ki-tô, không có Người, tôi chỉ là chính mình” [ ]

 

Lời giải thích này chỉ có thể phát xuất từ một người đã nhận ra từ kinh nghiệm bản thân rằng nếu không có Đức Giê-su là tâm điểm của cuộc đời, thì chúng ta chẳng có giá trị gì cũng như chúng ta vẫn đầy ắp nỗi ưu sầu và thất vọng. Chính Đức Giê-su đã phán điều này khi Người nói trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly ‘Thầy là cây nho, anh em là cành…không có Thầy, anh em không thể làm gì được… như những cành nho khô héo và chết… chúng bị chặt đi và quẳng vào lửa.’ (Ga 15,1-6). Thánh Phao-lô là người đã cảm nghiệm được chân lý này một cách thực nghiệm, vì thế ngài đã viết trong thư gửi tín hữu Rô-ma “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì tức là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt. Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm trong các chi thể tôi. Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Rm 7,15-8,1)

Thật đáng để dành chút thời gian chú ý đến lời giải thích đầu tiên của cha Eymard: Đức Giê-su là niềm tự hào của tôi. Lời giải thích đó nên là cảm xúc của mọi Ki-tô hữu sau kinh nghiệm Phục Sinh. Chúng ta đặt mình vào trường hợp của các môn đệ trong suốt Cuộc Khổ Nạn của Đức Giê-su, và cảm nghiệm điều mà các ông đã cảm nghiệm: một sự thất vọng và tuyệt vọng hoàn toàn vì tất cả những gì các ông đã mơ tưởng về Chúa và Thầy mình nay tan thành mây khói. Các ông không thể tưởng tượng nổi tương lai của mình sẽ như thế nào? Thế nhưng, sau đó, buổi sáng của ngày thứ Nhất trong tuần đã diễn ra với những tin vui Phục Sinh tràn ngập. Lúc đầu, các ông không biết điều gì xảy ra, nhưng khi sự thật của biến cố này bắt đầu lan rộng, các ông thấy mình tràn ngập một nguồn sống mới.

Điều đó như thể một vận động viên điền kinh nổi tiếng người Ấn Độ, người đã giành chiến thắng trong cuộc đua Olympic, cạnh tranh trong một cuộc đua mà anh đã dẫn đầu ngay lúc xuất phát. Nhưng sau đó, đột nhiên vì một sự thiếu may mắn, anh vấp té và ngã lăn ra. Trước khi anh có thể đứng dậy và trở lại cuộc đua, nhiều vận động viên khác đã vượt lên trước anh và anh không thể lấy lại vị trí dẫn đầu mãi cho đến vòng cuối cùng. Với nhịp thở hổn hển, mọi người chờ đợi xem điều kỳ diệu sẽ xảy ra: liệu rằng anh có về đích trước những vận động viên khác hay không!?! Anh đã cố gắng trong tuyệt vọng, nhưng những vận động viên khác vẫn tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu của mình. Tuy nhiên, thật khó tưởng tượng trong bước cuối cùng, người đàn ông của chúng ta đã tung ra cú nước rút tuyệt vọng sau cùng và đã chạm đích đầu tiên. Câu trả lời của tất cả các cổ động viên chứng kiến biến cố đó là gì? Họ sẽ rạo rực khôn xiết, và hoan hô anh hùng của họ đã không để họ thất vọng, sau mọi chuyện! Đó cũng là cảnh tượng mà các tông đồ cảm nhận được vào sáng ngày Thứ nhất trong tuần, khi các ông biết rằng Đức Giê-su vẫn sống. Khi chúng ta nói rằng Đức Ki-tô là niềm tự hào của chúng ta, chúng ta có ý nói rằng Người sẽ không bao giờ để chúng ta thất vọng. Cuộc đời chúng ta được đặt vào tay hữu cũng như người đáng tin cậy, và chúng ta được an toàn: ‘Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không xấu hổ, vì tôi biết tôi đã tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo tồn kho tàng đã giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó’ (2 Tm 1,12).