“Để trở nên giống Đức Ki-tô, điều cần thiết là phải chết đi cho chính mình cũng như cho việc tìm kiếm bản thân” [ ]
Chúa Cha rất quảng đại và không ngừng mời gọi mọi người được nên một với Đức Ki-tô, Con của Ngài. Tuy nhiên, Đức Giê-su phán bảo chúng ta rằng ‘không ai có thể làm tôi hai chủ… (Mt 6,24). Vì vậy, trong thực tế điều này có nghĩa là nếu chúng ta ao ước có được Đức Ki-tô và được chìm ngập hoàn toàn vào cuộc đời của Người, chúng ta phải từ bỏ hoàn toàn Bản Ngã của chính mình bao nhiêu có thể. Chính Bản Ngã đòi buộc chúng ta không nên phụ thuộc hoàn toàn vào mọi người xung quanh chúng ta, vì nó nghĩ rằng bằng cách này, thì sự vĩ đại của nó sẽ được bộc lộ và được nhận biết. Nhiều lần, vì muốn chiếm được chút vinh quang nhỏ nhoi này, Bản Ngã có thể cố ý biến những người xung quanh nó thành kẻ thù, thậm chí là những người thật tình yêu thương chúng ta và muốn điều tốt cho chúng ta. Hậu quả là cuối cùng chúng ta chỉ hoàn toàn tìm kiếm chính bản thân mình, chẳng có điều gì khác ngoài Cái Tôi. Và Cái Tôi không thể đem lại cho chúng ta bất kỳ điều gì có giá trị cả.
Những thủ đoạn mà Bản Ngã sử dụng nhằm duy trì uy thế của mình, chính là nỗi sợ hãi. Điều đầu tiên chúng ta lo sợ chính là nếu chúng ta phục tùng hay dâng hiến cho người khác (cũng như là cho Thiên Chúa), thì chúng ta sẽ đánh mất quyền làm chủ trên cuộc đời mình và chúng ta sẽ chấm dứt ở việc trở về với hư vô. Đây là thách thức mà chúng ta cũng phải đối diện trong mọi tương quan tình yêu: mỗi bên đều có quan điểm riêng về sự vĩ đại của mình, và mỗi bên đều nhận ra những mối đe dọa đến sự vĩ đại của mình. Vì thế, thay vì cuộc đời của hai người phải trở nên một theo chiều hướng tốt hơn và phong phú hơn, thì họ lại kết thúc như hai hòn đảo trong trận chiến đối đầu với nhau. Và kết cục đáng buồn của tình trạng này, đó là: cả hai đều đánh mất sự quân bình.
Điều làm cho người ta có thể trao hiến chính mình vào tay người khác, thậm chí nếu người khác ấy là chính Thiên Chúa, đó là niềm trông cậy. Và chân lý này triển nở rất chậm cũng như không thể cảm nhận được khi trong mối tương quan ấy, mỗi người đều nhận ra và biết được những phẩm chất tốt nơi người khác. Thường thì việc nhận ra này xuất hiện và triển nở một cách vô ý thức. Một cách nào đó, người ta cảm thấy rằng tha nhân quả thực giúp ích cho mình rất nhiều; họ không phải là thù địch, và cũng không thực sự là mối đe dọa cho sự hiện hữu và trưởng thành của mình; và với một chút thận trọng, người ta cũng chẳng cần phải đề phòng, sẵn sàng để cho người khác xâm nhập vào. Chỉ khi ấy, một sự hiệp thông yêu thương mới có thể nảy sinh.
Trải qua những năm đầu tiên của thời niên thiếu, cha Eymard đã biết cách cậy trông vào Chúa chứ không phải vào chính bản thân mình. Trải qua nhiều kinh nghiệm, cha nhận ra rằng Đức Giê-su không chỉ ủng hộ chúng ta, nhưng Người còn luôn luôn ở bên cạnh chúng ta nữa. Người không để cho một sợi tóc trên đầu chúng ta rụng xuống mà không có một lý do hợp lý nào. Người sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình vì mỗi người chúng ta. Vì thế, cha Eymard có thể phó thác trọn cuộc đời mình vào tay Đức Ki-tô, và nhận ra những điều lạ lùng Đức Giê-su đã làm để dẫn dắt và hướng dẫn chúng ta tới sự sống viên mãn trong Vương quốc của Chúa Cha. Cha hoàn toàn đúng khi thừa nhận Đức Giêsu là niềm tự hào của cha, là thuẫn đỡ và nơi ẩn náu của cha. Đối với một con người như thế, việc chết đi cho chính mình quả là một điều dễ dàng. Trong mọi trường hợp, cha luôn trao đổi với Chúa và chỉ làm những gì hợp ý Chúa mà thôi. Đối với cha Eymard, chẳng có gì nghiêm trọng khi người khác xem cha là một kẻ bại trận, đặc biệt khi mọi sự dường như đi chệch hướng sau khi thiết lập Hội Dòng. Đặt trọn niềm trông cậy vào Chúa, cha đã chiến đấu một cách anh dũng cho đến giờ phút cuối cùng. Việc không ngừng từ bỏ bản thân đã giúp cha ngày càng trở nên giống Đức Ki-tô hơn!