Tháng Năm, Ngày 17

 

Ôi Thiên Chúa của con, khi nào Ngài mới nhận tâm hồn này, tâm hồn được dành cho Ngài, tâm hồn vốn thuộc về Ngài.” [ ]

Điều duy nhất mà mọi người tôn thờ sẽ cảm nghiệm được dù sớm hay muộn, đó là: người ta chẳng bao giờ có thể đến gần Chúa được. Một nguyên nhân giải thích cho cảm giác này, đó là chúng ta càng ở gần Ánh Sáng là Đức Giê-su, chúng ta càng nhận rõ những lỗi lầm và giới hạn của mình, và những điều này có xu hướng làm tăng khoảng cách giữa chúng ta với Ngài. Thường thì, Đức Giê-su để cho một vài lỗi lầm này, thậm chí những lỗi lầm rành rành, tiếp tục xảy ra trong cuộc đời của chúng ta vì chúng sẽ giúp chúng ta biết khiêm tốn cũng như không tự hào về những thành công hay công phúc của mình. Và cũng không phải thường xuyên, Ngài sẽ để cho những người khác biết được sự yếu đuối của ta, và có lẽ Ngài sẽ nói những lỗi lầm ấy cho người khác biết. Quả thực, đây là một cảnh tượng mà tất cả chúng ta đều lo sợ và sẽ không muốn bất cứ thứ gì trong thế gian này biết đến cả.

Chính trong suy nghĩ này mà chúng ta cần tiếp tục tự nhủ với lòng mình rằng Đức Giê-su yêu thương chúng ta như chúng ta là, và những lỗi lầm cũng như thất bại của chúng ta sẽ không ảnh hưởng gì đến tình yêu của Ngài dành cho chúng ta cả. Thậm chí những thất bại thường xuyên của chúng ta cũng không làm cho Ngài rút lại tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta, bao lâu chúng ta còn bám víu vào Ngài trong đức tin. Chính lúc chúng ta ý thức một cách sâu sắc và đau đớn về những giới hạn của mình, thì chúng ta cần cầu xin Đức Giê-su bù đắp cho những thiếu sót và mong muốn của chúng ta, và Ngài sẽ làm việc này theo cách thức tuyệt vời của Ngài.

Tuy nhiên, thật ích lợi biết mấy khi chúng ta tiếp tục mong chờ và nài xin Đức Giê-su làm chủ cuộc đời chúng ta, bất luận là thế nào đi chăng nữa. Một ngày nào đó, lời cầu xin của chúng ta sẽ được đoái nhận, nhưng có lẽ không cần chúng ta phải biết đến. Việc nhận biết của chúng ta về mối dây liên kết mật thiết có thể là một mối nguy khi chúng ta tôn vinh nó, hay ca ngợi sự trưởng thành vốn sẽ tự động làm cho chúng ta đánh mất nó. Tốt hơn là tiếp tục khiêm tốn, ý thức về những gì chúng ta còn thiếu sót, nhưng với một niềm tin vững mạnh rằng một ngày nào đó, Ngài sẽ dẫn chúng ta về với Ngài. Khi người khác vạch trần lỗi lầm của chúng ta một cách công khai hoặc có thể là chế giễu chúng ta trước mặt người khác, nếu chúng ta nhận thấy mình không bị tổn thương vì những điều đó hoặc cảm thấy không cần thiết phải trả đũa hay trả thù, thì chúng ta đồng ý với họ khi nhận ra những giới hạn của mình và muốn dâng những giới hạn ấy cho Chúa để được Ngài bù đắp, đó sẽ là một dấu hiệu tốt cho thấy chúng ta ở gần Chúa. Chúng ta cần ngợi khen và tạ ơn Ngài về điều này, vì đây đích thực là ân huệ của Ngài.

Trong lời cầu nguyện của chúng ta suốt giai đoạn này, chúng ta tiếp tục mong chờ một sự kết hiệp  hoàn toàn với Chúa, và kiên nhẫn cũng như hy vọng đợi chờ ngày mà Ngài sẽ đáp lại sự mong chờ của chúng ta. Thậm chí nếu phải mất nhiều năm, chúng ta cũng không nên mất can đảm và bỏ cuộc; sẽ có những dấu hiệu tốt khác để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang ở gần Ngài và với sự nhân lành, Ngài sẽ đoái nhìn đến những ước nguyện của chúng ta vào đúng thời và đúng cách của Ngài. Điều quan trọng cần đảm bảo trong suốt thời gian này, đó là chúng ta không chối bỏ bất kỳ thập giá nào mà Chúa gửi đến trên con đường của chúng ta, vì đây có thể là những sự chuẩn bị có giá trị cho một sự liên kết sâu đậm hơn với Ngài.