“Thiên Chúa là của tôi và là tất cả đối với tôi” [ ]
Nhìn thoáng qua thì lời khẳng định này dường như là quy hướng về cái tôi, tuy nhiên nó diễn tả một chân lý đơn giản nhưng rất quan trọng, đó là: Thiên Chúa chuẩn bị cho chúng ta một mối dây hiệp thông thân mật, gần gũi với Ngài. Sự thật là Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, những con người, bằng lý trí và ý chí tự do, điều này dường như cho thấy Ngài muốn bước vào mối tương quan tự do và yêu thương với chúng ta. Trong Kinh Thánh, tương quan này được gọi là Giao ước và là một điều gì đó mà Chúa luôn mời gọi chúng ta tham dự vào.
Cần lưu ý rằng Thiên Chúa lôi kéo chúng ta vào Giao ước cùng với Ngài, như đã được nói đến trong sách Xuất Hành. Chính Ngài luôn luôn đi bước trước và ban cho chúng ta những khả năng để bước vào sự hiệp thông cùng với Ngài. Khi thấy chúng ta phải chiến đấu với những khó khăn hay trở thành những nạn nhân bị người khác chống đối, Thiên Chúa luôn can thiệp như một “go-el”_ một từ ngữ Do Thái ám chỉ đến người thân thích ruột thịt có trách nhiệm đến để giúp đỡ những người đau khổ và bị chống đối. Sự can thiệp của Thiên Chúa luôn luôn là một hành động cứu độ, Ngài hành động vì chúng ta, kéo chúng ta ra khỏi biển lửa, và sau đó mời gọi chúng ta suy nghĩ về kinh nghiệm này. Câu hỏi của Ngài đặt ra cho chúng ta là: ‘Các ngươi hãy xem Ta yêu thương các ngươi dường nào và Ta đã làm gì cho các ngươi?’ (Xh 19,3-5).
Khi chúng ta nhận ra từ kinh nghiệm, (đặc biệt khi chúng ta nghiệm lại việc mình đã được giải cứu thế nào, những lúc chúng ta không có ai giúp đỡ dù chỉ một ngón tay để nâng chúng ta dậy), Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta, nói một cách văn vẻ ‘Thiên Chúa là tất cả đối với chúng ta’, thì đó là lúc chúng ta chấp nhận trao phó bản thân mình hoàn toàn vào bàn tay của Ngài. Chúng ta kiếm tìm một sự hiệp nhất hoàn toàn như vậy và có lẽ còn tiến xa hơn thế nữa, chúng ta bày tỏ sự sẵn sàng của mình đối với sự hiệp nhất ấy.
Thế nhưng, vẫn còn một chặng đường dài để đi. Những nỗi sợ hãi, những nghi ngờ, những lo lắng, đặc biệt trong vấn đề sống còn và trưởng thành của chúng ta, cần phải vượt qua và điều này có thể xảy ra nhờ vào những kinh nghiệm đau thương khi đức tin của chúng ta bị thử thách; nhưng trong những kinh nghiệm này, chính chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta biết chừng nào. Giai đoạn này của cuộc hành trình thường mang hình ảnh một ‘mũi tên bị bẻ gãy’, ba bước tiến và hai bước lùi, hai bước tiến khác và một bước lùi,… Chính trong bước tiến ngập ngừng và loạng choạng này mà chúng ta tiến bộ cho tới khi vào một ngày nào đó, chúng ta hoàn toàn nhận ra rằng Thiên Chúa là của chúng ta và không ai có thể chống lại chúng ta và hơn thế nữa, không ai có thể ngăn cản chúng ta tiến đến với Ngài.
Thế nhưng, khi chúng ta tin Thiên Chúa là tất cả của chúng ta và là tất cả đối với chúng ta, không phải là loại trừ người khác; chắc chắn điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa sẽ không ban cho người khác những gì mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, hay thậm chí Ngài sẽ ban cho họ ít hơn. Không phải thế, Thiên Chúa đủ rộng lượng để yêu thương tất cả con cái của Ngài một cách không giới hạn, và tình yêu vô biên của Ngài dành cho chúng ta không cản bước Ngài yêu thương người khác, mỗi người đều là một trong số những đứa con yêu dấu của Ngài. Thay vì làm cho chúng ta trở nên ganh tị hay độc quyền trong thái độ của mình, tâm hồn chúng ta mở ra rộng hơn để bao quát mọi người, cũng như chia sẻ với họ kho tàng vĩ đại và ơn phúc của chúng ta. Chúng ta muốn Thiên Chúa yêu thương hết thảy mọi người như Ngài đã yêu thương chúng ta vậy… và chúng ta chia sẻ kinh nghiệm của mình bao nhiêu có thể, để ngày càng có nhiều người yêu mến Ngài cũng như cảm nghiệm được tình yêu của Ngài như chúng ta đã cảm nghiệm. Tình yêu đích thực thì không bao giờ ích kỷ và độc chiếm; thực tế, chúng ta càng cảm nghiệm được tình yêu chân thật bao nhiêu, chúng ta lại càng bớt ích kỷ đi bấy nhiêu. Bấy giờ, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta muốn chia sẻ tình yêu của mình cũng như của Đấng đã yêu thương mình với mọi người, nếu có thể.