“Chúa chúng ta không ngừng theo đuổi tôi, và tôi sẽ không có được sự bình an cho tới khi tôi đạt đến trạng thái hoàn toàn tách rời khỏi bản thân mình” [ ]
Chúng ta biết rằng bất cứ việc gì Chúa làm, Ngài luôn luôn làm một cách xuyên suốt và hoàn hảo. Đơn giản là từ bản chất, Ngài đặt toàn bộ bản thân mình vào những gì Ngài làm. Thiên Chúa không có điều gì khác và vì thế Ngài không thể hiến ban chính mình một cách ít ỏi được. Vì thế, khi Ngài trao ban, Ngài trao ban tất cả; khi Ngài yêu, thì Ngài yêu hoàn toàn,… Khi chúng ta là những kẻ lãnh nhận những hành động của Thiên Chúa, thì dường như những hành động ấy được kéo dài theo thời gian, được nhân lên từng bước; nhưng dưới cái nhìn của Ngài, điều đó chỉ được cho đi, một lần cho tất cả, cho đi mà không bao giờ đòi lại. Với nền tảng này, chúng ta có thể hiểu được điều mà cha Eymard muốn nói về kinh nghiệm của mình rằng Đức Giê-su không ngừng theo đuổi cha, Ngài không bao giờ bỏ cuộc bất luận câu trả lời của cha là gì đi chăng nữa. Và điều này cũng xảy ra tương tự đối với chúng ta. Phan-xi-cô Thom-son đã diễn tả chân lý này hết sức tuyệt vời trong bài thơ nổi tiếng của ông có tên Sự Theo Đuổi Của Nước Trời, trong đó ông diễn tả sự theo đuổi không ngừng nghỉ của Thầy chí thánh trong cuộc tìm kiếm ông. Lúc đó, ông là một kẻ nghiện rượu và có một bộ dạng thảm hại. Tuy nhiên, mặc cho ông có bị lạc lối bao nhiêu đi chăng nữa, thì Thiên Chúa luôn luôn đuổi theo ông, để tìm kiếm con chiên lạc cho tới khi Thiên Chúa giành chiến thắng và ông, Phan-xi-xô, tìm được đường trở về nhà Cha.
Quả thực, Thiên Chúa yêu thương một cách cuồng dại, thậm chí là yêu thương những thụ tạo của Ngài. Sau hết, Ngài đã chẳng trang điểm cho mỗi người bằng những bộ trang phục phù hợp, có thể nói là như vậy; Ngài trao ban cho họ những ân huệ và tài năng cao quý, những tình huống và những cơ hội cần thiết để hoàn thành vận mệnh đời mình đó sao? Khi chúng ta phó thác đời mình vào bàn tay của Thiên Chúa, thì về tiềm năng, chúng ta là những thụ tạo ưu tú nhất, tột đỉnh của công trình sáng tạo và nếu chúng ta tiếp tục làm theo ý muốn của Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ trở nên những thụ tạo tuyệt vời mà Thiên Chúa dự định làm ra ngay từ lúc khởi đầu. Dĩ nhiên, tiến trình này chỉ hoàn toàn đúng với trường hợp của Đức Giê-su, cũng như Mẹ Maria, còn tất cả chúng ta hầu như là đã cản trở kế hoạch và ý định của Thiên Chúa dành cho mình, khi bất tuân lệnh Ngài. Cái Tôi nơi chúng ta tiếp tục gây cản trở cho những kế hoạch của Thiên Chúa, do đó chúng ta bị bóp méo và bị biến dạng.
Cha Eymard là một trong số những người có được đặc ân để biện phân, ít là một cách lờ mờ, kế hoạch kỳ diệu mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho cha ngay từ thời thơ ấu. Và một phẩm chất luôn xuất hiện trong cuộc đời cha, đó là sự theo đuổi không ngừng nghỉ của cha đối với ý muốn của Thiên Chúa. Mỗi khi gặp thất bại trong vấn đề này, cha tìm cách duyệt xét lại những bước đi của mình, dâng trót bản thân mình bao nhiêu có thể. Khi nhận ra Cái Tôi là kẻ thù lớn nhất trong tiến trình này, cha đã ra sức loại bỏ và chết đi cho cái tôi với một sức mạnh tương xứng, và cha đã đạt đến những tầm cao đáng kể khi sáng lập Hội dòng.
Khi nhìn lại cuộc đời của cha, chúng ta được khuyến khích noi gương bắt chước cha trong việc từ bỏ Cái Tôi của mình, bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu chúng ta khám phá ra nguy cơ xấu xa của nó. Thường thì tất cả chúng ta đều thực hiện điều này và cũng gặt hái được đôi chút kết quả, thế nhưng việc từ bỏ của chúng ta có lẽ không thật lòng, thực tâm và bền bỉ như cha Eymard đã làm. Cũng vậy, chúng ta sẽ không bao giờ đạt đến những đỉnh cao của sự hiệp thông với Chúa nếu chúng ta không học được nghệ thuật chết đi cho Cái Tôi, và Chúa nhân lành lại sẽ tiếp tục theo đuổi chúng ta, hằng mời gọi chúng ta ngày càng lên cao hơn đến đỉnh đồi Can-va-ri-ô cũng như đến đỉnh vinh quang trên ngọn núi Ta-bo-rê.