Tháng Năm, Ngày 23

 

Hãy sống thành cộng đoàn, theo tinh thần của gia đình Na-da-rét” [ ]

Vì Ba Ngôi Thiên Chúa là một cộng đoàn của Ba Ngôi Vị, nhưng chỉ là một Thiên Chúa, sống trong sự duy nhất trọn hảo, nên chúng ta, những con người được dựng nên theo hình ảnh và giống Ba Ngôi, cần phải sống theo cách đó, và điều này được cụ thể hóa qua sự duy nhất trong đa dạng. Mỗi người được sinh ra trong một gia đình và Thiên Chúa đảm bảo cho con người mới sinh ra ấy được đón nhận và được yêu bằng tình thương yêu của gia đình. Có vô số những ngoại lệ đối với qui luật này, chắc chắn là như vậy, thế nhưng Thiên Chúa luôn ban cho mỗi người, những thụ tạo của Ngài, có được một mái ấm gia đình.

Tuy nhiên, sau khi tội lỗi phát sinh do chủ nghĩa cá nhân, dù sự gắn kết vẫn làm nên gia đình nhưng đã xuất hiện những chia rẽ và phân biệt đối xử. Thực ra thì, chúng ta có thể nói rằng không có gia đình nào trên trần gian này phản ảnh một cách trọn vẹn tình yêu và sự đón nhận của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một kiểu mẫu và tấm gương là Gia đình Thánh gia, để duy trì ước vọng về tình yêu và sự hiệp nhất trọn hảo ấy nơi gia đình.

Dĩ nhiên, chúng ta không biết nhiều về đời sống nội tại của gia đình Na-da-rét, nhưng chỉ biết Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, Mẹ Maria là người đã hết lòng đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa, còn thánh cả Giu-se được Kinh Thánh diễn tả như ‘một người công chính’- chúng ta có thể suy đoán một cách hợp lý rằng gia đình ấy phản ảnh một cách xác thực nhất đời sống nội tại của Ba Ngôi! Nơi gia đình ấy, người ta sẽ tìm thấy sự chấp nhận và hiến mình cho nhau cách trọn vẹn của từng thành viên; chủ nghĩa cá nhân vốn chỉ tìm kiếm lợi ích cho bản thân hoàn toàn không thấy xuất hiện nơi gia đình này. Kết quả là mỗi thành viên sẽ tìm thấy nơi đó không gian cần thiết cho sự trưởng thành về mọi phương diện qua những phẩm chất mà Thiên Chúa đã đặt vào con người họ. 

Một khi được sinh lại trong Đức Ki-tô, các Ki-tô hữu tiên khởi đã tìm cách sống thành những cộng đoàn gồm bởi những con người xuất thân từnhững gia đình và hoàn cảnh khác nhau, có chung một lý tưởng về Ba Ngôi Thiên Chúa. Quả thực, đây sẽ là một điều khó khăn hơn vì ở đây sợi dây huyết thống tự nhiên sẽ vắng bóng; tuy nhiên sự thiếu vắng ấy lại được tình yêu của Đức Ki-tô bù đắp vào, để gắn kết họ thành một thân thể. Mô tả về cộng đoàn Ki-tô hữu lý tưởng, thánh Luca viết ‘Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Ðồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Ðồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.’ (Cv 4,32-35). Câu gây ấn tượng nhất trong đoạn văn này đó là ‘không ai phải thiếu thốn’. Cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi chính là lý tưởng cho tất cả các cộng đoàn tu trì, và cha Eymard cũng khuyên như thế với các tu sĩ của cha.

Trong cộng đoàn ấy, có sự hiệp nhất chứ không phải là đồng nhất. Các thành viên không phải là không có lỗi lầm, nhưng khi họ phạm lỗi, những người khác sẽ giúp đỡ họ để họ có thể trở về với lý tưởng càng sớm càng tốt. Thế nhưng, chúng ta cần luôn nhớ rằng đây là lý tưởng mà chúng ta đang nhắm tới. Như Luật Sống nhắc nhở chúng ta ‘sự đa dạng này biểu lộ những ân huệ phong phú…(Luật Sống số 8).