Tháng Năm, Ngày 31

 

Những công trình vĩ đại luôn luôn đặt nền tảng trên đồi Can-va-ri-ô” [ ]

Chúng ta có thể nói rằng nếu bất kỳ người nào đó ước muốn tham gia vào dự án lớn mà Thiên Chúa đang thực hiện trong vũ trụ của chúng ta, người ấy cần phải thấm nhuần kế hoạch ban đầu trong ý định của Thiên Chúa. Đức Giê-su diễn tả kế hoạch này bằng những thuật ngữ sau: ‘lôi kéo mọi người vào Nước Trời- một đại gia đình của tình yêu!’ Để có thể quy tụ được mọi người thuộc mọi thời đại cũng như mọi nơi, đòi hỏi phải có nhiều con đường nhưng con đường mà Thiên Chúa ưa thích hơn cả dường như là con đường Can-va-ri-ô. Vì chính Đức Giê-su đã phán ‘Và một khi Tôi được kéo lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi’ (Ga 12,32). Đối với Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ nhân loại, thì không có con đường nào khác. Chính Người đã cầu xin Chúa Cha cất khỏi chén này, nhưng cuối cùng Người lại đón nhận một cách vui vẻ và với lòng biết ơn ‘Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha!’ (Mt 26,39).

Nếu đây là tình cảnh dành cho chính Đức Giê-su, thì rõ ràng là mọi việc lớn lao khác cũng cần phải diễn ra y như vậy. Chúng không thể được thực hiện nếu không phù hợp với kế hoạch và mục đích của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta có thể nói khi Thomas Edison tuyên bố rằng ông đã không thất bại đến 5000 lần trong những nỗ lực của mình để phát minh ra bóng đèn điện, nhưng đúng hơn là ông đã khám phá ra 5000 cách không đưa đến thành công, ông đã liệt kê ra những nguyên lý tương tự. Chỉ khi nào chúng ta biết làm theo kế hoạch của Thiên Chúa, thì chúng ta mới hy vọng đạt được thành công. Vì thế, khi chúng ta thành công, chúng ta có thể thật thà mà nói rằng đó không phải là do tài năng hay kỹ năng của chúng ta đem đến những thành quả trong việc tìm kiếm của mình, nhưng đúng hơn chúng ta phải nói rằng cuối cùng chúng ta đã biết vâng theo ý định của Thiên Chúa và bấy giờ mọi sự sẽ bắt đầu diễn ra một cách hài hòa. Vì thế, kết quả sau cùng chính là thành công của Ngài chứ không phải của chúng ta; chúng ta chỉ là những dụng cụ trong tay Thiên Chúa, cũng như Tin Mừng đã nói với chúng ta rằng chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng mà thôi.

Vì thế, điều quan trọng liên quan đến sự thành công trong công việc của chúng ta, đó là lòng vị tha. Đồi Can-va-ri-ô cho thấy một sự bỏ mình tận căn vì khi Đức Giê-su bị treo trên đồi Can-va-ri-ô, hầu như là ít ai tỏ lòng biết ơn về những gì Người đã làm, ân huệ lớn lao Người dành cho chúng ta đã bị đánh mất hoàn toàn, không ai nói một lời cảm ơn, không người nào ở đó dám đảm bảo với Người rằng họ sẽ làm theo mẫu gương tuyệt vời mà Người đã để lại. Thế nhưng, Đức Giê-su biết rằng điều Người làm quả thực là theo ý muốn của Chúa Cha và một ngày nào đó sẽ sinh hoa trái. Ngày đó sẽ không quá xa vì vào sáng ngày Phục Sinh, toàn bộ Vũ trụ trở nên rạng rỡ với lời hứa về sự sống mới. Kể từ đó, tinh thần dám nghĩ dám làm cũng như tinh thần quảng đại từ bỏ cái tôi sẽ không bao giờ có thể bị dập tắt bởi tội ác xung quanh.

Đồi Can-va-ri-ô quả thực là câu trả lời cho mọi công trình vĩ đại được thực hiện trong thế gian, không quan trọng tác giả của những công trình ấy tuyên xưng niềm tin vào tôn giáo nào. Tôn giáo không phải là vấn đề ở đây, nhưng quan trọng là người ta có nắm bắt được bản chất của sự từ bỏ mình thực sự vốn gắn liền với mọi công trình vĩ đại được thực hiện không chỉ là một năm hoặc hai năm nhưng là cả hàng nhiều thế kỷ. Đền Taj Mahad, chứng tích về tình yêu, đã bất tử qua nhiều thế kỷ nhưng quả thực nó cũng được xem như đồi Can-va-ri-ô đối với nhiều công nhân! Chúng ta không biết họ có ý thức và vui vẻ đón nhận đau khổ và cái chết hay không, nhưng chúng ta có thể xem đó như là quà tặng mà họ dành cho thế gian và cho tình yêu!