“Nguyên nhân thứ ba,đó là: sự lười biếng khiến tâm trí sợ suy nghĩ về chân lý.” (Những chỉ dẫn dành cho những người thụ hướng trong việc cầu nguyện)
Như lời khuyên về đường thiêng liêng của cha đã chỉ ra, cha Eymard đề cập đến nguyên nhân thứ ba dẫn đến những khó khăn trong việc cầu nguyện chính là sự lười biếng hay trạng thái thờ ơ của tâm trí. Khi tâm trí thực sự không muốn suy nghĩ về những gì có liên quan đến một khái niệm cụ thể, thì có thể nói rằng nó sẽ trở nên ‘chậm chạp lề mề’ và kết quả là người ta không hiểu được những điều đã được nói hay đã được giải thích. Trong những lúc như thế, chính nỗi sợ hãi hiểu biết sự thật khiến người ta phải làm như vậy; sự sợ hãi làm tê liệt tâm trí khiến nó chậm nắm bắt được sự thật. Thực ra, đây là cách duy nhất để trốn tránh sự thật vốn có ý nghĩa đáng kể. Chúng ta bắt gặp một ví dụ điển hình trong cuộc đời của các tông đồ: nhiều lần, Đức Giê-su đã cố gắng giải thích cho các ông về sự cần thiết của thập giá trong cuộc đời của một người môn đệ nếu người ấy thực sự muốn theo bước Người, thế nhưng trong những lần ấy chúng ta thấy (Mc 9,3235) rằng các ông đã không hiểu được những gì Người nói với các ông, và các ông sợ hỏi lại Người. Rõ ràng là, các ông biết rằng nếu các ông xin Người giải thích thì Người sẽ giải thích cho các ông, và sau đó các ông sẽ phải làm theo. Thế nhưng, giáo huấn về thập giá trong cuộc đời chúng ta có thể là rất khủng khiếp, đặc biệt là nếu những giả định của chúng ta về việc đi theo Đức Giê-su không phải là những giả định đúng.
Do đó, nếu chúng ta muốn trưởng thành trong đời sống tâm linh, thì điều quan trọng đó là: chúng ta hãy đến gần Chúa mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện gì. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta cảm nghiệm được tình yêu tự hiến của Người, một tình yêu mà sẽ không bao giờ để cho chúng ta phải chịu đau khổ một mình, cũng như vượt quá sức lực của chúng ta. Hơn nữa, nếu chính Người, là Chúa và là Đấng Cứu Độ, đã phải chấp nhận Thập giá trong cuộc đời mình như là phương thế mà Chúa Cha lựa chọn cho để đem ơn cứu độ đến cho thế gian, thì thử hỏi cuộc đời của các môn đệ và những kẻ đi theo Người lại khác hẳn với con đường của Người sao? Bên cạnh đó, từ trải nghiệm hàng ngày, chúng ta biết rằng chúng ta không thể đạt được điều gì nếu không trả giá. Hiệp thông với Chúa chính là ân sủng cao nhất mà chúng ta có thể khao khát đạt được, vì thế chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả đó.
Cũng vậy, nếu chúng ta đã bắt đầu đời sống tâm linh của mình thì cũng nên hiểu rằng không thể có bất kỳ một sự trưởng thành nào trong mối tương quan với Đức Giê-su bao lâu Cái Tôi còn thống trị cuộc đời chúng ta, bấy giờ chúng ta sẽ không gặp khó khăn trong việc chấp nhận đau đớn và những khổ cực liên quan đến bất kỳ sự thật nào mà Đức Giê-su đặt ra trước mặt chúng ta. Mặt khác, thật là hữu ích nếu chúng ta tiếp cận sự thật với một tinh thần phiêu lưu, sẵn sàng với tất cả những điều ngạc nhiên có thể xảy đến với chúng ta. Dĩ nhiên, điều này có thể dễ dàng hơn đối với người này, nhưng lại khó khăn hơn đối với những người khác; tuy nhiên đây chính là một phẩm chất mà chúng ta có thể tự mình phát huy bằng hàng loạt quyết định và việc làm cụ thể.
Sau cùng, nơi đâu tình yêu ngự trị, nơi ấy không cần phải nỗ lực nhiều để có thể hiểu được sự thật. Chính Chúa sẽ giúp chúng ta hiểu biết sự thật cũng như ‘những gì thuộc về sự thật.’ Điều đó cũng giống như luật của tình yêu được nội tâm hóa nơi chúng ta nhờ vào sức mạnh của ân sủng Ngài. Khi điều này xảy ra, chúng ta không buộc phải gồng mình lên để yêu mến tất cả những ai Thiên Chúa gửi đến trong cuộc đời mình. Ngài ban cho chúng ta sức mạnh nội lực để vượt thắng mọi trở ngại tự nhiên. Bên cạnh đó, Ngài cũng sẽ đem đến cho chúng ta những cơ hội, tùy theo sức lực của chúng ta, để có thể đương đầu với những tình huống ấy. Vì thế, chúng ta thực sự không cần phải sợ hãi hay lo lắng về điều đó! Và điều này cũng có thể áp dụng cho mọi chân lý vốn chi phối mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.