“Hãy đến cùng Chúa nhân lành với lòng đơn sơ, với tâm hồn phó thác của một trẻ thơ. Hãy kể cho Chúa nhân lành biết những gì chị đang suy nghĩ, những gì chị ước muốn, những gì làm chị khổ tâm. Ôi! hạnh phúc biết bao khi chúng ta khám phá ra cuộc trò chuyện nội tâm này với Chúa chúng ta. Chúng ta sẽ đem theo kho tàng của mình [và cả chúng ta nữa] đi khắp mọi nơi. Ngài sẽ trở thành tâm điểm của tâm hồn và cuộc sống chúng ta.” (Gửi cho cô Stephanie Gourd, tháng 1/1848).
Cha Eymard dành lời khuyên này cho cô Gourd vào lúc cô đang phải bận bịu với việc chăm lo cho cha mẹ già yếu và đau bệnh. Theo lẽ tự nhiên, trường hợp này là một trường hợp đòi hỏi nhiều cố gắng, tâm trí luôn luôn vướng bận vào việc phải vạch ra những gì sẽ được làm kế tiếp. Chắc chắn một người như thế sẽ không có thời gian cũng như tâm trí tự do và an bình để ngồi yên lặng trước Thánh Thể và bày tỏ những nỗi khốn khổ của mình ra với Chúa. Lúc ấy, làm thế nào người ta còn có thể duy trì được mối hiệp thông với Chúa trong những tình cảnh như vậy được?
Mặc dù cha Eymard đã viết lời khuyên này nhiều năm trước khi chính cha đã có kinh nghiệm về Phòng Tiệc Ly Nội Tâm trong suốt cuộc tĩnh tâm ở Rô-ma, cha Eymard đụng phải cái đinh ở trên đầu khi cha đề nghị cô Gourd học cách trở về với Chúa Giê-su đang hiện diện trong cuộc đời của chúng ta. Khi nói như vậy, cha Eymard chứng tỏ cha đi đầu trong thời đại của mình. Sau Công đồng Vaticano II, chúng ta đã quen đề cập đến bảy cách khác nhau qua đó Chúa Phục sinh hiện diện với chúng ta (Thánh Thể, Lời Chúa, các bí tích, Hội Thánh, người nghèo, phẩm trật và mỗi người Ki-tô hữu). Quan trọng nhất trong những cách này đó chính là: sự hiện diện cá nhân của Chúa Giê-su đối với mỗi người trong sâu thẳm con người của họ. Cha Eymard nhắc nhở cô Gourd về sự hiện diện cá nhân ấy khi đề nghị cô hãy học cách trở về với Đức Giê-su, Đấng là kho tàng mà chúng ta mang theo bên mình.
Thậm chí vào thời đại của chúng ta, sự nhận thức về sự hiện diện của Đức Giê-su là một điều gì đó hiếm có nơi các Ki-tô hữu. Tất cả chúng ta thừa nhận rằng niềm tin của họ đã đạt đến những tầm cao đáng kể nếu họ có thể nhận ra sự hiện diện thực sự của Đức Ki-tô nơi Bánh Thánh và nơi anh em mình. Tuy nhiên, chúng ta thường quên rằng sự hiện diện căn bản nhất của Đức Giê-su chính là việc Ngài cư ngụ nơi cung lòng và cuộc sống của chúng ta. Và khi một ai đó học được cách đối thoại với Chúa đang hiện diện giữa cuộc đời chúng ta, bấy giờ người ấy không cần quan tâm đến bầu khí bên ngoài ồn ào như thế nào. Cuộc đối thoại nội tâm tiếp tục kéo dài suốt ngày và đêm, khi chúng ta thủ đắc được kỹ năng mà nó đòi hỏi. Và những khó khăn chúng ta gặp phải, có thể nói là không cho chúng ta có thời giờ và cơ hội để viếng Chúa nơi Nhà Tạm, thực sự là những ân huệ mời gọi chúng ta phát triển kỹ năng này nơi mình. Thật là điều không may khi chúng ta để vuột mất những ân huệ ấy.
Khi chúng ta trở nên quen thuộc với sự hiện diện của Đức Ki-tô nơi mình, bấy giờ ‘Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta. Ðúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.’ (Rm 8,35-39).