Tháng Tư, Ngày 18

 

Cha Eymard- Ơn dâng hiến chính mình, 1853) “Hãy thành thật trước mặt Chúa, thành thật nhận biết Đức Giê-su Ki-tô; hãy có một ý nghĩ nhất định về các nhân đức, và chị sẽ đạt được tâm điểm của sức mạnh và sự ủi an.” [Gửi cho cô Mathilde Giraud-Jordan,1868]

Lần này khi viết cho một người con linh hướng khác, cha Eymard đưa ra những sự trợ giúp cần thiết để làm cho việc cầu nguyện của người ta thêm hiệu quả hơn. Cầu nguyện có thể được định nghĩa như ‘lời đáp trả thân thương đối với sự nhận thức về hành động của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta.’ Thiên Chúa luôn hoạt động trong cuộc đời chúng ta, luôn luôn mang điều tốt đến cho chúng ta. Tự bản chất Thiên Chúa là tốt lành, và vì thế Ngài không thể chọn điều gì xấu cho chúng ta. Ngài chỉ có thể đem lại cho chúng ta những gì là tốt thôi. Thế nhưng thật không may, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho mình, đặc biệt khi lòng nhân từ ấy đến với chúng ta dưới hình thức đau khổ.
Thường thì phải mất một thời gian dài chúng ta mới có thể nhận ra được ý định tốt lành của Thiên Chúa khi gửi đến cho chúng ta một điều gì đó mà chúng ta lại cho là điều có hại. Nhìn bề ngoài, dường như sự kiện này là nguy hại, thế nhưng về lâu về dài, chúng ta sẽ nhận ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa khi Người ban phát cho chúng ta ân huệ ấy. Người Do Thái đã học được bài học về việc kết giao này với Gia-vê qua nhiều thế kỷ khi Thiên Chúa hứa chúc phúc cho họ, họ không cần phải đợi chờ để nhận ra lời chúc phúc cụ thể ấy… Họ đã bắt đầu cảm tạ và ngợi khen Ngài trong hiện tại, ngay cả khi lời chúc lành ấy phải mất nhiều năm nữa mới xuất hiện. Đây là điều làm cho An-na, vợ của ông En-ca-na, bắt đầu vui sướng và chúc tụng Thiên Chúa từ lúc ông Ê-li, vị tư tế, đã nhân danh Thiên Chúa để đảm bảo với bà rằng bà sẽ trở lại Giê-rusa-lem vào năm tới trong dịp lễ kính hằng năm để tạ ơn Thiên Chúa vì bà đã sinh hạ được một người con trai (1Sm 1,13-18). Bà đã không chờ đợi cho đến khi bà được đảm bảo rằng mình sẽ sinh hạ một người con, và chắc chắn người con ấy là con trai. Niềm cậy trông của họ vào Thiên Chúa quả thực là sâu sắc và mạnh mẽ!
Đối với chúng ta ngày nay cũng vậy, khi chúng ta nhận ra tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho chúng ta, thì tất cả những gì chúng ta cần làm, đó là: hãy gìn giữ điều này trong tâm trí chúng ta và tìm lại chính mình trong mối dây hiệp thông với Thiên Chúa. Thậm chí nếu như mọi thứ xung quanh chúng ta đậm màu u ám và mang dáng vẻ tiêu cực, chúng ta vẫn có thể vui mừng vì Thiên Chúa chúng ta là vị Thiên Chúa luôn trung thành, lời của Ngài vẫn mãi là sự thật từ đời nọ tới đời kia. Đoạn Sách Thánh Kb 3,17-24 đáng được đọc lên trong bối cảnh này.
Ẩn dưới kỹ năng và việc thực hành này chính là nghệ thuật phó thác trọn cuộc đời chúng ta vào bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta biết rằng Ngài sẽ gìn giữ chúng ta trong cánh tay Ngài và không gì có thể làm hại chúng ta được. Phúc thay ai có được một sự xác tín như thế vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ! Điều gây cản trở cho một sự xác tín như thế vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta chính là những sai sót và lỗi lầm của chính chúng ta. Vì thế, chúng ta bất đồng với chính mình: ‘khi tôi không trung thành hoặc không nghiêm túc với bản giao kèo, thì làm thế nào tôi có thể trông đợi Thiên Chúa sẽ đối xử với tôi như đứa con cưng của Ngài?’ Mặc dù có một chân lý nào đó trong việc lý luận này, nhưng chúng ta không bao giờ được quên rằng: Thiên Chúa không yêu thương chúng ta vì chúng ta trung thành hay vì một điều gì đó, nhưng đơn giản là vì Ngài tốt lành, vô cùng tốt lành. Không cần phải chối bỏ sự thật rằng khi chúng ta thực lòng tìm kiếm điều tốt nhất cho mình, chúng ta sẽ tìm được nhiều lợi ích hơn, đơn giản vì khi ấy chúng ta sẽ ngày càng ý thức hơn về những kế hoạch của Thiên Chúa và có thể đón nhận một cách dễ dàng hơn và không sai lầm.