(Vào buổi tối trước ngày chịu rước lễ lần đầu, Phê-rô Giuliano đã viết một quyển sách nhỏ về các việc phải làm khi hiện diện trước Chúa Giê-su Thánh Thể. Việc làm thứ sáu của tập sách nhỏ này là ánh sáng chỉ đường cho cuộc đời cha:) ‘Lạy Chúa Giê-su đáng kính của con, con dâng chính mình con cho Chúa như Chúa đã ban chính mình Ngài cho con.’ (Vào sáng hôm sau, Chúa Nhật Phục Sinh, cha có được niềm hạnh phúc khi lãnh nhận Chúa Giê-su và chính lúc đó cha thân thưa cùng Chúa rằng) ‘Con sẽ trở thành một linh mục, con hứa với Chúa!’ (tháng 3 năm 1823)
Một trong những phẩm chất vượt trội của cha Eymard chính là: từ rất sớm, cha đã muốn dâng mình cho Chúa Giê-su như chính Chúa Giê-su đã hiến mình vì cha. Mặc dù cha biết rằng đây là điều không thể đối với bất kỳ phàm nhân nào, thế nhưng đó lại là ước vọng bừng cháy trong tâm hồn cha. Chúng ta nhận ra món quà này trong ngày Rước Lễ lần đầu của cha. Khi còn trẻ, cha đã hiểu tường tận về cả bản chất lẫn ngoại trương của ân huệ mà cha đã nhận được. Về mặt bản chất, cha nhận ra rằng đây không chỉ là một điều gì đó mà Chúa Giê-su đã trao ban cho cha, nhưng đúng hơn chính Người đã trao ban chính mình, toàn bộ và trọn vẹn! Vì thế, việc đáp trả lại ân huệ này của cha sẽ chẳng là gì so với ân huệ cao vời của chính Người. Mặc dù cha không hiểu hết được những hàm ý của sự suy diễn này, một điều gì đó mà sau này cha mới hiểu tường tận trong cuộc đời cha, thế nhưng lập luận của cha thì hoàn toàn chính xác. Không gì có thể làm thỏa mãn trái tim của Đức Ki-tô cho bằng là sự dâng hiến chính bản thân mình.
Hơn nữa, cần chú ý rằng ngay khi còn nhỏ, cha Eymard đã có thể thoáng thấy rằng đời sống Ki-tô hữu không phải là một thứ gì đó tinh tuyền và mang tính cá nhân, một thứ phần thưởng dành cho những người tốt và đức độ. Cha luôn luôn nhìn điều này theo khía cạnh của phục vụ và sứ vụ: điều cha nhận được một cách nhưng không, thì cha cũng cần phải đáp trả và cách tốt nhất để thực hiện điều đó chính là qua đời sống linh mục, qua việc trở thành một dụng cụ dễ uốn nắn trong bàn tay của Thiên Chúa, để đem lại bình an và niềm an ủi cho những người đau khổ. Ít nhiều cha đã nhận ra rằng khi còn trẻ, đức tin và khát vọng chân thành của cha đã bị thử thách dưới hàng nghìn cách khác nhau khi cha phải đương đầu. Tuy nhiên, cha cảm thấy vui sướng và hướng đến sự hiệp thông với Chúa Giê-su. Cha không mong ước trở thành một linh mục chỉ đơn thuần là được người ta kính trọng, cũng không phải là để củng cố vị thế trong xã hội. Cha nhìn nhận đời sống linh mục theo nghĩa là trở thành người phục vụ cho Chúa và Thầy của cha. Và đó là điều mà cha cố gắng để trở nên một tôi tớ trong tất cả các tôi tớ, trong dòng hay ngoài dòng.
Không cần thắc mắc gì khi vào cuối đời, cha đã tìm thấy một lối diễn tả hay hơn để biểu lộ những khao khát của cha và vạch ra một lối đi cho những người khác bước theo. Cách làm này của cha Eymard mời gọi chúng ta xem xét những động lực và lý do vì sao chúng ta chọn lựa để theo bước của cha. Nếu việc theo Đức Giê-su của chúng ta không phải là kết quả của một cảm nghiệm về tình yêu riêng tư của Đức Ki-tô dành cho chúng ta, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được cùng một định hướng như cha Eymard đã có, cũng như chúng ta sẽ không nhận được những lời chúc lành mà cha đã nhận được vì sự dâng hiến hoàn toàn của cha vào bàn tay của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu chính Chúa là Đấng kêu gọi chúng ta, thì chúng ta có thể đoan chắc rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta những ân huệ cần thiết để chúng ta tiếp bước theo cha Eymard.