Tháng Tư, Ngày 27

 

Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Giám tỉnh của Hội dòng, cha Eymard cũng nhận ra sự thờ ơ lãnh đạm đối với tôn giáo của thế giới xa lạ với Hội thánh ở Pháp vào thời gian ấy. Cha thường tự nhủ lòng mình,) ‘Tôi ước mong sao cho thế giới này có nhiều tông đồ nhiệt thành để giải thoát thế giới khỏi tình trạng chết chóc và sự lười biếng…

Việc cha Eymard được phú ban cho một tinh thần và lòng nhiệt thành tông đồ quả là điều không thể nghi ngờ. Trong khi những người khác vào thời đại của cha cũng sống trong cùng một hoàn cảnh, nhưng cha là một trong số ít người cảm nhận được những khúc mắc và khó khăn một cách thấu suốt đến nỗi cha muốn làm một điều gì đó, để giải quyết những khúc mắc và khó khăn ấy. Cha ý thức mạnh mẽ về sự lãnh đạm đối với tôn giáo nơi các Ki-tô hữu đương thời, cụ thể là ở nước Pháp. Đây thực sự là một dư luận nảy sinh từ tình trạng tôn giáo đầu tiên vốn đem lại cho nước Pháp danh hiệu ‘trưởng nữ của Hội Thánh!’ Có lẽ, sự lãnh đạm và lười biếng này là hậu quả của nhiều năm bóc lột và đau khổ, kèm theo một cảm giác cho rằng thật khó có sức mạnh nào để họ có thể làm thay đổi tình thế.
Không giống như bao người khác, cha Eymard nhận thấy rằng có rất nhiều việc phải làm để thay đổi toàn bộ tình trạng của nước Pháp nhưng không phải chỉ bằng sức mạnh của con người, cũng không phải bằng tài khéo léo! Thiên Chúa-Đấng mà con người ta chối bỏ, lại là Đấng Duy nhất có thể phục hồi lại phẩm giá đích thực của họ, và giúp họ tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Cha đã dày công miệt mài tìm kiếm câu trả lời cho vấn nạn này, và đã tìm thấy nó nơi tình yêu của Thiên Chúa, cụ thể là tình yêu được chiếu tỏa trên chúng ta nơi Thánh Thể.
Thật kỳ lạ, trong khi nhiều người tốt và sùng đạo vẫn bám vào tương quan của họ với Thiên Chúa và Hội thánh, họ chọn cách nhìn nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự công chính hơn là Thiên Chúa của tình yêu và lòng nhân từ! Khuynh hướng này được làm nổi bật bởi làn sóng của phong trào Giăng-xê-nít lan tỏa khắp Châu Âu. Phong trào này đòi hỏi những việc thực hành sám hối, và xem con người tự bản chất là hư hỏng và không thể cứu vãn nổi. Chống lại khuynh hướng này, cha Eymard mau chóng nhận ra rằng cha phải đối diện với một nhiệm vụ khó khăn, một công việc phi thường; vì thế phải mất nhiều thời gian và hao tổn sức lực để giải quyết. Trải qua nhiều năm, khi phải đấu tranh với sự căng thẳng của tình trạng này đang diễn ra trong xã hội, cha đã khám phá ra nó nơi tình yêu của Thiên Chúa lan tỏa trên chúng ta trong Đức Ki-tô và được gìn giữ trong Thánh Thể. Đó là điều đã thôi thúc cha sáng lập Dòng Thánh Thể, quy tụ những người nam và người nữ cùng chí hướng để đẩy mạnh mục đích này.
Vì thế, các tu sĩ Thánh Thể, những người tiếp nối công việc của cha Eymard, cần phải xông pha ra tiền tuyến như những tông đồ nhiệt thành tìm cách xua tan đi sự thờ ơ ở khắp mọi nơi. Những vấn đề mà chúng ta đối diện ngày nay có thể được biết với nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn như: toàn cầu hóa, bóc lột kinh tế,… nhưng nguồn gốc của tất cả những vấn đề này là giống nhau: Cái Tôi hay Chủ nghĩa cá nhân của chúng ta. Chúng ta có cảm thấy một sự thúc bách để làm một điều gì đó, nhờ vào Thánh Thể là nguồn mạch canh tân Giáo Hội và Xã hội không?