“Tôi có một điều gì đó giống như tổ phụ Giacóp là: luôn luôn trên đường di chuyển.” [Cuộc tĩnh tâm ở Rô-ma, năm 1865]
Khi nhìn vào tình trạng sức khỏe tồi tệ của cha, chúng ta phải thán phục về số lượng những chuyến đi mà cha Eymard thực hiện trong suốt cuộc đời của mình. Trong những lần di chuyển ấy, cha cảm thấy có rất nhiều thao thức, khao khát cháy bỏng để dâng một điều gì đó đáng giá cho Chúa, Đấng đã chúc phúc cho cha một cách dư tràn. Đối với cha, điều đó bao hàm một khía cạnh tốt, nhưng cũng không hoàn toàn phủ nhận những điều tiêu cực. Điều này có thể sánh ví với một cuộc ‘tẩu thoát’ nội tâm khỏi một rắc rối.
Vấn đề thực hư thế nào thì chỉ mình cha Eymard mới có thể nói được. Thế nhưng khi suy niệm về điều này, chúng ta có thể gán một vài nguyên do cho nó, thậm chí nếu những nguyên do ấy không thực sự ảnh hưởng đến cha, thì chúng có thể là một lời cảnh tỉnh đối với chúng ta. Lúc đầu, thao thức trong cuộc đời của cha Eymard có thể là việc cha chưa tìm được nơi xứng đáng mà Thiên Chúa muốn cha tìm. Cha chỉ tìm được nơi xứng đáng sau khi sáng lập Dòng Thánh Thể. Từ góc độ này, chúng ta có thể nói rằng những băn khoăn của cha quả thực có một chiều hướng tích cực.Cha đã tìm kiếm ý định của Thiên Chúa và sẽ không nghỉ yên cho tới khi cha khám phá ra ý định ấy, dù có phải trả giá cách mấy đi chăng nữa! Và vì thế, về vấn đề này, chúng ta nên noi gương cha Eymard theo nghĩa là chúng ta có thể không biết rõ về ơn gọi đích thực của mình. Thay vì mãn nguyện với vị trí mà mình đang có, ước nguyện của chúng ta phải là dâng cho Chúa không chỉ những gì tốt nhất mà còn là những gì Ngài thực sự mong muốn nơi chúng ta.
Từ góc độ khác, chúng ta có thể nói rằng cha Eymard di chuyển rất nhiều vì cha cảm thấy cha phải chặn đứng những khoảng trống về mặt tâm linh đã tồn tại trong Hội dòng do cha sáng lập. Ở đây, lại có hai khía cạnh xung quanh vấn đề này; thứ nhất, chính cha nhận ra mình phải có trách nhiệm đối với tất cả những gì đang xảy ra trong nhóm tu sĩ của cha, và cha chỉ có thể quan tâm tới điều đó. Cha thường thử giao trách nhiệm cho người khác, nhưng cha thấy thất vọng vì họ chẳng làm được gì cả hay không làm vừa ý cha. Những cuộc đàm phán thương lượng để có được Phòng Tiệc Ly ở Rô-ma là một trường hợp cho thấy cha Eymard cuối cùng phải tự mình giải quyết công việc. Hiểu được như thế, chúng ta có thể nói rằng hầu hết những cuộc hành trình của cha đều cho thấy cha luôn một mình chịu trách nhiệm đối với công việc mà Thiên Chúa đã trao phó cho cha. Điều này cho thấy một lương tâm nhạy cảm và một sự sẵn sàng đối diện với tất cả những đòi hỏi trong vị thế của cha, mà không trốn tránh bất cứ việc gì vì những khó khăn.
Hành động trung thành này sẽ không phát sinh do tính kiêu căng hay chủ nghĩa cá nhân theo nghĩa là cha cảm thấy chỉ mình cha mới có thể làm tốt công việc này, còn những người khác thì không. Cha đã hoàn toàn cậy dựa vào thánh ý của Thiên Chúa, để cảm thấy rằng chỉ mình Ngài mới thực hiện được công việc cụ thể này. Chắc chắn cha sẽ tin rằng nếu Thiên Chúa muốn công việc này được thực hiện, thì công việc ấy sẽ được thực hiện thông qua những khí cụ và những con người khác. Bên cạnh đó, nhiều lần cha nhận thấy hành động này như một sai lầm thay vì phải dành nhiều giờ và nhiều ngày để cầu nguyện và suy niệm cá nhân.