Dẫn nhập
Tháng 12 là tháng cuối năm, người người chuẩn bị bước sang một năm mới với những dự định và dự án mới. Tuy nhiên, với người Công giáo chúng ta, tháng 12 lại là thời điểm bắt đầu một năm phụng vụ mới, khởi đi từ Mùa Vọng. Người tín hữu sống tâm tình Mùa Vọng với ý nghĩa đợi chờ ngày Chúa đến lần thứ hai, cũng như hướng tới kỷ niệm việc Chúa đến lần thứ nhất qua biến cố Ngôi Hai Con Chúa giáng trần, được cử hành long trọng vào cuối tháng 12. Với gia đình Eymard, thật ý nghĩa làm sao, khi vào đầu tháng 12 (mùng 9) hằng năm, các thành viên của gia đình có cơ hội ôn lại biến cố đáng nhớ của Hội dòng: sự kiện Đấng Sáng Lập được đứng vào hàng ngũ chư thánh. Với chúng ta, ngày 9 tháng 12 năm 1962 đi vào dòng chảy lịch sử của Hội dòng (ở đây bao gồm luôn cả các chị Nữ Tỳ, các chị tu hội Servitium Christi và toàn thể hội viên Huynh đoàn). Ngày phong thánh của Đấng Sáng Lập trùng với dịp diễn ra Công đồng chung Vatican II. Điều đó có nghĩa là, nhịp sống của Hội dòng chúng ta luôn hòa chung với hơi thở của Giáo hội. Tạ ơn Thiên Chúa!
Trong những ngày chuẩn bị hướng tới sự kiện đáng nhớ này, theo lời kêu gọi của cha BTGT, thiết nghĩ mỗi thành viên của gia đình Eymard hãy biết tận dụng cơ hội quý báu này để cùng nhìn lại hành trình đến với Thánh Thể của Đấng Sáng Lập, cũng như nhìn lại cuộc hành trình đã giúp cho ngài được sánh vai cùng các chư thánh trên thiên quốc. Bên cạnh đó, chính mỗi thành viên trong gia đình chúng ta cũng được mời gọi ý thức về con đường đạt đến sự hoàn thiện được hun đúc nhờ ân huệ quý báu là chính Thánh Thể.
1. Sự thánh thiện trong đời sống thường nhật
“Trên hết tôi muốn nhấn mạnh đến lời mời gọi nên thánh mà Chúa ngỏ với mỗi người chúng ta, lời mời gọi mà Ngài cũng ngỏ lời cách riêng tư với bạn: “Hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11, 44;
-
1Pr 1,16). Công đồng Vaticano II đã tuyên bố điều này cách rõ ràng: “Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quý như thế, tất cả các tín hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành””.1 Với những lời này, ĐTC Phan-xi-cô khơi gợi lại ơn gọi căn bản của người Ki-tô hữu: ơn gọi nên thánh.
Với Tông huấn “Vui mừng hoan hỉ” (Gaudete et Exsultate), ĐTC dường như muốn mở ra một cái nhìn mới cho mọi anh chị em Ki-tô hữu về việc “nên trọn lành”. Người ta thường có khuynh hướng nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có khả năng rút khỏi những công việc thường ngày, để dành nhiều thời gian cho cầu nguyện. Hay người ta thường nghĩ việc đó chỉ dành cho những ông cha, ông thầy, bà soeur, v..v. Tuy nhiên, qua Tông huấn, ĐTC nói rằng con đường đó cũng dành cho tất cả. Tất cả đều được mời gọi nên trọn lành (nên thánh) trong mọi việc mình làm, và ở tại nơi mình sống. Nói cách khác, nên trọn lành trong chính đời sống thường nhật2.
Trong lá thư gửi các cộng đoàn Thánh Thể nhân dịp kỷ niệm 40 Đấng Sáng Lập của chúng ta được tuyên phong hiển thánh, cha cựu BTTQ Fiorenzo Salvi, SSS3 đã viết như sau:
Trong cuộc gặp gỡ mang tính quyết định với cha Favre tại Lyon vào ngày 22 tháng 4 năm 1856, để trả lời cho câu hỏi: “Nhưng, cha dựa vào niềm xác tín nào của cha vậy? Đâu là những bằng chứng thiêng liêng liên quan đến ơn gọi mới của cha?”, cha Eymard đáp: “Con không nhận được những phép lạ, cũng chẳng có những thị kiến, hay bất kỳ điều phi thường bề ngoài nào. Thiên Chúa đang ra sức lôi kéo con đến Công cuộc này, nhất là trong hai năm qua”.4
Cuộc đời của cha Eymard không được đánh dấu bởi những biến cố phi thường, những dấu chứng quả cảm, những chuyến hành trình phiêu lưu, những phép lạ hay những dấu chỉ lạ kỳ. Cha cũng không để lại cho chúng ta quyển sách nào, hay những khảo luận có tầm ảnh hưởng lớn. Thế nhưng, cuộc đời cha lại chính là một phép lạ cả thể, một công trình kỳ diệu của Thần Khí, là Đấng đã biến đổi cha thành một “ký ức sống động” về cuộc đời của Đức Ki-tô. Đây là một cuộc đời của những khởi đầu bình dị, nhưng lại được lan tỏa nhờ một tặng phẩm lớn lao: “Ân huệ vĩ đại nhất trong cuộc đời tôi, đó là niềm tin sống động vào Bí tích Thánh Thể ngay từ thuở nhỏ”.5
Khởi đi từ ân huệ này, cha đã trở thành một người khởi xướng cho một linh đạo tuy đơn sơ, nhưng đáng tin cậy và có thể áp dụng cho hết thảy mọi người; một linh đạo đặt nền tảng trên tâm điểm sự sống của Giáo hội, đó là: Thánh Thể. Chính vì thế, cha vẫn mãi là một vị ngôn sứ và là một bậc thầy về đường thiêng liêng không chỉ cho thời đại mình, nhưng còn cả thời đại chúng ta nữa.
Dưới ánh nắng của Mặt trời Thánh Thể, cha Eymard được ngụp lặn trong nguồn mạch ân thiêng, được thay da đổi thịt, để rồi có thể đào sâu ơn gọi căn bản của người Ki-tô hữu: trở nên giống Đức Ki-tô. Ánh nắng của Mặt trời Thánh Thể chiếu vào cha Eymard, nhưng không làm cho da ngài sạm đi (theo nghĩa thể lý), mà lại biến ngài thành một “ký ức sống động” của Đức Ki-tô. Cha Eymard đã từng bước chinh phục đỉnh trọn lành ngang qua bậc sống mà Thầy Chí Thánh mời gọi, mỗi giai đoạn cha đi qua được cha xem như một nhà tập. Và mỗi giai đoạn trong cuộc đời đều là cơ hội giúp cha đọc ra dấu chỉ và hoàn thiện bản thân. Tất cả những điều ấy chỉ được lý giải dưới lăng kính của Thánh Thể. Với cha, Thánh Thể chính là con đường giúp nên thánh vững vàng nhất, như chân phước Carlo Acutis6 đã nói: “Thánh Thể là đường cao tốc dẫn tới thiên đàng”. Hành trình chinh phục lý tưởng Thánh Thể, cũng như đạt đến đỉnh trọn lành của cha Eymard đã khởi đi từ…
2. Một khát vọng
Theo lẽ bình thường, muốn trở thành một bác sĩ, một siêu sao bóng đá, một minh tinh màn bạc,… thì dường như trước đó người ta đã phải có những khát vọng và ước mơ. Thế rồi, chính từ khát vọng và ước mơ đó, người ta bắt đầu nỗ lực và phấn đấu với khả năng thiên phú, cộng với sự giúp đỡ của nhiều người khác, để có thể biến khát vọng và ước mơ của mình thành sự thật. Điều này dường như đúng với thánh Eymard, Đấng Sáng Lập của Hội dòng chúng ta.
Như chúng ta đã biết, thánh Eymard sinh ra trong bối cảnh loạn lạc sau cuộc cách mạng Pháp (1789). Lúc bấy giờ, mọi thứ dường như thay đổi: cơ cấu chính trị, tôn giáo, kinh tế,… Điều này cũng tương tự như tình cảnh của chúng ta trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong hoàn cảnh loạn lạc, và nhất là trong tình cảnh người đương thời thờ ơ lãnh đạm với niềm tin tôn giáo, thì lúc bấy giờ một vì sao lại lóe sáng trên bầu trời. Vì sao ấy mang tên Eymard. Chính Đấng Tạo Hóa đã tạo ra vì sao ấy để chiếu rọi vào bối cảnh loạn lạc và bầu trời đen tối của xã hội Pháp lúc bấy giờ, mà cụ thể nhất là tại một làng quê hẻo lánh mang tên La Mure.
Cậu bé Eymard được sinh ra. Và đây được xem như một điềm lành, báo hiệu một tương lai mới cho làng La Mure, bởi lẽ rồi đây chính người dân ở làng La Mure sẽ tự hào khi nói rằng họ có một vị thánh xuất thân từ làng quê của họ. Giáo hội có thêm một vị thánh và bầu trời lại sáng thêm khi có một vì sao mọc lên.
Ngay từ nhỏ, thánh Eymard đã có một khát vọng: đó là trở thành linh mục vào một ngày nào đó. Với khát vọng này, ngài đã nỗ lực không ngừng để biến nó thành hiện thực. Sinh ra trong một gia đình đạo hạnh, ngài chịu ảnh hưởng của người mẹ thân thương, người luôn giáo dục và dâng trọn ngài cho Chúa. Điều đó được thể hiện qua những lần người mẹ yêu dấu dắt ngài đến nhà thờ để Chầu Phép Thánh Thể. Mỗi lần linh mục ban phép lành Thánh Thể, thì người mẹ đều bế ngài lên hướng về Thánh Thể, có ý dâng người con trai của mình cho Chúa. Khát vọng trở thành linh mục của Eymard ghi đậm dấu ấn của người mẹ thân thương, và đặc biệt là dấu ấn của Thánh Thể. Ngài đã khẳng định: “Ân huệ lớn lao nhất trong cuộc đời tôi, đó là có một niềm tin sống động vào bí tích Thánh Thể ngay từ thuở ấu thơ” (NR 45,3). Niềm tin vào Bí tích Thánh Thể đã giúp ngài vững bước trên hành trình hiện thực hóa khát vọng trở thành linh mục, và sau này là trở thành một vị Sáng Lập Hội Dòng.
Khát vọng giúp con người có động lực để sống, khát vọng giúp con người ta có mục tiêu để nhắm tới, khát vọng giúp con người hy vọng.
Khát vọng trở thành một linh mục đã lôi kéo Eymard say yêu Bí tích Thánh Thể, và rồi chính Thánh Thể đã gột rửa cha, mài dũa cha, và thành tẩy cha để biến cha thành một con người đạo đức thánh thiện, thành một Tông đồ phụng sự cho Thánh Thể, và cuối cùng là trở thành một vị thánh.
Những vị thánh trẻ của giáo hội cũng mang trong mình đầy những khát vọng: Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su khát mong được trở thành một tu sĩ, dẫu cho chị thánh chưa đủ tuổi theo giáo luật để gia nhập vào Hội dòng. Thế nhưng, trước khát vọng bừng cháy ấy, Thiên Chúa đã chấp thuận. Hay như thánh Phan-xi-cô Assidi khát mong sửa lại ngôi nhà cho Chúa là Giáo hội. Chính Chúa đã chỉ cho thánh nhân biết phải làm cách nào, đó là qua đời sống khó nghèo. Và sự khó nghèo mà thánh Phan-xi-cô học hỏi được là từ nơi Ngôi Lời Nhập Thế qua biến cố Giáng Sinh và nhất là qua mẫu gương nghèo khó của Đức Giê- su nơi Thánh Thể. Suy cho cùng, chính Đức Giê-su Thánh Thể khiêm nhu và nghèo khó là khởi điểm cho thánh Phan-xi-cô thực hiện được khát vọng của mình. Và rồi đến chân phước Carlo Acutis, một Phan- xi-cô thời đại mới, cũng đầy những khát vọng của tuổi trẻ. Khát vọng của Carlo là giới thiệu Thánh Thể cho mọi người biết đến. Carlo đã giới thiệu Thánh Thể qua chính những phương tiện hiện đại mà con người ngày nay đang sử dụng. Những gì Carlo làm đều bắt nguồn từ một niềm say mê đối với Thánh Thể. Hay nói cách khác, chính Thánh Thể là con đường để Carlo thực hiện mọi khát vọng và dự định trong cuộc sống.
3. Biến khát vọng thành hiện thực:
Để biến khát vọng và ước mơ của mình thành hiện thực, thánh Eymard đã phải trải qua nhiều chông gai ngay từ những bước khởi đầu. Ước muốn trở thành linh mục của Eymard gặp sự ngăn cản của thân phụ. Vì biến động ngoài xã hội cũng như biến động trong gia đình, thêm vào đó ông Eymard đã mất đi những người con yêu dấu vì lý do bệnh tật cũng như vì loạn lạc chiến tranh, nên Phê-rô Giu-li-a- nô chính là hòn ngọc quý của ông. Ông muốn giữ hòn ngọc đó bên mình, và muốn dành tất cả mọi của cải mình có cho người con yêu dấu của ông. Thế nhưng, Thiên Chúa đã chọn ai, thì Ngài có cách và đường lối của Ngài. Ngài gieo vào lòng Phê-rô Giu-li-a-nô khát vọng phục vụ cho vương triều của Đức Vua. Hơn thế nữa, chính Thiên Chúa đã
sắp đặt và chuẩn bị mọi thứ cho người tôi tớ của Ngài, để sau này Giu- li-a-nô sẽ trở thành Tông đồ của Thánh Thể.
Muốn trở thành linh mục, nhưng thân phụ không cho. Eymard cảm thấy rất khổ tâm, nên ngài đã đến Đền Đức Mẹ ở Laus. Chính nơi đây, dường như nằm trong kế hoạch của Chúa, ngài đã gặp một linh mục. Cuộc đối thoại giữa ngài và vị linh mục đã đem lại tia hy vọng và niềm vui cho chính ngài. Vị linh mục ấy tên là Touche. Khi nghe ý muốn của ngài, vị linh mục rất ủng hộ và khuyên ngài nên tiếp tục giữ ý định đó. Đồng thời, vị linh mục khuyên ngài hãy bắt đầu học Latinh và rước lễ mỗi Chúa Nhật.
Kể từ lúc đó, Eymard luôn nung nấu trong mình ý định trở thành linh mục. Ngài quyết tâm tự học Latinh ngay tại xưởng ép dầu của cha mình. Rồi cuộc đời cứ đẩy đưa với những sự kiện và biến cố xảy ra trong hành tình tiến tới chức linh mục của Eymard. Có lúc ngài muốn từ bỏ ý định, nhất là khi người mẹ thân yêu của ngài qua đời, kế đến là sự ra đi của ông bố. Thế nhưng, nhờ có Mẹ Maria và nhờ lòng yêu mến đối với Thánh Thể, nên Eymard lại tìm được niềm vui để bước tiếp. Và quả thực, ngài đã đạt được ước mơ của mình. Hành trình biến ước mơ thành hiện thực của Eymard được đánh dấu bởi sự lôi cuốn của Thánh Thể.
Chân phước Carlo Acutis cũng thế. Khát vọng của ngài có lẽ là giúp mọi người nhận ra giá trị của tặng phẩm thần linh: Thánh Thể. Chắc chắn một điều, ngài cũng khát mong cho có nhiều người tìm đến với Nhiệm Tích Thánh. Thế nên, ngài đã nỗ lực không ngừng để biến khát vọng đó thành hiện thực.
Khi lớn lên, ngài bắt đầu dự Lễ hằng ngày, thường kéo theo các thành viên gia đình đi với mình. Ngài thực hiện các Giờ Thánh trước hoặc sau Thánh Lễ và đi xưng tội hằng tuần. Với lòng yêu mến dành cho việc lập trình máy tính, Acutis đã xây dựng các website để thông báo cho người khác về các phép lạ Thánh Thể và những cuộc hiện ra của Mẹ Maria trên khắp thế giới. Trên trang của ngài, ngài nói với mọi người, “chúng ta càng nhận lãnh Thánh Thể, chúng ta càng trở nên giống như Chúa Giêsu, để trên trái đất này chúng ta sẽ có một sự nếm trải trước thiên đàng”7.
Thế đó, những vị thánh đã cảm nhận được hương vị ngọt ngào từ Thánh Thể. Các ngài đã biến khát vọng của mình thành hiện thực, điều đáng nói là trên hành trình biến khát vọng sự thực ấy, các ngài không bao giờ quên và luôn luôn cần đến một phương dược hữu hiệu, hay nói cách khác là các ngài luôn cần đến một con đường để dẫn lối cho mình. Và con đường ấy không gì khác hơn chính là Thánh Thể. Do vậy, mỗi chúng ta hãy cũng biết làm theo gương của các vị thánh. Chúng ta cũng hãy khát khao và ước mơ. Và có lẽ khát khao và ước mơ của chúng ta cũng phải là ước mơ đạt đến sự thánh thiện.
4. Đời sống thánh thiện cho những ai biết khởi đi từ Thánh Thể:
Chân phước Carlo Acutis nói: “Thánh Thể chính là đường cao tốc đưa ta đến thiên đường”. Cả cuộc đời của vị chân phước này luôn gắn liền với Nhiệm Tích Thánh. Trong 17 điều mà mọi người nên biết về chân phước Carlo Acutis do tác giả Alyssa Murphy trình bày, thì có những điều chúng ta cần lưu tâm đến, bởi lẽ những điều ấy liên hệ trực tiếp đến con đường nên thánh của vị chân phước này, đó là:
-
Trong cuộc đời 15 năm ngắn ngủi, Carlo Acutis đã khiến hàng ngàn người cảm động vì đức tin và lòng sùng kính sâu sắc của Carlo đối với Chúa Giêsu Thánh Thể.
-
Sinh ra ở London nhưng lớn lên ở Milan, Carlo đã lãnh nhận bí tích Thêm Sức lúc 7 tuổi. Mẹ của cậu nhớ lại rằng Carlo chưa bao giờ bỏ dự lễ hằng ngày: “Khi còn là một cậu bé, đặc biệt là sau khi Rước lễ lần đầu, Carlo không ngày nào bỏ Thánh lễ, lần chuỗi Mân Côi và chầu Thánh Thể.”
-
Rất yêu mến Bí tích Thánh Thể, Carlo đã xin cha mẹ đưa cậu đi hành hương đến tất cả những nơi có các phép lạ Thánh Thể được biết đến trên thế giới, nhưng căn bệnh của cậu đã khiến cậu không thực hiện được điều này.
-
Carlo đã sử dụng kỹ năng am hiểu công nghệ của mình để xây dựng toàn bộ danh mục trang web về các phép lạ Thánh Thể trên khắp thế giới. Từ khi mới 11 tuổi, cậu đã bắt đầu dự án kéo dài nhiều năm này.
Carlo đã được dìm vào dòng suối Thánh Thể, được tắm gội nhờ dòng nước Thánh Thể và lớn lên nhờ lương thực thần lương là Thánh Thể. Chính Thánh Thể là điểm khởi phát cho lòng khát vọng và niềm đam mê của vị chân phước này. Chính Thánh Thể cũng là khởi hứng để cậu dùng khả năng lập trình tin học của mình viết ra trang web nói về các phép lạ Thánh Thể trên khắp thế giới, và cũng chính Thánh Thể là con đường giúp cho Carlo Acutis trở thành một vị thánh của Giáo hội.
“Thánh Thể là tâm điểm cuộc đời tôi”, thánh tổ phụ Eymard của chúng ta đã nói như vậy. Và tâm điểm ấy đã chi phối và chiếm hết cuộc đời của ngài. Có thể nói, ngài ăn Thánh Thể, uống Thánh Thể, sống Thánh Thể, hít lấy Thánh Thể, và nằm chiêm bao thấy Thánh Thể. Và rồi Thánh Thể đưa ngài tới đỉnh trọn lành. Cả cuộc đời ngài là một minh chứng và một mẫu gương cho những ai biết trân quý tặng phẩm thần linh do Chúa ban tặng là Thánh Thể. Ngài luôn mời gọi mọi người tìm
đến với suối nguồn tình yêu nơi Nhiệm Tích Thánh Thể. Những lời ghi khắc trên bia mộ của ngài minh chứng cho điều đó: “Hãy yêu mến Chúa Giê-su, Đấng đã yêu ta quá đỗi nơi Nhiệm tích Thánh Thể”. Đây chính là thông điệp ngài gửi cho tất cả những tâm hồn mộ mến Nhiệm Tích Thánh, và đó cũng chính là phương thế để đạt đến sự thánh thiện.
Thánh Eymard đã vạch ra cho các bạn đồng chí hướng cũng như tất cả mọi người một lối đi, để có thể chạm đến đỉnh trọn lành. Ngài ra công làm việc để cổ súy cho lòng sùng kính đối với Nhiệm Tích Thánh Thể, bởi lẽ theo ngài, Thánh Thể chính là phương thế, là con đường để người tín hữu ngày một nên giống Chúa hơn. Thánh Thể chính là Chúa Giê-su của quá khứ, hiện tại và tương lai. Đồng thời, Thánh Thể là phương dược chữa lành cho những căn bệnh trầm kha của nhân loại, cũng như là con đường nên thánh của biết bao nhiêu vị thánh từ cổ chí kim.
Thánh Eymard đã giác ngộ ra chân lý: đó là tình yêu nơi Nhiệm tích Thánh Thể, để đối lại với quan niệm thời bấy giờ của phái Giăng-xê- nít. Bởi lẽ, khi còn bé, vì ao ước nên thánh, nên nhiều lần Eymard đã thực hành việc hãm mình và đền tội nặng nề, cậu đi chân trần trên tuyết và leo lên đồi Calvary ở làng La Mure. Thế nhưng, sau này, ngài đã nghiệm thấy rằng đây không phải là cách Chúa muốn ngài thực hiện. Điều Thiên Chúa muốn nơi Eymard là khám phá ra con đường hoàn thiện ngang qua tình yêu nơi Nhiệm tích Thánh Thể.
Cha Eymard đã có một cái nhìn rộng mở. Mức độ thánh thiện, thánh hiến chính mình cho Thiên Chúa, không phải do đời sống được tuyển chọn, nhưng ở mức độ dâng hiến8.
Mức độ thứ hai của tình yêu là những người không chỉ làm những công việc của Thiên Chúa, mà còn dâng hiến chính mình họ cho Người. Họ không chỉ sinh nhiều hoa trái, nhưng còn đem lại sức sống cho cả cây, không chỉ bằng đôi tay của họ, mà còn để tinh thần (spirit) hướng dẫn việc làm của họ nữa. Điều này chúng ta gọi là dâng hiến chính mình cách trọn hảo.
Vì lý do này mà không có nhiều Ki-tô hữu dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa? Có những tu sĩ nam, nữ dâng cả con tim, tâm hồn, ý muốn của mình để làm vinh danh Thiên Chúa. Đây là luật yêu thương trọn hảo, và điều này liên quan đến việc trở thành tu sĩ.
Nhưng chỉ là những tu sĩ thôi sao? Không. Phần lớn các Ki-tô hữu vẫn đang đi trên con đường này và trên con đường bình thường khác. Thậm chí một người đang sống trong thế giới này vẫn có đời sống trọn hảo, mặc dù họ không sống trong đời sống tu Dòng, đời sống và sự dâng hiến có thể giống nhau.
Trên thế gian này thực sự có nhiều người đạo đức. Họ phục vụ Chúa hết mình giống như trong đời sống của những Dòng tu. Thậm chí tôi có thể nói rằng họ phục vụ tốt hơn cả tu sĩ. Nếu có một điều gì đó kém hơn về mặt bên ngoài, thì nó sẽ được bổ sung về khía cạnh bên trong. Chúng ta sẽ ở đâu nếu không có ai đó theo đời sống phục vụ Thiên Chúa? Trong mọi lối sống, chúng ta thấy nơi chị Mát-ta và Ma-ri-a. Các ngài đã dâng hiến chính mình để suy niệm tình yêu. Không phải ai cũng có được sự nhiệt huyết này của các ngài. Bởi vì khi một nấc thang bị lấy đi, thì (cái thang ấy) không còn vững chắc nữa; rồi có những nhiệm vụ trong gia đình mà nó gắn kết mọi thành viên lại với nhau, ngay cả những người nhiệt tình nhất. Mọi người, nếu anh ta muốn, sẽ đạt được đỉnh cao của tình yêu. Anh ta có thể đạt được nếu anh ta dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa theo hoàn cảnh sống của anh ta […] Người đánh giá tình yêu chứ không phải quà tặng. Đức Trinh nữ Maria cực thánh đã dâng hiến mình cho Thiên Chúa hơn bất cứ người nào. Nhưng ngài hoàn toàn không làm những điều vĩ đại nhất hoặc có những việc hành xác ghê sợ nhất. Chính tình yêu của ngài đã giúp ngài làm mọi thứ trở nên vĩ đại. Vì thế, chính tình yêu làm nên công trạng, chứ không phải việc làm9.
Cha Eymard đưa ra con đường để nên thánh bằng nguyên lý tình yêu qua món quà tự hiến (gift of self), chứ không phải là do đặc quyền dành riêng cho tu sĩ Dòng của ngài, nhưng cho tất cả linh mục (thiết nghĩ cả tu huynh, phó tế ) lẫn giáo dân. Ở đây chúng ta lại bắt gặp chủ đề về những suy tư này: đời sống thánh thiện, thánh hiến cho Thiên Chúa khởi đi từ Thánh Thể được cụ thể hóa qua việc dâng hiến chính mình dựa theo đời sống riêng của mỗi người.
Nếu bạn hiểu rõ suy tư này, bạn sẽ bắt đầu một lối sống đạo đức mới, nhưng không nằm ở trong chính sự suy tư mà nằm trong thực tế. Bởi vì bất kỳ ai biết Chúa, sẽ nhận ra rằng mình phải cố gắng nên hoàn thiện, được Ngài nuôi dưỡng. […]người ấy không chỉ hy sinh thứ mình có, mà hy sinh cả chính con người của mình. Do vậy, nó là nhân đức của bạn.10
Nhưng cụ thể, món quà tự hiến này dâng cho ai và như thế nào? Đương nhiên, trước tiên, món quà ấy là phải dành cho Chúa, rồi tiếp đến là những anh chị em xung quanh.
Món quà ấy được diễn tả ở ba cấp độ: dâng hiến chính mình để phục vụ những người yếu thế nhất: người nghèo, những người bị bỏ rơi, những người bị coi thường; dâng hiến chính mình để phục vụ Giáo hội: rao truyền Phúc Âm, dạy giáo lý, đối thoại liên tôn…; dâng hiến chính mình mà các tu sĩ – những cộng đoàn của họ và cơ cấu của họ
– tạo nên bằng việc tình nguyện giúp đỡ những người đang tìm kiếm một nơi yên bình, một nơi cho việc đối thoại và thách đố, một nơi mà họ tìm thấy một ai đó biết lắng nghe, một nơi để trải nghiệm đời sống thiêng liêng nơi đây người ta sẽ tìm thấy chính mình và có được lời giải đáp cho cuộc đời của họ. (Tại sao, đúng thế, có một vài tu viện được (người ta) tìm đến? Và chúng ta?)11
Cha Eymard đã từng bước đi vào con đường của Thánh Thể, có nguyên lý tình yêu dẫn dắt, để rồi chính nguyên lý ấy thôi thúc cha làm một cuộc cách mạng (có thể nói như thế với bản thân cha) trong đời sống và ơn gọi của mình. Đỉnh cao của cuộc cách mạng ấy chính là lời khấn dâng hiến chính mình vào ngày 21 tháng 3 năm 1865. Quà tặng bản thân hay lời khấn dâng hiến chính mình là cách mà cha Eymard muốn gửi gắm đến con cái trong gia đình của ngài, một lời trăn trối cho thế hệ hậu sinh chinh phục đỉnh trọn lành. Bằng chính gương sống, cha Eymard dường như muốn nói lên: con đường nên thánh chính là con đường xuất hành ra khỏi con người cũ kỹ của mình, để khoác lên một con người mới, như thánh tông đồ Phao-lô đã từng nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải tôi sống, mà chính Đức Ki-tô sống trong tôi” (x. Gl 2,20). Xuất hành để trở nên một Alter-Christus (Đức Ki-tô khác), cách riêng, đối với các thành viên của gia đình Eymard, xuất hành để luôn luôn tiến bước giống như Đấng Sáng Lập: “Tôi hơi giống với tổ phụ Gia-cóp, luôn luôn lên đường”, hầu có thể đạt đến cùng đích của đời sống Ki-tô hữu: Đức Giê-su Ki-tô.
Tạm kết
Điều gì khiến người ta thực hiện được những việc lớn lao? Thưa, đó chính là khát vọng. Khi khát vọng hướng về một mục đích cao đẹp ngày càng lớn mạnh nơi tâm hồn, lòng nhiệt thành sẽ rạo rực và khiến con người có đủ sức mạnh thực hiện nhiệm vụ, dầu có khó khăn và đầy những gian truân. Thánh Âu-tinh, vị tiến sĩ lỗi lạc của Giáo hội, cũng mang trong mình nỗi khát vọng, đó là: “Domine, noverim te noverim me” (xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con). Quá khứ đen tối không làm thánh nhân chùn bước, mà trái lại, nó như kinh nghiệm quý báu và lực thúc đẩy để thánh nhân vươn lên tới Chúa là “vẻ đẹp cổ xưa và hiện đại”12. Thánh nhân đã từng tâm niệm: “Ông này bà nọ làm được, mà tôi không làm được hay sao”. Chính khát vọng nơi thánh nhân đã khiến ngài thực hiện một cuộc xuất hành, và ngài đã đạt đến đỉnh tình yêu: “Con yêu Chúa quá muộn màng, Ngài ở trong con mà con lại cứ đi tìm Ngài ở bên ngoài”13. Dầu muộn màng, nhưng khát vọng được sống trong tình yêu đã làm thánh Âu-tinh no thỏa ân tình.
Với cha Eymard, khát vọng phụng sự cho Nhiệm tích Thánh Thể đã biến ngài trở thành một ngôi sao sáng, dẫn đường cho hết thảy mọi người, không chỉ thời đại ngài, mà còn thời đại chúng ta nữa. Trong phần phụ đề của đoạn film phong thánh cho ngài có đoạn viết: “Chưa bao giờ trong lịch sử Giáo hội có một lễ phong thánh nào gây ấn tượng mạnh với sự tham dự của đông đảo các chức sắc trong Giáo hội như thế”. Được như vậy, trước hết là do ân sủng Chúa ban cho tôi tớ của Ngài, nhưng đồng thời cũng do chính khát vọng của cha, một khát vọng chân chính. Khát vọng ấy xâm chiếm trọn cuộc đời cha, khát vọng ấy định hình con người của cha, khát vọng ấy thắp lên nơi cha một ý chí vươn lên. Và nơi khát vọng ấy, dấu ấn Thánh Thể được khắc ghi sâu đậm. Eymard nhận được phần thưởng Chúa dành cho những tôi trung đích thực của Ngài, vì công khó và vì tình yêu dành cho lý tưởng cao vời. Cha xứng đáng với danh hiệu “vị tông đồ trổi vượt của Nhiệm tích Thánh Thể” như lời của ĐTC Gioan XXIII (nay là thánh Giáo hoàng Gioan XXIII) đã công bố trong Thánh lễ tuyên dương hiển thánh vào ngày 9 tháng 12 năm 1962. ĐTC cũng nói thêm: “Bên cạnh một Vinh-sơn Phao-lô, một Gioan Eudes, một cha sở họ Ars, thì hôm nay Phê-rô Giu-li-a-nô Eymard cùng sánh vai với những vì sao chói lọi ấy…”
Chúng ta, những thành viên của gia đình mang tên vị thánh của Thánh Thể, quả thực cũng được thơm lây vì cha của mình được Thiên Chúa đoái thương và Giáo hội tôn kính. Tuy nhiên, điều mà cha thánh mong muốn hơn cả, đó là: con cái của ngài hãy tiếp tục thắp lửa khát vọng và biến khát vọng ấy thành hiện thực giống như ngài. Cha thánh chắc chắn vẫn mong muốn cho con cái mình, những thành viên của gia đình Eymard, phải là những người tiếp tục đọc ra dấu chỉ của thời đại và tiếp tục làm cho khát vọng của ngài sống mãi. Những gì cha thánh đã làm, nay chính ngài cũng muốn mỗi chúng ta hãy làm. Hơn nữa, theo đường hướng của Giáo hội hôm nay, chắc chắn cha thánh cũng muốn từng thành viên trong gia đình cùng hiệp hành trong một sứ vụ chung, để làm cho khát vọng phụng sự Thánh Thể cứ mãi sống động và rạo rực lửa mến. Mong thay…
Dịp kỷ niệm tuyên dương hiển thánh của Đấng Sáng Lập sẽ ý nghĩa hơn khi chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa tiếp tục thắp lên khát vọng nơi chúng ta, và xin thánh tổ phụ cũng chuyển cầu cho con cái của ngài, đồng thời xin cho từng thành viên trong gia đình luôn được sinh động từ chính tinh thần của Đấng Sáng Lập.
Là những môn đệ của cha Eymard, chúng ta giành được chỗ đứng trong lịch sử khi dõi mắt nhìn ngài. Cha chính là “ngôi sao chỉ đường” của chúng ta, chỉ lối và giúp chúng ta trung thành với sứ vụ Thánh Thể của cha. Khởi đầu Ngàn Năm Thứ Ba, có nhiều thách đố đang chờ đợi chúng ta, nhưng mẫu gương của cha cũng như sự chuyển cầu của cha giúp chúng ta vững tin và thôi thúc chúng ta hướng ra biển cả trong sứ vụ của mình với lòng can đảm và sự sáng tạo. Cùng đi với chúng ta sẽ là một thế hệ giáo dân mới, có cha Eymard làm người dẫn đường đáng tin cậy, giúp họ sống trung thành với Đức Ki-tô trên hành trình sống phúc âm được gợi hứng từ Thánh Thể.
Ước gì dịp kỷ niệm phong thánh của cha Eymard sẽ là dịp để chúng ta lại ngước nhìn lên và hướng về cha. Dưới vòm trời chói lọi của các thánh nhân, ánh sao của cha vẫn chiếu rọi với một ánh sáng sống động, mời gọi chúng ta lần theo dấu vết chói lọi trong kinh nghiệm thiêng liêng của cha, trong tình yêu vô điều kiện mà cha dành cho Đức Ki- tô, trong niềm tin sống động của cha vào Thánh Thể, trong món quà tự hiến của cha dâng lên Chúa bằng tình yêu, trong đời sống cầu nguyện thâm sâu và hoạt động tông đồ không ngừng nghỉ, trong khả
năng diễn tả phi thường về sức năng động của Thánh Thể với một tầm nhìn sống động14.
Thứ năm sau Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng, 1/12/2022
Cát Bụi,sss