+ Am 7,12-15; Ep 1,3-14 (hoặc Ep 1,3-10a); Mc 6,7-13.
Với sự sai đi và với quyền năng trừ quỷ của Giêsu ban cho, các môn đệ và giáo hội nhận được một sứ mạng mới, sứ mạng loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa, và sứ mạng trừ khử thần dữ trong thế giới.
Hành trang đi đường: cây gậy, đôi dép, không mang hai áo. Ý nghĩa ở đây là những kẻ được sai đi phải là những con người thanh thoát, không cồng kềnh nặng nề với của cải vật chất để có thể luôn sẵn sàng lên đường ra đi cho sứ vụ.
Các môn đệ được tham dự vào ba chức năng tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Giêsu. Cây gậy của vương đế, đôi dép của tiên tri, và tấm áo của tư tế.
“Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.”
Ở đây, trong đoạn phúc âm của Mác-cô, với chỉ thị này Giêsu muốn đặt nền tảng cho nguyên tắc sai đi của Ngài. Nguyên tắc đó là gì vậy?
“Không được mang gì đi đường”, nghĩa là phải từ bỏ của cải và không còn có nhu cầu gì cả. Đó là nguyên tắc rất triệt để. Như vậy, trong bối cảnh xã hội thời đó, thì người môn đệ của Giêsu còn phải triệt để hơn cả những nhà triết gia Kyniker, những nhà thuyết giảng khắc khổ đi khắp mọi nơi. Và khi các triết gia Kyniker đi, thì họ không có nhu cầu gì cả, nhưng họ có đem theo gậy, túi xin tiền và chiếc áo mantel giành cho nhà triết gia. Còn các môn đệ của Giêsu thì có gậy đấy, nhưng không có túi xin tiền hay ba lô hay túi ngủ gì cả, và cũng chẳng có tiền buộc bụng, đến cả của ăn đàng cũng không có nữa. Dù vậy, có áo, nhưng chỉ là một thôi chứ không phải là hai hay là ba.
Không mang lương thực đi đường, không bánh trái gì cả. Điều này còn vượt trội hơn các triết gia khắc khổ Kyniker thời đó, vì khi họ ra đi thì họ đem theo bánh, trái vải và bình nước. Như vậy, người loan báo tin mừng của Đức Kitô sẽ hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, và cũng tự do và khiêm nhường đón nhận tất cả những gì anh chị em ban cho mình. Ai cho ăn gì thì ăn nấy. Ai cho ly nước thì uống nước, ai mời tách trà thì sẵn sàng ngồi lại nhâm nhi. Thật đơn sơ và giản dị.
Giản dị hơn nữa, khi chẳng đem theo bao bị, chẳng có ba lô trên vai. Rũ bỏ tất cả. Tự do hoàn toàn. Không vương vấn điều gì, không giữ lại sự gì cả. Như vậy, thì không chỉ chân rảnh, mà tay cũng rảnh, người cũng nhẹ và đầu óc cũng trở nên trống rỗng hoàn toàn, để tất cả cho Tin Mừng mà thôi.
Tất cả vì Tin Mừng nên tiền bạc cũng chẳng màng tới. Và nhờ vậy mà tránh được biết bao nhiêu phiền toái tiền bạc có thể gây ra. Không tham lam, không thu gom, không cất giữ, đỡ phải mệt mỏi ôm đống tiền trong lòng, đỡ phải phí phạm chẳng đáng gì. Hơn nữa, trong xã hội Đông Phương thời đó, thì khi không mang tiền bạc trên mình, sẽ tránh được sự trấn lột của kẻ cướp qua đường.
Người ta kể rằng: có một đệ tử muốn từ bỏ mọi sự của thế gian để sống tu trì. Anh quyết định vào rừng vắng sống ẩn tu. Hành trang duy nhất anh mang là chiếc áo ăn mày để khất thực sống qua ngày.
Ngày kia, anh đau đớn vô cùng khi thấy chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn nát tả tơi. Không còn cách nào khác, anh phải vào trong làng xin một chiếc áo khác. Chiếc áo thứ hai này cũng bị cùng chung số phận, nát tả tơi vì chuột cắn. Anh nghĩ rằng chỉ có nuôi mèo mới giữ được chiếc áo. Anh quyết định nuôi mèo. Thế nhưng, khi có mèo anh lại phải lo kiếm thêm phần ăn cho con mèo được nuôi để đuổi chuột.
Ngày ngày vác bị đi khất thực, anh cảm thấy mình như một gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ thế, anh cố gắng chắt chiu để kiếm tiền nuôi một con bò để thêm phần thu nhập. Nhưng có bò lại phải kiếm cỏ cho bò ăn. Chăn nuôi gia súc khiến anh không thể có thời giờ cầu nguyện, anh lại phải thuê người cắt cỏ nuôi bò. Càng ngày bò càng sinh sản, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Thời gian trôi qua, mảnh đất hoang sơ đã biến thành một trang trại rộng lớn. Gia súc và người làm ngày càng thêm đông. Con người đã một thời muốn từ bỏ mọi sự để trở thành một tu sĩ, nay nghiễm nhiên trở thành một ông chủ trang trại.
Có tiền của và tài sản to lớn, anh lại muốn có người chia sẻ công việc của mình. Anh cưới vợ và sinh con. Anh trở thành một người chồng, người cha trong một gia đình hạnh phúc. Thế là lý tưởng ban đầu đã hết. Anh đã đánh mất lý tưởng chỉ vì mải lo gìn giữ một “cái áo rách”.
Chuyện có vẻ hoang đường nhưng lại là thật. Ma quỷ thường cám dỗ từng bước. Ma quỷ thường gợi lên những điều hay, điều tốt để dẵn dắt con người đi theo chương trình của nó. Adam – Evà đã nhìn thấy trái táo thơm ngon mà quên đi thân phận phải vâng lời Thiên Chúa. Khi tỉnh lại chỉ còn thất vọng và hổ thẹn lương tâm. Người tu sĩ đã lạc bước khi quá bận tâm đến nhu cầu vật chất, đến đồng tiền bát gạo, khiến tâm hồn anh không còn thời giờ để vun đắp, định hướng cho hướng đi của mình. Cái thất bại của anh thật tẻ nhạt, chỉ vì mải lo gìn giữ một “chiếc áo rách”.
Thực vậy, vì tiền bạc, mà người ta có thể đánh mất lý tưởng cuộc đời. Vì tiền mà “nhân chi sơ tính bổn thiện” đã không còn. Vì tiền mà người ta có thể chối bỏ niềm tin. Đó là nguy cơ mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào.
Đó là bài học cho tất cả chúng ta. Đồng tiền thật cần thiết cho cuộc sống nhưng không phải là cứu cánh cho cuộc đời. Đừng quá lệ thuộc vào của cải vật chất. Nó chính là con dao hai lưỡi có thể làm hại cuộc đời chúng ta, nếu không khôn ngoan, sáng suốt để nhận định đúng giá trị của nó. Chúng ta cần can đảm để trong khi mưu tìm của cải vật chất, chúng ta có đủ nghị lực khước từ mọi hành vi bất chính, mọi thoả hiệp với lừa đảo, gian trá của thế gian.
Chúa sai các ông đi từng hai người, như vậy, Chúa đã thiết lập những cộng đoàn nhỏ. Các ông là những chứng nhân, và chứng nhân càng nhiều thì càng có giá trị. Một cộng đoàn, bao giờ cũng có lợi hơn là một người đơn độc. Trong cộng đoàn người ta nhắc nhở nhau, nâng đỡ nhau sống trung thành với luật Chúa, nhất là việc làm chứng tình thương của Chúa ngay trong cộng đoàn. Chúa đòi hỏi các Tông đồ phải nhất thiết trở nên mẫu mực về tình bác ái huynh đệ. Và làm sao thực thi bác ái được, nếu mỗi người chỉ sống một mình. Dân chúng thời các tông đồ đã nhận ra dấu chứng này nơi cộng đoàn tín hữu đầu tiên: “Coi kìa, họ yêu thương nhau biết bao!”. Và đó cũng là định hướng của chính Đức Kitô: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là thấy các con yêu thương nhau”. Cuộc sống yêu thương trong cộng đoàn vừa là dấu hiệu của người môn đệ Chúa, vừa là lời rao giảng sống động, hùng hồn nhất về Tin Mừng của Chúa.
Chúa Giêsu kêu gọi các thánh Tông đồ, đào tạo họ trong tinh thần truyền giáo và sai họ đi rao giảng Tin Mừng. Tất cả đều nhắm mục đích thực hiện kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã chu toàn sứ mệnh và Người còn kêu gọi ta tiếp tục sứ mệnh của Người nếu ta sống tất cả những ân sủng đã lãnh nhận được từ kế hoạch yêu thương ấy. Ý thức sứ mệnh tông đồ và truyền giáo ta được chia sẻ với Chúa Kitô, ta cố gắng sống cuộc đời Kitô hữu gương mẫu, để không chỉ rao giảng bằng lời nói, nhưng bằng việc làm và qua những giao tiếp đầy tình thương bác ái với anh chị em.
Huệ Minh