Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường Niên C. (Lc 10, 25-37)
Chúng ta đang sống giữa một xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân. Tình liên đới và lòng thương cảm như đã mất dần! Người ta xây lên những bức tường cao và cổng dày để ngăn cách giữa nhà họ với hàng xóm. Hơn nữa, người ta còn khép kín và đóng cửa trái tim với những người xa lạ, người gặp nạn trên đường vì họ sợ phải liên lụy…! Thế nhưng, hôm nay Chúa Giêsu mời gọi tất cả chúng ta “Hãy yêu mến tha nhân như chính mình và hãy là người thân cận của những ai đang mang thương tích, đau khổ.” Có chạnh lòng thương và làm như vậy, chúng ta mới có sự sống. Được sống hạnh phúc và có sự sống đời đời, đó là ước mơ của mỗi Kitô hữu. Cuộc sống ấy phải được xây dựng và bắt đầu ngay tại trần thế này khi ta biết sống yêu thương.
“Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Người thân cận của tôi đó là người tôi đến gần với tình yêu, bạn hay kẻ thù, người di dân, người đói rách ăn xin, trẻ em hay người già cả, người tốt hay kẻ xấu… Cùng làng xóm với tôi hay không; cùng niềm tin tôn giáo, chính kiến, màu da, văn hóa, thói quen, suy nghĩ hay khác tôi. Những người đang đau khổ vì cô đơn, đói khát, bệnh tật, bị bỏ rơi hay tổn thương tâm hồn. Những người ấy rất cần giúp đỡ! Nhưng tôi, tôi có mở lòng và sẵn sàng lại gần hay sợ bị liên lụy, phiền toái? Sợ bị lừa, mất mát, tốn phí thời gian, tiền của… Sợ bị chế nhạo, bị lợi dụng, xâm hại…? Tất cả những cái sợ này còn đó chỉ vì chúng ta chưa có tình yêu, thiếu lòng cảm thông và thương xót!
“Người thân cận… chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người bị nạn.” Hôm nay vẫn còn đó lời mời gọi và cũng là thách đố của Chúa Giêsu với mỗi người chúng ta về người Samari nhân hậu. Ông thấy, chạnh lòng thương, đến bên cứu giúp, xức dầu và rượu, băng bó và cưu mang người bị thương tích bên lề đường, mà không cần chất vấn về nguồn gốc hay tôn giáo. Đưa người bị nạn về quán trọ, ông không ra đi ngay nhưng chăm sóc hết ngày hôm đó, cả đêm và mãi tới sáng hôm sau với sự ân cần nồng nhiệt. Tình yêu không nhiều lời, không nệ luật, nhưng hành động cụ thể và mạo hiểm, chấp nhận mọi liên lụy.
“Hãy đi và cũng hãy làm như vậy.” Dụ ngôn người Samari nhân hậu nhắc nhớ chúng ta về dụ ngôn cuộc phán xét chung mà tình yêu trở nên tiêu chuẩn quyết định dứt khoát về những hành động và cuộc sống của một người có giá trị hay không (Mt 25, 31-46). Chúa Giêsu cho chúng ta biết rõ những người đang cần giúp đỡ đó là: Những người đói, người khát, những khách lạ, người không áo mặc, những người đau yếu bệnh tật, những người bị tù đày… Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân được diễn tả bằng một tình yêu bổ sung cho nhau. Chúng ta không thể yêu mến Chúa hết lòng mà lại không yêu tha nhân. Chính Thánh Gioan đã khẳng định “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.“(1Ga 4, 20-21)
Thực tế cuộc sống hôm nay dường như con người ngày càng vô cảm! Người ta dửng dưng với những đau thương của người bên cạnh, ngay cả người thân trong gia đình mình chứ chưa nói đến người hàng xóm, người gặp nạn trên đường. Đây đó ta vẫn bắt gặp những cảnh đau thương mà người bị nạn kêu cứu…nhưng người xem thì nhiều mà người cứu giúp thì không! Hay thương tâm hơn là những tài xế vô cảm cán chết người, hoặc những người con đối xử tệ bạc với cha mẹ dù đau bệnh, già lão nhưng nghèo nên con cái không chăm sóc, không cứu chữa! Thế nhưng, phần chúng ta, Lời Chúa thúc bách ta hãy đi và thương xót tha nhân như người Samari. Hãy tỏ tình yêu mến với những người xung quanh chúng ta, những người trong gia đình, những người chúng ta gặp gỡ trên đường, nơi làm việc… Không ngoảnh mặt làm ngơ trước những nỗi khốn cùng của người khác, nhưng mở lòng ra và bỏ đi tính ích kỷ, những thành kiến của mình để chạnh lòng thương. Ước mong sao mỗi Kitô hữu luôn mang trong mình tâm tình của chính Chúa Kitô, Đấng giàu lòng xót thương, Đấng đã làm người thân cận của tất cả nhân loại. Để rồi chúng ta cũng biểu lộ lòng thương xót và gieo tình yêu với những ai chúng ta sống cùng. Vậy ta có thể là anh em của tất cả mọi người chứ?
Cầu mong sao trên những con đường của chúng ta còn có nhiều trái tim yêu thương. Làng xóm và xứ đạo của ta còn những trái tim trên bàn tay sẻ chia nâng đỡ. Và xã hội của ta còn những người Samari chạnh lòng thương chăm sóc người thân cận của họ. Bởi vì tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Cụ thể, chúng ta cầu xin Chúa cho ta và mọi người biết thực sự nhìn thấy và chạnh lòng thương, mở trái tim và rộng tay chia sẻ, cứu giúp anh chị em đang phải chịu khốn khổ nhiều cách…!
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết yêu mến Chúa hết lòng và xin biến đổi tâm hồn chúng con, để chúng con biết nhạy bén nhìn thấy và rung cảm trước những nỗi đau thương của anh em chúng con. Amen.
Sr. Dã Quỳ