Đức Thánh Cha Phanxicô:
Thiên Chúa kiên nhẫn;
Chúa thiết lập Nước Người bằng sự hiền lành
Thiên Chúa không thiếp lập Nước Chúa bằng bạo lực, đe dọa, nhưng bằng sự kiên nhẫn, lòng thương xót và hiền lành. Chúa Giêsu không chiêu dụ tín đồ, nhưng Người chỉ đơn giản loan báo tin vui cứu độ
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 06.03 dành cho hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục bài giáo lý về Kinh Lạy Cha, suy tư về lời cầu xin thứ hai trong Kinh này: “xin cho Nước Cha hiển trị” (Mt 6,10). Ngài mời gọi các tín hữu kiên trì cầu xin và sẽ được đáp lời. Sau đây là bài giáo lý của , Đức Thánh Cha.
Sau khi đã cầu xin cho Danh Chúa hiển sáng, tín hữu diễn tả mong ước Nước Chúa mau đến. Ước mong này xuất phát từ chính tâm tình của Chúa Kitô, Đấng đã bắt đầu rao giảng tại Galilea và loan báo: “Thời giờ đã mãn và Nước Chúa đã gần; anh em hãy hoán cải và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15). Những lời này không phải là một lời đe dọa, nhưng ngược lại, nó là một tin vui, một sứ điệp của niềm vui.
Chúa Giêsu không đe dọa hay chiêu dụ
Chúa Giêsu không muốn thúc đẩy dân chúng hoán cải bằng cách gieo rắc sự sợ hãi về cuộc phán xét mà Thiên Chúa sẽ thực hiện hay hình phạt dành cho điều ác đã phạm. Chúa Giêsu không chiêu dụ tín đồ: Người chỉ loan báo một cách đơn giản. Trái lại, điều mà Chúa mang đến là Tin Mừng cứu độ và bắt đầu từ Tin Vui này, ngài mời gọi hoán cải.
Tin vui: Thiên Chúa yêu thương và ở gần chúng ta
Mỗi người được mời gọi tin vào “Tin Mừng”: vương quốc của Thiên Chúa đã đến gần các con cái của Người. Đây là Tin Mừng: Nước của Thiên Chúa trở nên gần gũi với con cái của Người. Và Chúa Giêsu tuyên bố điều kỳ diệu này, ân sủng này: Thiên Chúa, là Cha, yêu thương chúng ta, ở gần chúng ta, và dạy chúng ta đi trên con đường nên thánh.
Dấu hiệu tích cực của Nước Chúa
Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Nước Chúa đã đến và tất cả đều là những dấu hiệu tích cực. Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Người khi chữa lành các bệnh tật, cả về thể xác cũng như tinh thần, của những người bị xã hội loại trừ, ví dụ như những người bị phong cùi, của các tội nhân bị mọi người khinh bỉ, ngay cả bởi những người tội lỗi hơn họ nhưng giả bộ như là những người công chính. Chúa Giêsu đã gọi những người đó là gì? “Là những kẻ giả hình.” Chính Chúa Giêsu chỉ cho thấy các dấu hiệu này, những dấu hiệu của Nước Chúa: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng (Mt 11,5).
Thế giới vẫn còn mang dấu vết tội lỗi và sự ác
Chúa Giêsu đã đến nhưng thế giới vẫn còn mang dấu vết của tội lỗi, vẫn đầy những người đau khổ, những người không hòa giải và tha thứ cho nhau, vẫn còn chiến tranh và rất nhiều hình thức bóc lột: ví dụ chúng ta nghĩ đến các vụ buôn bán trẻ em. Tất cả những hiện thực này là bằng chứng rằng chiến thắng của Chúa Kitô chưa hoàn toàn hiện thực: nhiều người nam nữ còn vẫn đang sống với tâm lòng khép kín. Nhất là trong những hoàn cảnh này, lời cầu xin thứ hai “Xin cho triều đại Cha mau đến!” phát ra từ môi miệng người Kitô hữu. Như là muốn nói: “Nhưng lạy Chúa Cha, chúng con cần Chúa; Chúa Giêsu ơi, chúng con cần Ngài; chúng con cần Ngài là Chúa ở giữa chúng con, mọi nơi và mọi lúc.” “Xin cho Nước Chúa hiển trị”, “xin Chúa ở giữa chúng con.”
Thiên Chúa kiên nhẫn; Người thiết lập Nước Chúa bằng sự hiền lành
Đôi lần chúng ta tự hỏi: tại sao Nước Chúa lâu được hiện thực thế này? Chúa Giêsu thích nói về chiến thắng của Người bằng ngôn ngữ của các dụ ngôn. Ví dụ, Chúa nói rằng Nước Chúa giống như một ruộng lúa, nơi mà cả lúa tốt và cỏ lùm mọc lên xen lẫn với nhau. , Đức Thánh Cha giải thích: Sai lầm tồi tệ nhất là muốn can thiệp ngay lập tức để xóa sạch khỏi thế giới những người mà đối với chúng ta, giống như là cỏ dại. Thiên Chúa thì không giống như chúng ta, Chúa kiên nhẫn. Người không thiết lập Vương quốc của Người bằng bạo lực: cách thức rao truyền của Chúa là sự hiền lành (x. Mt 13,24-30).
Nước Chúa không mạnh mẽ theo tiêu chuẩn của thế gian
Nước Chúa chắc chắn là một sức mạnh lớn lao, sức mạnh lớn nhất, nhưng không theo tiêu chuẩn của thế gian; đây là lý do tại sao nó dường như không bao giờ là sức mạnh tuyệt đối. Nó giống như men được nhào trong bột: có vẻ như nó biến mất, nhưng thật ra là nó làm cho cả khối bột lên men (x. Mt 13,33). Hoặc là Nước Chúa giống như một hạt cải, nhỏ tí xíu, hầu như là không thể nhận ra, nhưng thực ra nó mang trong mình sức mạnh bùng nổ của thiên nhiên, và một khi lớn lên, nó trở thành cây lớn nhất trong tất cả các cây trong vườn (x. Mt 13,31-32).
Mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu – hạt lúa mì chết đi để sinh bông hạt
Trong ý nghĩa như thế của Nước Thiên Chúa, chúng ta có thể nhìn ra được câu chuyện về cuộc đời của Chúa Giêsu: chính Chúa cũng là một dấu hiệu mỏng manh đối với những người đương thời của Người, một sự kiện gần như không được các nhà sử học thời đó biết đến. Người đã tự định nghĩa mình là một “hạt lúa mì” chết trong đất, nhưng chỉ bằng cách này, nó mới có thể mang lại “nhiều bông hạt” (x. Ga 12,24). Biểu tượng của hạt giống thật hùng hồn: một ngày kia người nông dân gieo nó trên đất (một cử chỉ giống như là chôn vùi đi) và rồi, “ông ta ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống vẫn nảy mầm và lớn lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết” (Mc 4,27). Thiên Chúa luôn biết trước, Thiên Chúa luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Nhờ Người, sau cái chết vào đêm Thứ Sáu Thánh, có một bình minh Phục sinh có thể chiếu sáng niềm hy vọng của toàn thế giới.
Lời cầu xin chứa đựng niềm hy vọng
“Xin cho triều đại Chúa mau đến!” Chúng ta hãy gieo vãi những lời này giữa tội lỗi và sai lầm thất bại của chúng ta. Chúng ta hãy trao tặng nó cho những người bị gục ngã và đau khổ vì cuộc sống, cho những người đã nếm trải nhiều thù hận hơn là tình yêu, cho những người đã sống những ngày vô ích mà không bao giờ hiểu tại sao. Chúng ta hãy trao nó cho những người đã chiến đấu cho công lý, cho tất cả các vị tử đạo của lịch sử, cho những người kết luận rằng họ đã chiến đấu cách vô nghĩa và sự ác vẫn luôn thống trị trên thế giới này. Sau đó, chúng ta sẽ nghe Kinh Lạy Cha đáp lại. Nó sẽ lặp lại vô vàn lần những lời hy vọng đó, cũng chính là những lời mà Chúa Thánh Linh đã ghi dấu ấn trong tất cả các sách Kinh thánh: “Đúng, Ta sẽ mau đến!” Đó là lời đáp lại của Chúa. “Ta sẽ mau đến”. Amen. Và Giáo hội của Chúa thưa lại: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” Và Chúa Giêsu đến, tất cả mọi ngày, nhưng theo cách thức của Người. Chúng ta tin tưởng điều này. Và khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta sẽ cầu nguyện bằng Kinh lạy Cha, chúng ta luôn thưa: “Xin cho Nước Chúa hiển trị”, để được nghe trong tim mình lời đáp lại của Chúa: “Có, có, Ta đến và Ta đến mau.”
Hồng Thủy – Vatican