Tội nhiều, được tha nhiều,
nên yêu mến nhiều
(Lc 7, 36-50)
Dựa vào bản văn Tin Mừng, chúng ta nên dành nhiều thì giờ để hình dung ra diễn biến của câu chuyện:
- Bước thứ nhất : cử chỉ của người phụ nữ dành cho Đức Giê-su. Trong khi mọi người, trong đó có Đức Giê-su và người Pha-ri-sêu tên là Simon, đang dùng bữa, người phụ nữ đột ngột xuất hiện sát bên chân Đức Giê-su; mọi người, trong đó có Đức Giê-su hướng về người phụ nữ này, nhưng không có cùng một cái nhìn.
- Bước thứ ba : cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và ông Simon về người phụ nữ.
- Bước thứ ba: lời nói của Đức Giê-su dành cho người phụ nữ.
* * *
A (c. 36-38): Cử chỉ của người phụ nữ dành cho Đức Giê-su
B (c. 39-47) |
a (c. 39): Ông Simon nói với Đức Giê-su về người phụ nữ b (c. 40-43): Dụ ngôn a’ (c. 44-47): Đức Giê-su nói với |
A’ (c. 48-50): Lời nói của Đức Giê-su dành cho người phụ nữ
* * *
Theo cách phân đoạn nêu trên, dụ ngôn khởi đầu bằng những cử chỉ lạ lùng của người phụ nữ dành cho Đức Giê-su (c. 36-38) và kết thúc bằng cách hiểu sâu sa, sự đón nhận và sự xác nhận công khai của Đức Giê-su (c. 48-50).
Dụ dụ ngôn nhỏ bé (c. 40-43), nhưng lại ở vào vị trí trung tâm của trình thuật Tin Mừng và diễn tả cách rõ ràng, tuyệt vời và tuyệt đối về lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Ki-tô.
Tất cả những phần khác, những yếu tố, những khó khăn hay những điều không rõ khác, phải qui về, được soi sáng và được hiểu xoay quanh dụ ngôn nhỏ bé, nhưng có ý nghĩa lớn lao này.
I. Người phụ nữ và Đức Giê-su (c. 36-38)
a. Người phụ nữ
Chúng ta hãy nhìn ngắm người phụ nữ, lắng nghe tiếng khóc (và tiếng lòng nữa) của chị, và quan sát chị thật chăm chú, vì ngôn ngữ của chị là cử chỉ. Ngoài tiếng khóc, chỉ có cử chỉ mà thôi. Chúng ta nghe lời tác giả Tin Mừng nói về chị nữa : « chị vốn là người tội lỗi trong thành », nghĩa là cuộc đời của chị, tương quan của chị với mọi người, tất cả đều đổ bể ; nhưng chị lại quan tâm đến Đức Giê-su và biết được Ngài đang hiện diện ở đây. Ngoài ra, chúng ta phải ngửi nữa (phương pháp áp dụng ngũ quan vào trong cầu nguyện) : mùi thơm của dầu, mùi thơm của tình yêu, của ơn tha thứ, của sự sống mới.
Khi quan sát, chúng ta đừng bỏ qua một chi tiết nào, vì Tin Mừng mô tả rất kỹ và mỗi chi tiết đều mang nặng ý nghĩa và nặng tình nghĩa nữa : chị đi vào nhà mạnh dạn có lẽ chỉ toàn đàn ông, không mặc cảm sợ hãi (điều gì làm chị mạnh dạn, can đảm như thế ?), tay cầm bình bạch ngọc đựng dầu thơm (là điều rất giá trị ; nhưng hãy vượt qua giá trị vật chất để tự hỏi : bình bạch ngọc có nghĩa gì ? dầu thơm có nghĩa gì ? Những điều này tượng trưng cho điều gì ?), chị đứng đàng sau, sát bên chân Đức Giê-su mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người (hẳn là khóc dữ lắm, thì mới đủ « nước » tưới), chị lấy tóc mình mà lau (không thể tưởng tượng được!), rồi hôn chân người (quá sức tưởng tượng!), sau cùng, mới lấy dầu thơm và đổ lên.
Hãy khám phá ra ý nghĩa của những cử chỉ lạ lùng này, và nhất là khám phá ra tâm tình của đôi tay, của ánh mắt, của con tim, và của chính ngôi vị. Tất cả những gì chị có (bình bạch ngọc), và những gì chị là (hiện diện, nước mắt, mái tóc, những nụ hôn, danh dự, ngôi vị), chị đổ hết vào chân Chúa. Những cử chỉ này như muốn diễn tả tận cùng, diễn tả bao nhiêu có thể lòng mến của chị: « bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều » (c. 47). Hơn thế nữa, những cử chỉ của chị như muốn thâu tóm cả một cuộc đời mới mà chị hy vọng Đức Giê-su sẽ mở ra cho chị. Ngoài ra, cử chỉ này còn tôn vinh sự sống mới nơi Đức Giê-su (như cô Maria trong Ga 12, 1-8 và người phụ nữ trong Mc 14, 3-9).
Chúng ta hãy dừng lại thật lâu để nhìn ngắm, cảm nhận và thưởng nếm sự dịu dàng của tất cả những gì mà người phụ nữ đã làm cho Đức Giê-su. Và khi nhìn ngắm chị, chúng ta hãy xin Chúa đánh thức lòng ước ao yêu mến Chúa cũng mãnh liệt như thế theo cách thức riêng của mỗi người chúng ta và theo ơn gọi riêng của chúng ta.
b. Đức Giê-su
Hãy nhìn ngắm Đức Giê-su, tại sao Ngài để cho làm kì như vậy, trước mặt mọi người. Ánh mắt, thái độ và nhất là tâm cảm của Ngài. Sao Chúa không đẩy ra hay « đạp » cho một cái ? Đức Giê-su như đồng hóa mình với tội ; và điều này làm cho ông Simon nêu nghi vấn về căn tính của Người : « Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi ». Như thế, cách Đức Giê-su đón nhận người phụ nữ và phản ứng của những người chứng kiến đã loan báo mầu nhiệm Thập Giá rồi (tương tự như khi Chúa tha tội cho người bại liệt trong Mc 2, 1-12)
Ngoài ra, chúng ta cũng đừng quên nhìn, nghe các nhân vật (dù bản văn chưa tường thuật lời nói của các nhân vật, nhưng chắc chắn đã có những trao đổi xì xào), và quan sát thái độ của họ khi chứng kiến những gì mà chị làm cho Đức Giê-su. Nhưng thật ra những gì diễn ra trong lòng họ mới là vấn đề. Điển hình là ông Simon.
2. Đức Giê-su và ông Simon (c. 39-47)
Nếu ở đoạn trên, cái nhìn của chúng ta hướng về người phụ nữ, thì ở đây, cái nhìn của chúng ta được mời gọi hướng về ông Simon và hướng về Đức Giê-su. Và đây mới là trung tâm của trình thuật Tin Mừng. Chúng ta là tội nhân, hiển nhiên rồi, nhưng vẫn còn một vấn đề lớn khác : cái nhìn của chúng ta về những tội nhân khác. Trong phần này, chúng ta cần lắng nghe, lắng nghe tiếng lòng và lắng nghe tiếng nói.
Tiếng lòng (nghĩ trong bụng) của ông simon : ông giản lược ngôi vị vào những hành vi tội lỗi ở quá khứ, vì thế ông mù lòa đối với những hành vi đang diễn ra trước mắt ông, chúng hoàn toàn vô nghĩa. Đức Giê-su sẽ giúp ông mở mắt ra để biết nhìn. Ông Simon cũng đại diện cho tiếng nói bí ẩn dìm chúng ta vào mặc cảm tội lỗi.
Biết những suy nghĩ trong lòng ông, Ngài không giận dữ áp đặt cái nhìn của mình, Ngài kiên nhẫn dẫn ông ra ngoài (người cha ra ngoài gặp người con lớn, trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu) bằng cách kể cho ông nghe một câu chuyện, đặt câu hỏi để tự ông phán đoán. Chúng ta hãy dừng lại đây để thán phục và cảm nếm sự kiên nhẫn và cách thức dẫn dắt tài tình của Chúa. Ngài là Ngôi Lời (Lời, trong tiếng Hi-lạp là Logos, còn có nghĩa là lý lẽ của mọi sự, lý do tồn tại của mọi sự, qui luật liên kết mọi sự), nên mời gọi chúng ta dùng cả trí khôn, lý trí, óc phán đoán để hiểu và đón nhận Ngài và cung cách ứng xử của Ngài với người khác.
Sau khi ông phán đoán đúng về câu chuyện trong dụ ngôn (là dụ ngôn, nhưng lại diễn tả rất đúng lòng thương xót vô hạn và nhưng không của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi), Đức Giê-su đưa ông về với thực tại, là người phụ nữ đang hiện diện trước mắt ông và mắt Chúa. Và trong những lời này, Chúa như vô tình để lộ căn tính của mình : Ngài nói như thể Ngài là một ngôi vị mà người ta phải có lập trường, phải quyết định : tin hay không tin, đón nhận hay không đón nhận ; và nhất là Ngài công bố ơn tha tội, điều mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được mà thôi. Và người ta đã không bỏ qua điều phi thường này : « Ông này là ai mà có quyền tha tội? ».
Ngài ghi nhận từng chi tiết cử chỉ của người phụ nữ dành cho Ngài (nước mắt tưới chân, mái tóc lau khô, hôn chân liên tục, lấy dầu thơm đổ lên) rồi đem so sánh với thái độ tiếp rước của ông Pha-ri-sêu. Chúa như muốn áp dụng người nợ 500 quan tiền cho người phụ nữ và 50 quan cho ông Pha-ri-sêu, vì ông tự cho mình là người công chính). Nếu kết luận của dụ ngôn là hợp lí không chút bất ngờ, kết luận Chúa rút ra từ những gì đang xẩy ra chắc chắn đã làm mọi người chưng hửng (chị, ông, mọi người có mặt, và cả chúng ta nữa đang chiêm ngắm câu chuyện, nghĩa là cũng hiện diện) :
« Vì thế, tôi nói cho ông hay tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít » (c. 47)
Câu kết luận diễn tả những diễn biến nội tâm không nhìn thấy được, và nhất là cái nhìn của Thiên Chúa về những diễn biến trong lòng con người: những cử chỉ của người phụ nữ diễn tả lòng mến lớn ; và lòng mến lớn là dấu chỉ của ơn tha thứ còn lớn hơn đối với “rất nhiều tội”! Còn ai được tha ít (vì tự cho mình là ít tội, là công chính, thì sẽ yêu mến ít! Chúng ta có thể dừng lại để gẫm suy lời này của Đức Giê-su. Ông Simon, thinh lặng; và Chúa đã phải chờ câu trả lời của ông. Nhưng có lẽ Chúa phải chờ thật lâu, vì câu trả mà Chúa mong muốn, đòi một biến đổi nội tâm, biến đối quan điểm, cái nhìn, con tim. Và điều này cần rất nhiều thời gian. Vấn đề của ông cũng là vấn đề của chúng ta.
- Đức Giê-su và người phụ nữ (c. 48-50)
“Tội của chị đã được tha rồi”; “lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”. Hai câu của Đức Giê-su dành cho người phụ nữ thật ngắn gọn, nhưng đi đôi với ánh mắt dịu dàng và diễn tả sự đón nhận cách trân trọng tất cả những gì chị vừa làm, cũng như tất cả những chuẩn bị đã dẫn chị đến đây ; hai câu nói chữa lành những vết thương lòng của chị, phục hồi ngôi vị của chị, tái tạo cuộc đời chị.
Như thế, lòng tin có khả năng cứu vớt. Thật vậy, lòng tin vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện nơi ngôi vị và Thập Giá của Đức Giê-su, giải thoát chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi, khỏi sự nghi ngờ chết chóc đối với tình yêu và lòng thương xót của Chúa, cho dù cuộc đời của chúng ta có như thế nào. Điều này hoàn toàn hợp với suy tư của thánh Phaolô trong thư Galát và Roma : “Người ta nên công chính nhờ lòng tin, chứ không phải nhờ làm điều luật dạy” (Gal 3, 16). Ông Pha-ri-sêu là người giữ luật hơn ai hết ! Nhưng, những vấn đề nội tâm của ông dường như vẫn còn nguyên trong tương quan với tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.
* * *
Chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh, dù chúng ta là ai, đang ở tình trạng nào, để nhận ra và tín thác nơi tình yêu tình yêu đến cùng của Chúa. Xin cho tình yêu đến cùng của Chúa khơi dậy nơi con tim của chúng ta lòng khao khát cũng yêu Chúa đến cùng, như người phụ nữ tội lỗi.
* * *
Người Phụ Nữ tội lỗi và ba lời khấn
Đổ hết cuộc đời vào chân Chúa (vào chân Chúa, chứ không đổ lên đầu !) Lời khấn của chúng ta là như vậy, dù tạm hay trọn. Tạm hay trọn là pháp lý thôi, là những cột mốc mang tính huấn luyện hay sư phạm, vì chúng ta chỉ có thể lớn lên từ từ trong Dòng và trong Chúa. Nhưng, tương quan của chúng ta với Chúa, cam kết của chúng ta với Chúa phải là trước sau như một và mãi mãi.
Vì tình yêu của Chúa dành cho từng người chúng ta là trọn vẹn và mãi mãi. Giống như người cha nhân hậu, Chúa nói với chúng ta: “Tất cả của cha là của con”, Ngài chờ đợi chúng ta nói với Ngài trong tự do : “tất cả của con là của Cha”. Qua ba lời khấn, chúng ta thực sự đổ hết cuộc đời của chúng ta vào chân Chúa.
- Có điều gì gắn liền máu thịt với chúng ta hơn là cái thú sở hữu (cả xã hội sống bằng động lực sở hữu ; không cần phải có nhiều kinh nghiệm cuộc đời để nhận ra điều này : tiền bạc, máy móc, xe cộ, nhà cửa, phương tiện các loại từ rất bé đến rất lớn…). Vậy mà qua lời khấn khó nghèo, chúng ta từ bỏ quyền sở hữu. Trong đời tu chúng ta được sử dụng nhiều điều, nhưng chúng ta sử dụng vì mục đích phục vụ và nhất là chúng ta không làm chủ.
- Có điều gì gắn liền với thân phận con người chúng ta hơn là phái tính : đó là sức mạnh tự nhiên của thân xác (mạnh đến độ, tự mình không thể khuất phục được ; mạnh đến độ nó tự tìm cách trồi hiện lên ngang qua những biểu hiện rất tinh vi), và nhất là ơn gọi cao quí làm mẹ, làm cha. Thế mà, qua lời khấn khiết tịnh chúng ta hi sinh vì Chúa.
- Có điều gì gắn liền với chính chúng ta hơn là ý muốn riêng của mình : mình học điều này điều kia, mình muốn đi chỗ này chỗ kia, mình ở chỗ này chỗ kia, mình muốn làm việc này việc kia… làm điều mình muốn, mình mới là chính mình. Vậy mà qua lời khấn vâng phục, chúng ta từ bỏ ý muốn riêng, để muốn điều Chúa muốn, muốn điều Nhà Dòng muốn. Không phải là mình dửng dưng, không còn ý muốn nữa, nhưng là muốn điều Chúa muốn. Hai ý muốn thành một.
Sự hi sinh này sẽ đi theo chúng ta suốt đời. Thách đố sống khiết tịnh, với tuổi tác rồi sẽ qua (vì còn sơ múi gì nữa đâu!) ; thách đố sở hữu, với tuổi tác rồi cũng qua (sức khỏe xuống, phát bệnh, có dùng được cái gì nữa đâu, với lại nhà Dòng cho chúng ta đầy đủ, quá đủ nữa ; nhưng điều quan trọng hơn là với sự lớn lên của đời sống thiêng liêng, mình sẽ cảm thấy tự do với của cải vật chất). Nhưng thách đố làm theo ý mình sẽ còn mãi đến hơi thở cuối cùng. Động lực nào, nếu không phải là lòng biết ơn, lòng cảm mến, vì được sinh ra, được đón nhận và được bao dung, dù là hư vô, là nhỏ bé và “tội rất nhiều”, khiến chúng ta dâng cho Chúa tất cả, khiến chúng ta « đổ vào chân Chúa tất cả », vì « tất cả là của Chúa, nay con xin dâng lại Chúa tất cả ».
Đời tu có nhiều khó khăn, thách đố, nhưng rất cao quí, rất đáng giá để cho chúng ta « đổ hết cuộc đời vào » chân Chúa. Bởi vì sống đời dâng hiến, chính là để làm chứng cho sự hiện diện và tình yêu có sức mạnh lôi cuốn con người đến như thế, và để cho Chúa làm phát sinh sự sống mới khởi đi từ “cung lòng trinh nguyên” của chúng ta, nghĩa là từ cuộc đời dành riêng và dành hết cho một mình Chúa, như Đức Maria và thánh Giuse. Và sự sống của Chúa là gấp trăm và gấp bội, giống như “năm cái bánh và hai con cá” nhỏ bé và ít ỏi, tượng trưng cho bản thân chúng ta, nhưng nếu được đặt vào tay Chúa, sẽ có khả năng sinh sôi nẩy nở và nuôi sống được nhiều người.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc