“Vậy thì ông này là ai
mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”
(Lc 9, 7-9)
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe thật ngắn, nhưng lại đặt ra những vấn đề lớn liên quan đến căn tính của Đức Ki-tô, đến tương quan thiết thân của mỗi chúng ta với Đức Ki-tô và đến con đường Đức Ki-tô sẽ đi.
- Đức Giê-su là ai?
Trước hết đó là câu hỏi « Đức Giê-su là ai ? » Câu hỏi này được đặt ra cho tiểu vương Hê-rô-đê, vì, như bài Tin Mừng kể lại, chính ông đã nói :
Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi!
Vậy thì ông này là ai
mà ta nghe đồn những chuyện như thế? (c. 9)
Hiển nhiên, câu hỏi « Đức Giê-su là ai ? » đối với vua Hê-rô-đê có một ý nghĩa đặc biệt, bởi vì ông đã chém đâu Gio-an và nay có người lại nói Đức Giê-su là Gio-an từ cõi chết trỗi dậy. Ông đã làm điều dữ, và điều dữ tất yếu sẽ chi phối tâm hồn và cái nhìn của ông.
Nhưng nếu chúng ta đặt vấn đề của vua Hê-rô-đê trong một bối cảnh rộng lớn hơn, chúng ta sẽ nhận ra rằng, mỗi người mỗi cách, không ai có thể tránh né câu hỏi này : « Ngài là ai đối với tôi ? » Câu hỏi này đã được đặt ra cho vua Hê-rô-đê, cho những người đương thời của Đức Giê-su, như bài Tin Mừng thuật lại, cho chính các môn đệ, vì trong bài Tin Mừng ngày mai, chính Đức Giê-su sẽ hỏi các môn đệ đang đi theo Ngài : « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? » (Lc 9, 20)
Và hôm nay, câu hỏi « Đức Giê-su là ai ? » cũng phải đặt ra cho chúng ta ; chúng ta cũng hãy để cho mình « phân vân » về « tất cả những gì đã xẩy ra » : « tất cả những gì đã xẩy ra » cho Đức Giê-su, và cả « tất cả những gì đã xẩy ra » trong cuộc đời của chúng ta nữa.
Vậy, chúng ta hãy tự hỏi : Đức Giê-su là ai đối với tôi ? Ngài là ai trong lòng của tôi, trong cuộc đời của tôi, trong hành trình đi theo Ngài của trong ơn gọi của tôi, trong ngày sống của tôi, trong những lựa chọn lớn bé của tôi ? Và chúng ta hãy có lòng khát khao « tìm gặp » Ngài.
- Tìm gặp Đức Giê-su
Như bài Tin Mừng thuật lại, vua Hê-rô-đê phân vân về căn tính của Đức Giê-su và tìm cách để gặp Ngài. Và ý muốn này được tỏ lộ ra ở đây là để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và nhà vua, nhưng trong một tình cảnh rất đặc biệt, đó là cuộc Thương Khó: ông là quan tòa, còn Đức Giê-su là bị cáo (x. Lc 23, 8-12). Nhưng đó chỉ là bề ngoài thôi, vì trong sự thật, chính ông bị phán xét bởi Ánh Sáng, bởi Chân lí và bởi Sự Sống là chính Đức Ki-tô.
Và quả thực, Hê-rô-đê sẽ rất vui mừng khi thấy Đức Giê-su, được giải tới từ dinh tổng trấn Philatô. Ông muốn thấy Ngài làm vài phép lạ. Như thế, điều ông quan tâm là thấy các phép lạ, chứ không phải là chính ngôi vị của Đức Giê-su, không phải là ơn tha thứ, ý nghĩa cuộc sống, sự sống và niềm vui mà sẽ mang lại cho ông.
Ngày nay, vẫn còn những người như thế, đến với Chúa hay các thần linh chỉ vì muốn có các phép lạ, đáp ứng nhu cầu của mình. Nhưng Hê-rô-đê, những người đương thời và chính các môn đệ, cũng như loài người chúng ta hôm nay chỉ thấy được một Đức Giê-su sống đến cùng thân phận của một Ngôn Sứ, thân phận con của con người, con đường của « HẠT LÚA MÌ ». Nhưng đó lại là con đường dẫn đến sự sống.
- Mầu nhiệm Vượt Qua
Như thế, con đường Đức Giê-su phải đi, đã được loan báo ở đây rồi, bởi vì căn tính của Đức Giê-su gắn liền với con đường Thập Giá, và vì chính trong mầu nhiệm Vượt Qua, chết và phục sinh của Đức Ki-tô, mà căn tính của Ngài trở nên rạng ngời nhất.
Thực vậy, bài Tin Mừng tuy ngắn, nhưng tràn ngập tràn ngập ngôn từ của mầu nhiệm Vượt Qua: Gioan đã bị chém đầu; Gioan sống lại từ những kẻ chết; Elia xuất hiện; một ngôn sứ sống lại. Đức Giê-su cũng sẽ chết và sống lại, nhưng theo một cách thức duy nhất, bởi vì đó là « sức mạnh và sự khôn ngoan » của Thiên Chúa, và vì đó là sự sống hoàn toàn mới của Thiên Chúa.
* * *
Qua ba điểm trên, dường như bài Tin Mừng đã phác họa ra hành trình của người môn đệ đi theo Đức Giê-su rồi :
- Trước hết, học biết « tất cả những gì đã xẩy ra » liên quan đến Đức Giê-su.
- Sau đó, tự hỏi : « Đức Giê-su là ai đối với tôi ? » Hay đúng hơn, chúng ta phải để cho chính Đức Giê-su hỏi chúng ta một cách sống động và đích thân, vì Ngài vẫn đang sống động trong cuộc đời và ngày sống của chúng ta: « Còn con, con nói Thầy là ai ? »
- Và cuối cùng, chúng ta được mời gọi đi theo Ngài, không phải trên con đường chúng ta tự ý vạch ra, nhưng trên « Con Đường Thập Giá », nghĩa là con đường của hạt lúa mì, mà chính Người đã đi qua một cách trọn vẹn và hoàn hảo trong tâm tình tạ ơn và tín thác.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc