“Trông thấy thành,
Đức Giê-su khóc thương”
(Lc 19, 41-44)
- “Đức Giê-su khóc thương”
Trước hết, chúng ta hãy nhìn ngắm “Đức Giê-su khóc thương” và để cho mình được đánh động:
Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành,
Đức Giê-su khóc thương. (c. 41)
Như thế, Người coi trọng đến sự sống trong bình an của từng người và của loài người chúng ta biết bao, bởi vì Người đến để phục vụ cho sự sống của chúng ta, và người phục vụ cho đến cùng nơi bí tích Thánh Thể và mầu nhiệm Vượt Qua, mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ.
Và điều rất đặc biệt ở đây là Người không khóc thương một người riêng lẻ, như khóc thương ông Ladarô, nhưng khóc thương cả một thành đô ! Về phương diện lịch sử, những gì Đức Giê-su tiên báo về Thành Thánh sẽ thực sự xẩy ra.
Thật vậy, sẽ tới những ngày
quân thù đắp luỹ chung quanh,
bao vây và công hãm ngươi tư bề.
Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi,
và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào! (c. 43-44)
Quả vậy, vào năm 66, người Do thái nổi loạn chống lại người Roma; và đó là một cuộc chiến tranh đẫm máu. Titus, con của hoàng đế Vespasien và sẽ là hoàng đế tương lai, xâm chiếm thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 và phá hủy Thành Thánh. Hậu quả là hàng ngàn người Do thái bị giết và bị bán làm nô lệ.
Thành Thánh là nơi Đức Chúa hiện hiện, nơi Dân được Người tuyển chọn đến gặp gỡ và nghe Lời hằng sống của Người; Thành Thánh còn là hình ảnh của lịch sử cứu độ được hoàn tất, bởi vì mọi dân tộc được mời gọi đến Giê-ru-sa-lem để chia sẻ Ơn Tuyển Chọn của Israel. Nhưng với tai họa mà Đức Giê-su loan báo, gây ra bởi sự dữ vốn ngự trị cả nơi dân ngoại lẫn nơi Israel, phải chăng lịch sử cứu độ được Thiên Chúa dẫn đưa bị thất bại?
- “Đó là Công Trình của Chúa”
Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, vốn là mầu nhiệm đã được loan báo khắp nơi trong sáng tạo, trong lịch sử cứu độ và trong lịch sử loài người, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, đó là hành động của Tội và của Sự Dữ, nhưng Thiên Chúa lại mạnh hơn Tội và Sự Dữ, khi người dùng chính hành động của Tội và Sự Dữ để đưa chương trình cứu độ đến hoàn tất.
Thật vậy, trên Thập Giá, Đức Giê-su nói: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30). Vậy, “mọi sự” được Người hoàn tất là những gì?
- Đó là điều Ngài vừa làm, thiết lập Gia Đình mới, trên nền tảng tương quan mới giữa Đức Maria và người môn đệ Ngài thương mến.
- Đó là cuộc Thương Khó, và toàn bộ hành trình làm người của Người, hướng tới mầu nhiệm Vượt Qua.
- Đó là toàn bộ Kinh Thánh, kể lại ơn huệ Sáng Tạo, kể lại lịch sử cứu độ, vốn là hình ảnh của lịch sử loài người và từng người, trong đó diễn ra những thăng trầm thuộc thân phận, số phận con người, trong dó có tội và sự dữ.
Lịch Sử Cứu Độ đã được Đức Giê-su hoàn tất, bởi mầu nhiệm Vượt Qua. Xin cho lời của Đức Giêsu : « Mọi sự đã hoàn tất », cũng được ứng nghiệm nơi cuộc đời mỗi người chúng ta, nơi ơn gọi Chúa ban cho chúng ta, trong gia đình, trong cộng đoàn và trong Hội Dòng của chúng ta.
* * *
Đức Ki-tô là Đền Thờ của Thiên Chúa Cha, một khi bị “phá hủy”, sẽ trở thành, nhờ sức mạnh của Thánh Thần, Đền Thờ đích thực của Thành Thánh mới, và Thành Thánh mới sẽ là bất cứ nơi đâu Đức Ki-tô Phục Sinh hiện hiện và ban Lời hằng sống cho con người, như Đức Giê-su đã nói: “Phá hủy Đền Thờ này đi, tôi sẽ xây dựng lại trong ba ngày” (Ga 2, 19), thánh sử Gioan mặc khải: “Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người (Ga 2, 21); và Người còn nói: “Thiên Chúa Cha tìm kiếm những người thờ phượng Người trong thần khí và sự thật” (Ga 4, 23).
Đó là Công trình của Chúa,
công trình kì diệu trước mắt chúng ta” (Tv 118, 23; Mt 21, 42)
- “Vì ngươi đã không nhận biết…”
Ngoài ra, Đức Giê-su còn nhìn ra một lí do sâu xa hơn làm cho Thành Thánh bị phá hủy, đó là “bệnh mù quáng”:
Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được… Vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm. (c. 42 và 44b)
Như thánh Gioan nói: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11). Thời giờ thánh thánh Giê-ru-sa-lem được Thiên Chúa viếng thăm, chính là lúc Đức Giê-su đến, hiện diện và ban Lời Hằng Sống, mang lại bình an.
Nếu là như thế, lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng không chỉ dành cho Thành Thánh, nhưng dành cho bất cứ ai, bất cứ nhóm người nào và bất cứ thành đô nào, nghĩa là dành cho loài người chúng ta, nhóm chúng ta và cho từng người chúng ta. Và đây không phải là lời đe dọa sẽ bị Thiên Chúa đánh phạt, vì không nhận ra sự hiện diện của Đức Giê-su, không đón nhận và sống lời của Đức Giê-su, nhưng vì con người lựa chọn xây nhà trên cát (x. Mt 7, 24-27) !
Nếu không chọn Lời Hằng Sống và ăn Bánh Hằng Sống mà Đức Giê-su ban tặng, người ta sẽ để cho Sự Dữ thống trị, hủy diệt và thuộc về sự chết!
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc