“Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi;
ngày đó, họ mới ăn chay”
(Lc 5, 33-39)
Người ta chất vấn Đức Giêsu về việc ăn chay, vì ăn chay là một trong ba việc đạo đức căn bản (cùng với cầu nguyện và bố thí, được nêu trong bài Tin Mừng của Lễ Tro, Mt 6, 1-6.16-18), không chỉ trong Do thái giáo nhưng trong mọi tôn giáo, trong đó có Kitô giáo của chúng ta.
Chính vì thế, những người Pharisêu và các kinh sư họ năng ăn chay; và họ không chỉ giữ chay, nhưng còn quan tâm đến người khác có giữ chay không; họ quan tâm đến việc giữ chay của các các môn đệ Đức Giê-su, và qua đó việc giữ chay của chính Đức Giê-su. Vì thế, họ đến trách cứ Đức Giê-su:
Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện,
môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế,
còn môn đệ ông thì ăn với uống!
(c. 33)
- Đức Ki-tô “Chàng Rể”
Vậy ăn chay có mục đích gì? Người ta ăn chay để đạt tới hay hướng tới điều gì? Trong thực tế, việc ăn chay có thể có nhiều định hướng khác nhau. Chẳng hạn, ăn chay là một cách khổ chế, một đàng vì sự “no đầy” thể xác dễ bị chi phối bởi những năng động lệch lạc, đàng khác, có những thứ lương thực có năng lực kích thích những tư tưởng, cảm xúc và hành vi xấu, nếu sử dụng không điều độ. Trong Do thái giáo, người ta ăn chay để ăn năn và xin ơn tha thứ, hay để xin một ơn đặc biệt nào đó (x. 2Sm 13, 16.22; Ge 2, 12-17). Người ta ăn chay còn để chuẩn bị thi hành một sứ mạng (x. Tl 20, 26; Cv 14, 23). Ngoài ra, trong sách ngôn sứ Isaia (x. Is 58, 1-9a), Đức Chúa mời gọi dân của Ngài phải sống hài hòa giữa việc ăn chay và cách sống của họ với tha nhân và nhất là với những người nghèo đói, những người đau khổ. Ngày nay, người ta ăn chay còn để tiết kiệm tiền, dành cho việc bác ái. Ngoài ra, người ta ăn chay còn để chữa bệnh, gìn giữ sức khỏe hay bảo vệ môi trường!
Như thế, việc ăn chay hoặc có định hướng qui về mình hay qui về người khác, hoặc là một việc đạo đức chỉ có dáng vẻ bề ngoài, như quan niệm của những người đến chất vấn Đức Giê-su: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!”; và như chính Đức Giê-su đã cảnh báo: “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6, 16).
Tuy nhiên, ăn chay chỉ là một việc đạo đức đích thực, hay sâu xa hơn, chỉ mang chiều kích thiêng liêng, trong mức độ việc thực hành này hướng trực tiếp hay gián tiếp đến chính Thiên Chúa. Theo đó, người ta ăn chay để chuẩn bị mình để gặp gỡ Thiên Chúa (Xh 34, 28; Đn 9, 3), hoặc để diễn tả tương quan thuộc về Thiên Chúa (Lv 16, 29-31). Chính vì thế, Đức Giê-su không hủy bỏ việc ăn chay (x. Mt 6, 17-18), nhưng Ngài “hoàn tất” ý nghĩa việc ăn chay, bằng cách hướng việc ăn chay đến chính ngôi vị của Ngài, bởi vì Ngài là hiện thân của chính Thiên Chúa. Như thế, Đức Giê-su đã mang lại cho việc ăn chay một ý nghĩa hoàn toàn mới:
Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?
Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.
(c. 34-35)
Ăn chay, đối với Đức Giêsu, không phải là một việc bổn phận đạo đức, có tính ép buộc và thường hay qui về mình (hãm mình, đền tội, xin ơn…), nhưng là một hành vi hướng về “Một Người”, tưởng niệm “Một Người”, Người đó là “Chàng Rể bị đem đi”, là Đức Kitô chịu thương khó. Chúng ta ăn chay là để tưởng nhớ Đức Kitô chịu đóng đinh vì lòng mến và hướng tới lòng mến Đức Ki-tô. Có thể nói, vì “Thương Một Người”[1] mà chúng ta ăn chay. Như thế, vì lòng mến Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi không chỉ ăn chay theo luật định, nhưng còn có thể ăn chay bất cứ lúc nào, nhất là trong Mùa Chay, hay trong tuần tĩnh tâm. Tuy nhiên, Ngài đã Phục Sinh và hiện diện giữa chúng ta mọi ngày. Vì thế, chúng ta cũng ăn uống bình thường và đôi khi ăn tiệc nữa!
- Đức Ki-tô là “Áo Mới” và “Rượu Mới”
Với một câu hỏi thật ngắn về việc ăn chay, Đức Giê-su trả lời khá dài, với ba dụ ngôn liên tiếp: dụ ngôn tiệc cưới, trực tiếp liên quan đến câu hỏi, và hai dụ ngôn nữa, được biết đến nhiều hơn, mở rộng vấn đề ăn chay: dụ ngôn “vải và áo” và dụ ngôn “rượu và bình rượu”.
Hai dụ ngôn này mời gọi chúng ta hiểu ra rằng, Đức Ki-tô là “Áo Mới”, là “Rượu Mới”; từ nay, với Đức Ki-tô, không chỉ tương quan của chúng ta với lương thực, được diễn tả qua việc ăn chay, nhưng tương quan của chúng ta với mọi sự, phải xuất phát từ Đức Ki-tô, đặt nền trên Đức Ki-tô và hướng về Đức Ki-tô. Thực vậy, Với hai dụ ngôn, dụ ngôn “vải và áo” và dụ ngôn “rượu và bình rượu”, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hướng việc ăn uống, và ngang qua việc ăn uống là “mọi sự khác”, trong đó có chính sự sống của chúng ta, cuộc đời của chúng ta, tới ngôi vị của Ngài, tới tình yêu Ngài dành cho chúng ta và chúng ta dành cho Ngài. Bởi vì, lương thực còn là biểu tượng của sự sống. Vì thế, chúng ta có thể hiểu, đời sống dâng hiến của chúng ta là một việc “Ăn Chay” lớn nhất, ngang qua nỗ lực sống ba lời khấn, khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, và chúng ta ăn chay kiểu “lạ đời” này, vì lòng mến Đức Kitô và để sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài và cho Nước của Thiên Chúa.Ngoài ra, Đức Giê-su vẫn còn dùng một dụ ngôn nữa, dụ ngôn “rượu cũ và rượu mới”:
Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới.
Vì người ta nói: “Rượu cũ ngon hơn”.
(c. 39)
Đó là kinh nghiệm thực tế về các loại rượu. Nhưng trên bình diện mầu nhiệm Thiên Chúa và lịch sử cứu độ, Đức Ki-tô là Rượu Mới, nhưng lại “ngon” hơn mọi thứ rượu cũ. Bởi vì, như chính chúng ta có kinh nghiệm, khi chúng ta thưởng thức “Rượu Mới Đức Ki-tô” rồi, chúng ta không còn thèm bất cứ thứ rượu nào trên đời nữa. Khi đó, chúng ta có thể nói như thánh Phao-lô: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người.” (Phil 3, 8-9). Tuy Ngài là Rượu Mới, nhưng vẫn ngon hơn mọi loại rượu cũ, bởi vì, Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, và “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3). Ngài là Omega, nghĩa là tương lai, mới mẻ, cùng đích; nhưng đồng thời cũng là Alpha. Ngài không chỉ có trước, nghĩa là “xa xưa”, nhưng còn là Khởi Đầu của mọi sự (Kh 22, 13).
- “Người ban bánh cho tất cả chúng sinh”
Như thế, việc ăn chay của chúng ta chỉ trở nên đích thật trong mức độ, đó là cách chúng ta diễn tả tương quan tình yêu của chúng ta đối với chính Chúa. Nhưng nếu Chúa hiện diện ngay trong “bánh” chúng ta dùng hằng ngày, thì việc ăn chay của chúng ta sẽ ra sao? Bởi vì lương thực là ơn huệ Thiên Chúa ban (x. St 1-2; Đnl 8, 3): Chúa hiện diện nơi ơn huệ của Người, và khi hưởng dùng ơn huệ, chúng ta được mời gọi nhận ra và đi vào tương quan biết ơn với Đấng ban ơn huệ:
Người ban bánh[2] cho tất cả chúng sinh.
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
(Tv 136, 25)
Và bánh ăn hằng ngày, vốn là ơn huệ của Thiên Chúa loan báo cho chúng ta Bánh Trường Sinh, Bánh ban sự sống đời đời là chính Đức Ki-tô, vốn là Ơn Huệ của mọi ơn huệ (Ga 4, 10 và Ga 6). Vậy, ăn chay đích thật không chỉ là không ăn hay ăn ít đi một số lần hay một số ngày vì lòng mến Chúa; nhưng còn là mọi ngày, chúng ta được mời đón nhận lương thực như ơn huệ Thiên Chúa ban và chúng ta để cho ơn huệ lương thực hằng ngày hướng chúng ta đến Ơn Huệ Lương Thực hằng sống là chính Đức Ki-tô[3].
* * *
Chúng ta cầu nguyện với Chúa mỗi ngày, và nhất là trước bữa ăn: “xin ban cho chúng ta lương thực hằng ngày”; và quả thực, ơn huệ lương thực đã có đó ngay trên bàn trước mắt chúng ta. Vì thế, sự sống của chúng ta, ở mức độ căn bản nhất là đến từ Chúa và là của Chúa. Và điều Chúa chờ đợi nơi chúng ta, là một lời nguyện phát xuất từ con tim biết ơn và dâng hiến: “Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả”, trong tâm tình ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa”, theo khuôn mẫu của Đức Ki-tô Thánh Thể.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] “Thương một người”, bài hát, của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
[2] Bản dịch Việt ngữ: “Người ban lương thực…”. Trong tiếng Do thái, “Người ban bánh…”. Có thể đọc bài “Chúa ban BÁNH…” (Tv 136).
[3] Một Cha Giáo nói với các tập sinh: “Các anh cứ tưởng là khi ăn chay, các anh sẽ thánh thiện hơn. Nhưng thực ra, các anh chỉ gầy đi hơn thôi”.