“Cơn sốt biến mất:
tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài”
(Lc 4, 38-44)
- Từ “Hội Đường” đến “nhà ông Phêrô”
“Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simon”; ông Simon là người mà sau này Đức Giêsu đặt thêm một tên mới: Phêrô, nghĩa là đá, để nói lên sứ mạng của ông. Trong viễn tượng này, hành trình của Đức Giêsu từ hội đường đến nhà ông Simon Phêrô mang đầy ý nghĩa:
- Từ Cựu Ước sang Tân Ước; từ Israel sang Dân Mới của Thiên Chúa, là Giáo Hội.
- Từ nơi phượng tự sang ngôi nhà của đời sống bình thường.
- Từ cầu nguyện đến ước ao sống ngày sống và cuộc đời mình như một lời cầu nguyện.
Cũng như mỗi khi chúng ta, sau Thánh Lễ, sau giờ chầu và giờ kinh, chúng ta rời khỏi Nhà Nguyện để đến nơi chúng ta sống và làm việc. Và chính ở nơi chúng ta sống và làm việc mà ở đó diễn ra mọi vấn đề của cuộc sống (vấn đề tương quan, vấn đề công việc, chuyện vui chuyện buồn, những lo lắng…) và mọi vấn đề của thân phận con người (sinh, lão, bệnh, tử).
Nhưng cũng chính tại nơi chúng ta sống và làm việc mà niềm tin của chúng ta nơi Chúa, kinh nghiệm ơn cứu độ và đời sống ơn gọi, Ki-tô hữu hay tu trì, được thử thách và qua đó trở nên đích thực.
Vì thế, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm những gì diễn ra trong nhà ông Simon Phêrô, vì tuy những gì diễn ra ở đây thật đơn sơ, nhỏ bé và giới hạn, nhưng lại nói cho chúng ta cách thức để cho Chúa đi vào trong đời thường của chúng ta.
- Ơn chữa lành và phục vụ
Lúc ấy, trong nhà, bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng; Tin Mừng theo thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu thêm chi tiết này: bà nằm liệt trên giường. Họ xin Người chữa bà. Tin Mừng theo thánh Mác-cô kể tinh tế hơn: “lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà” (Mc 1, 30).
Chúng ta có thể dừng lại ở đây để cảm nếm sự hiệp thông của nhiều người được dệt nên chung quanh người bệnh, nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu: mọi người trong nhà và cả những người có mặt ở đó quan tâm đến người mẹ. Thánh Mác-cô xác định, đó là các môn đệ. Điều này có nghĩa là, người thân của một người trong nhóm, đã trở thành người thân của tất cả nhóm. Chúng ta đã có kinh nghiệm này trong đời sống đức tin và nhất là trong đời sống dâng hiến. Sự quan tâm dành cho nhau trong thực tế và trong lời nguyện, chính là nét thiết yếu làm nên Cộng Đoàn, và làm nên Dân Mới do Đức Giêsu qui tụ.
Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất. Thánh Mác-cô mô tả chi tiết hơn: “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy”. Như thế ơn chữa lành đến từ cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Đức Giêsu và người bệnh; một cuộc gặp gỡ thật gần gũi và trìu mến. Đức Giêsu cũng đón nhận người thân của các môn đệ như là người thân của chính mình. Và đây là mẹ vợ chứ không phải mẹ ruột!
Cơn sốt biến mất và bà mẹ bắt đầu phục vụ họ, nghĩa là Đức Giêsu và cả nhà. Bà khỏi bệnh và lấy lại sức sống, không chỉ là sức sống thể lý, nhưng là sức sống mới phát xuất từ lòng biết ơn, vì thế, hành động đầu tiên bà thực hiện đó là phục vụ. Cũng giống như chúng ta, chúng ta được Đức Giêsu chữa lành, phục hồi, giải thoát, tha thứ, chúng ta dâng hiến cuộc đời trong ơn gọi gia đình, và nhất là ơn gọi dâng hiến ngang qua đời sống cộng đoàn, ba lời khấn, sứ vụ để diễn tà lòng cảm mến và để phục vụ.
* * *
Trong cuộc sống, chúng ta cũng nhiều khi mang bệnh, không phải là bị sốt, vì bệnh sốt đã có nhiều loại thuốc tây paracetamol, aspirine… chữa rất hiệu quả. Nhưng đó là những bệnh nội tâm vô hình, những bệnh này cũng làm cho chúng ta “liệt giường”, “liệt giường” trong tương quan với Chúa, trong tương quan với anh em hay chị em trong cộng đoàn hay gia đình và những người thân yêu, và có thể nói, “liệt giường” cả trong xác tín về ơn gọi và sứ vụ.
Chúng ta được mời gọi quan tâm đến nhau và cầu nguyện cho nhau như các môn đệ xưa, để Đức Giêsu đến gần, đụng vào từng người chúng ta và ra lệnh cho “mọi bệnh hoạn tật nguyền” của chúng ta biến đi, để ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm được Đức Giê-su chữa lành, nhờ lòng tin và sự liên đới của nhiều người.
Và chỉ với kinh nghiệm chữa lành này, chúng ta mới có thể sống với nhau thực sự, phục vụ nhau và phục vụ người khác cách thực sự, ngang qua ơn gọi mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta. “Một cách thực sự”, có nghĩa là chúng ta sống và phục vụ trong tâm tình biết ơn và lòng mến đối với Đấng ban ơn, là Đức Ki-tô.
- Rao giảng và trừ quỉ
Chúng ta được mời gọi nhận ra sự tự do của Đức Giêsu đối với nhu cầu của chính mình và của con người: Đức Giê-su không muốn khơi ra nhu cầu và tìm cách đáp ứng (như nền kinh tế thị trường trong đó chúng ta đang sống); nhưng, Ngài chỉ khơi dậy lòng ước ao Thiên Chúa, có nơi sâu thẳm của con người.
Vì thế, trong thực tế, Ngài đã không làm hết việc, Ngài chỉ chữa nhiều người nhưng không chữa hết mọi người. Do đó, vẫn còn nhiều người nữa đang tìm Ngài, họ còn nhờ các môn đệ đi tìm dùm! Nhưng Đức Giê-su rời nơi đó để đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, và khắp miền Galilê để rao giảng và trừ quỉ (lưu ý: hoạt động chữa bệnh không được nêu ra).
Ngài dường như chỉ muốn đi lướt qua lịch sử con người, và chỉ dừng lại ở một số thân phận. Bởi vì Ngài chỉ muốn vạch ra cho chúng ta con đường phải đi, con đường dẫn đến ơn chữa lành triệt để và đích thực, đó là ơn chữa lành bởi Thập Gia, như thư Do Thái mặc khải cho chúng ta:
Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ.
(Dt 2, 14-15)
Ơn này sẽ dành cho mọi người thuộc mọi thời và mọi nơi. Và Ngài vẫn cần chúng ta nói cho con người hôm nay về Ngài, và ơn chữa lành triệt để của Ngài, và cách nào đó, chúng ta cũng cần nói cho Ngài về con người hôm nay, như các môn đệ đã làm trong “Nhà ông Phêrô”.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc