Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC
Cv 2,14a. 36-41; đi 10,1-10
Chúa Nhật 4 Mùa Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật CHÚA CHIÊN LÀNH. Giáo Hội mời gọi các tín hữu cầu nguyện đặc biệt cho ơn gọi thiên triệu giáo sĩ và tu sĩ: Xin Chúa ban xuống cho Giáo Hội nhiều mục tử tận tụy, biết quên mình theo mẫu mực Vị Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu, hiến trọn cuộc đời chăm sóc, dưỡng nuôi Đàn Chiên; đồng thời cũng không ngại dấn thân đi tìm những chiên còn đang trong tình trạng xa lìa đàn để qui tụ tất cả về lại trong MỘT ĐÀN CHIÊN, dưới sự chăm lo của MỘT CHỦ CHĂN DUY NHẤT.
Lời Chúa trong cả ban năm ABC đều qui về một chủ đề: đó là những tương quan nối kết giữa MỤC TỬ-CHIÊN và CHIÊN-MỤC TỬ. Ngang qua những tương quan sống động ấy, Lời Chúa mặc khải cho chúng ta vài nét về dung mạo của Đức Giêsu.
Lời Chúa năm A nhấn mạnh đến ba mối tương quan giữa CHIÊN và MỤC TỬ là BIẾT-NGHE và ĐI THEO.
Bài đọc 1 thuật lại các sự kiện xảy ra trong ngày lễ Ngũ Tuần liên quan đến biến cố CHÚA THÁNH THẦN ĐƯỢC BAN XUỐNG CHO ĐOÀN MÔN ĐỆ Đấng Phục Sinh. Các tông đồ đã mở tung cửa ra, không còn sợ hãi nữa. CÙNG NHAU, “đứng chung với nhau” và Phêrô đại diện tông đồ đoàn, loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người tin vào ĐỨC CHÚA của Israel đang tuôn về Giêrusalem, từ bốn phương để dự lễ Ngũ Tuần.
Trong bài 1 này, Mục Tử là các tông đồ: các vị đã rao giảng chân lý cho đàn chiên là mọi người tin Chúa của Israel đang về Thánh Đô dự lễ hành hương Ngũ Tuần: “Toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này là: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm ĐỨC CHÚA và làm ĐẤNG KITÔ. Và ĐÀN CHIÊN ở đây đã NGHE, HIỂU lời Mục Tử, họ đã xin các tông đồ tư vấn: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” – Thánh Phêrô đại diện các tông đồ chỉ dẫn cho ĐÀN CHIÊN con đường phải ĐI THEO để được ơn cứu độ:
– Trước tiên là phải SÁM HỐI; Rồi mỗi người hãy chịu Phép Rửa nhân danh Đức Giêsu và đón nhận Chúa Thánh Thần.
– Đáp lại ân huệ bao la của Thiên Chúa, họ phải thay đổi đời sống: tránh xa thế hệ gian tà, nghĩa là sống theo một nền luân lý mới do Đức Giêsu phục sinh mang tới.
Kết quả là ĐÀN CHIÊN đã VÂNG NGHE lời Các Mục Tử: họ ĐI THEO con đường mới: CHỊU PHÉP RỬA trở nên môn đệ Đấng Phục Sinh. Hôm ấy, 3.000 CHIÊN đã về lại với ĐÀN của Đức Kitô.
Trong năm A, bài Tin Mừng không nói Đức Giêsu là mục tử. Đức Giêsu xác nhận Người là “CỬA CHO CHIÊN RA VÀO”. Đức Giêsu nói Người là CỬA của CHUỒNG CHIÊN. “CHUỒNG” hay “RÀN” là nơi mà mục tử khi đêm đến lùa chiên vào đó để chiên được ấm và dễ bề canh giữ. “CỬA” là nơi chiên phải đi ngang qua đó để vào chuồng và thế là chiên tìm được nơi nghỉ ngơi an toàn, ấm áp, được mục tử coi , bảo vệ. Rồi khi ngày đến, “CỬA” là nơi mà chiên phải đi qua để được mục tử nhận diện và để nhận ra được mục tử của mình rồi đi theo (vì trong môi trường chăn thả thì một chuồng ban đêm có thể chứa nhiều đàn chiên của nhiều chủ khác nhau). Và rồi chiên sẽ được mục tử dẫn đến đồng cỏ xanh tươi. Đức Giêsu khẳng định dứt khoát như thế: “Tôi là CỬA- Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ”.
Khi nói “Tôi là Cửa”, Đức Giêsu còn muốn mặc khải một tương quan mới; Người là CHUẨN MỰC để biện phân, nhận diện ai là Mục Tử thật, ai là GIẢ ( kể cả cho chiên): “Kẻ nào không qua cửa mà vào ràn…đó là kẻ trộm”(10,1) Hắn leo rào vào chỉ để ăn trộm và giết hại chiên (10,10); Vì chiên không biết , không nghe và không đi theo chúng (10,4-5).
Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp các mục tử lẫn đàn chiên năng đến gặp gỡ Đức Kitô, năng nghe lời Người, làm theo những gì Người dạy bảo để trở nên chiên thật của Chúa, rồi từng bước trở thành MỤC TỬ thật của Chúa tùy theo ơn gọi mà Chúa thương ban cho mỗi người trong cuộc sống. Giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, ước gì tất cả đều là chiên ngoan, là mục tử tốt của vị MỤC TỬ NHÂN LÀNH GIÊSU.