Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC
Mầu nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi” là Mầu nhiệm chóp đỉnh của đức tin Kitô giáo. Tin, đón nhận Đức Kitô phải đưa chúng ta đến với và hiệp thông với Ba Ngôi. Tất cả mọi giáo huấn của Chúa Giêsu đều có chung mục đích là đưa nhân loại đến chỗ nhận biết Cha và tin nhận Con là Đấng Cha đã sai đến: đó là căn nguyên ơn cứu độ (Ga 17,3). Và để đạt tới sự nhận biết đó, tự sức con người là điều không thể có được, cần có sự trợ lực của Chúa Thánh Thần là Thần Khí Sự Thật, Đấng sẽ đưa đoàn môn đệ đến sự thật toàn vẹn (Ga 16,13), Đấng ấy “Sẽ dạy anh em mọi điều.”(Ga 14,26)
Mầu nhiệm Ba Ngôi là mặc khải của thời Tân Ước. Trong Cựu Ước, Mầu nhiệm này chỉ được hé mở một phần: ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa duy nhất. Thiên Chúa chỉ mới bày tỏ bản tính Thần linh của Người cho Israel; còn phần Thiên Chúa có BA NGÔI là mặc khải của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, trong Cựu Ước, Thiên Chúa cũng đã chuẩn bị sẵn một số yếu tố cần thiết dọn đường cho phần mặc khải về BA NGÔI:
* Thiên Chúa được gọi là ELOHIM: một danh từ ở SỐ NHIỀU của ELOAH. Đây là một điều bí nhiệm trong Cựu Ước đã trở thành một thực tại trong Tân Ước nhờ mặc khải của Chúa Giêsu về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
* Trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã “Họp cộng đoàn” trước khi tạo dựng nên con người: Thiên Chúa nói với chính mình “CHÚNG TA hãy làm ra con người theo hình ảnh CHÚNG TA, giống như CHÚNG TA …”(St 1,26)
Nét giống nhau dễ thấy nhất giữa Thiên Chúa và con người trong bản văn về Sáng tạo, đó là TÍNH CỘNG ĐOÀN: Thiên Chúa dựng nên con người có NAM CÓ NỮ (St 1,27). Và cộng đoàn Ba ngôi trở thành Mẫu Mực cho mọi cộng đoàn nhân loại, và chỉ trong cộng đoàn, con người mới đáp trả được ước mơ của Thiên Chúa về con người “con người sống một mình KHÔNG TỐT”(St 2,18)
Mặc dù đã được chuẩn bị, nhưng trong Cựu Ước, Mầu Nhiệm Ba Ngôi vẫn chưa được tỏ lộ. Vì thế bài đọc 1 trích từ Cựu Ước không nói đến Ba Ngôi cách trực tiếp minh nhiên. Bài đọc 1 năm A chỉ nói rằng Đức Chúa là Thiên Chúa nghĩa là chỉ đề cập đến VẾ ĐẦU của Mầu nhiệm “THIÊN CHÚA/ BA NGÔI”. Và năm A không nhắm đến TÍNH DUY NHẤT, ĐỘC THẦN của ĐỨC CHÚA mà nhấn mạnh đến lòng nhân ái của Người đối với dân cho dù dân phản loạn: “ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”. Những đức độ thần linh ấy được biểu lộ cụ thể qua việc “THA THỨ những lỗi lầm và tội lỗi của dân, tiếp tục nhận dân làm cơ nghiệp.”
Đoạn Tin Mừng trong năm A cũng chỉ đề cập đến CHA và CON và dự tính yêu thương của Chúa đối với nhân loại- Cả hai bài đọc đều ca ngợi Tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, đó là tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho con người bằng mọi giá. Thật vậy Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu ấy đối với thế gian qua việc “Ban tặng Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”
Tương quan “thưởng phạt công minh”, sòng phẳng theo việc làm đã được thay thế bàng tương quan THA THỨ- TIN. Con người được tha, được hủy án không phải vì đã LẬP ĐƯỢC CÔNG TRẠNG đền bù TƯƠNG XỨNG với những tội lỗi của mình, nhưng ĐƯỢC THA chỉ vì: Đó là Ý Cha, lòng nhân hậu của Cha đã sai Con Một đến trần gian nói cho con người đang sợ hãi lẩn tránh Chúa, nói rằng Thiên Chúa tha tất cả. Vấn đề còn lại là về phía con người: Đừng sợ hãi, trốn tránh Chúa nữa, hãy đến và Tin vào Người Con mà Thiên Chúa sai đến. ĐÓ CHÍNH LÀ CÔNG TRÌNH CỦA THÁNH THẦN. Thật vậy, nhờ Thánh Thần, ta không còn sợ hãi nữa và dám thưa cùng Chúa là Cha, Abba (Rm 8,15), và cũng nhờ Thánh Thần ta tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa (1Ga 4,2.13.15)
Tóm lại Ba Ngôi Thiên Chúa đã tỏ mình cho nhân loại qua tình yêu tha thứ, qua lòng nhân ái của Người; Và điều Ba Ngôi mong đợi là nhân loại hãy “nên giống Chúa” là YÊU THƯƠNG NHAU THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU. Chính khi sống cộng đoàn yêu thương nhau, chúng ta rao giảng Mầu Nhiệm Ba Ngôi. Đó là bước khởi đầu để từ đó Thần Khí sẽ từng bước một đưa nhân loại vào huyền nhiệm.