Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay, Năm B.

Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC

ALG169046 Biến hình, 1594-95 (dầu trên vải) của Carracci, Lodovico (1555-1619)
trên vải sơn
438×268
Pinacoteca Nazionale, Bologna, Ý
Alinari
Italian, không có bản quyền

– St 22, 1-2.9a.10-13.15-18; Mc 9,2-10 .

Chúng ta bước vào Chúa Nhật II Mùa Chay. Lời Chúa hé mở cho chúng ta thấy trước phần nào vinh quang phục sinh nhằm khích lệ các tín hữu can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá.

Hưởng vinh quang phục sinh thì ai cũng thích! Nhưng phải tiến bước trên con đường thập giá thì ai cũng sợ! Khổ thay, theo đức tin Kitô giáo thì thập giá của Đức Kitô là con đường duy nhất đưa tới phục sinh. Vinh quang phục sinh Kitô giáo không chỉ là sống lại về thể xác mà còn đưa nhân tính con người được thông  phần thiên tính, được trở thành con cái của Thiên Chúa. Để con người vượt thắng được nỗi sợ hãi thập giá, Thiên Chúa bằng nhiều cách đã hé mở cho con người được cảm nghiệm trước phần nào hạnh phúc của vinh quang phục sinh; đồng thời giúp con người ý thức được rằng thập giá thật ra chỉ là một NGƯỠNG CỬA phải bước qua để bỏ lại sau lưng những gì là khổ đau, giới hạn của kiếp phàm nhân tội lỗi và bước vào vinh quang thần linh mà Thiên Chúa dã dọn sẵn cho nhân loại từ trong công trình sáng tạo.

 Trong chiều hướng đó, Chúa Nhật II Mùa Chay cho cả ba năm ABC Tin Mừng luôn chọn đọc  biến cố HIỂN DUNG. Biến cố này được trình bày sau cú vấp ngã trầm trọng của Phêrô trước mặc khải thập giá (Mt16,21-23; Mc 8,31-33); Và sau khi mắng Phêrô là Satan, Chúa Giêsu khẳng định lại một cách dứt khoát rằng phải kinh qua con đường thập giá: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”(Mt 16,24; Mc 8,24); Lc 9,23 còn đòi hỏi quyết liệt hơn: “…Vác thập giá mình  HẰNG NGÀY mà theo.”

Trong bài đọc 1, thập giá và phục sinh được ẩn tàng trong trình thuật Thiên Chúa đòi Abraham phải hiến tế cho Chúa đứa con thừa tự, đứa con của lời hứa, đứa con một yêu dấu. Lệnh truyền của Thiên Chúa đúng là một thập giá kinh hoàng, quá nặng đè trên vai một ông cụ già đã hơn 100 tuổi. Cuộc hành trình 3 ngày đưa con Isaac yêu quí  tới nơi hiến tế đúng là hành trình bóng đêm của thập giá (phần này bản văn phụng vụ bài đọc 1 không đọc). Tuy nhiên Abraham đã tin vào Lời Chúa một cách vô điều kiện, hơn mọi suy tính của lý trí phàm nhân, Abraham đã vác thập giá lên tận nơi hiến tế. Nhưng rồi cuối cùng, tuyệt vời thay đường lối của Thiên Chúa: cuối con đường thập giá, lúc Abraham đưa dao sát tế Isaac thì Thiên Chúa bày tỏ trọn vẹn ý định của Ngài: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ”. Thiên Chúa tuyên dương dức tin của Abraham vàan thưởng cho ông: một ông cụ tưởng chừng là tuyệt tự giờ trở thành cội nguồn của cả một dân đông đúc và còn hơn nữa, trở thành nguồn phúc cho  chư dân (x. St 22,15-18). Kết quả tuyệt vời này là một hé mở trước vinh quang PHỤC SINH.

Tin Mừng thuật lại biến cố HIỂN DUNG theo Maccô. Cuộc thần hiện biến hình diễn ra ngay trước mắt ba môn đệ Phêrô, Giacôbê, Gioan. “Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông…và ba môn đệ THẤY ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu“. Đứng trước  vinh quang thần linh vừa được hé lộ, một lần nữa Phêrô lại rơi vào cơn cám dỗ lãng quên thập giá: Ông muốn tận hưởng dài lâu ngay bây giờ, trên núi này các vinhq uang thoáng qua báo trước phục sinh (chứ chưa phải là vinh quang phục sinh) “ “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều , một cho Thầy, một cho ông Môsê, một cho ông Êlia.” Phản ứng đó hợp với các câu 9,6.10 đã cho thấy rằng các môn đệ chưa hiểu gì về biến cố này. Vinh quang thần linh của Chúa Giêsu chỉ được tỏ lộ trọn vẹn và vĩnh cửu sau phục sinh, nghĩa là phải trải qua thập giá. Bây giờ chỉ là chút ánh sáng lóe lên chuẩn bị cho các ông đương đầu với bóng tối thứ Sáu Thánh. Thiên Chúa phải can thiệp đưa các ông về lại với thực tại qua tiếng Chúa Cha tuyên phán: Hãy vâng nghe lời Chúa Giêsu đi trọn con đường thập giá. Bởi vì theo Maccô, chính thập giá mới là yếu tố đưa Chúa Giêsu vào vinh quang phục sinh vĩnh cửu, tỏ lộ thần tính viên mãn của Người (x. Mc 15,39). Vậy biến hình chưa phải là trạm đến mà chỉ là trạm tạm dừng tiếp sức để có sức đi đến đỉnh Golgotha.

Thập giá luôn là nỗi sợ của con người! Nhưng đó là lộ trình duy nhất đưa tới phục sinh. Chút vinh quang hiển dung là để khích lệ môn đệ can đảm hoàn tất con đường thập giá trong HIỆN TẠI. Đó mới là chân phúc, là vinh quang vĩnh cửu, vì đó chính là THÁNH Ý CHÚA CHA.