Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC
– 1Sm 3, 3b-10.19; Ga 1,35-42
Sau Mùa Giáng Sinh, Phụng vụ bước vào Mùa Thường Niên thứ nhất, tức là Mùa Thường Niên trước Lễ Tro. Lời Chúa trong Mùa Thường Niên mời tín hữu chiêm ngắm Chúa Giêsu trong giai đoạn Người hoạt động công khai giữa lòng tuyển dân. Người tiếp tục tỏ mình ra cho họ qua các hoạt động, rao giảng, các phép lạ và một cách đặc biệt qua việc tuyển chọn và đào tạo nhóm Môn Đệ chuẩn bị nhân sự tiếp tục công cuộc tại thế của Người.
Chúa Nhật 2 Mùa Thường Niên, Chúa Giêsu tiếp tục TỎ MÌNH. Và đối tượng của lần tỏ mình này thì HẸP hơn: Nhóm Môn đệ được Người tuyển chọn. Cả ba năm đều hướng về chủ đề này dù nội dung các bài đọc vẫn khác nhau tùy theo năm. Giữa lòng Dân Chúa, Chúa Giêsu chọn lựa, thiết lập cộng đoàn thiên sai; đào tạo họ, chuẩn bị họ làm nền cho cộng đoàn Dân Mới của Chúa là Giáo Hội sau này.
Lời Chúa của Chúa Nhật 2 Mùa Thường Niên tập trung vào ƠN GỌI và LỜI ĐÁP TRẢ. Phần Thiên Chúa. Phần Thiên Chúa, Người luôn nắm thế chủ động, đi bước trước lên tiếng mời chọn con Người, rồi sau đó con người mới đáp lại. Tuy nhiên trong Lời Chúa của Chúa Nhật 2B Mùa Thường Niên thì điểm được nhấn mạnh là vai trò của NGƯỜI TRUNG GIAN: cần phải có sự trợ giúp của một người trung gian để người được gọi có thể nghe và biện phân ra được ý Chúa và đáp trả lại được. Nhưng rồi chung cuộc thì kẻ được gọi cũng phải ĐÍCH THÂN GẶP GỠ, ĐÁP TRẢ TRỰC TIẾP lời mời của Chúa.
Bài đọc 1 trích từ sách Samuel quyển 1, thuật lại ơn gọi của cậu bé Samuel. Cậu là đứa con cầu tự được Thiên Chúa đoái thương nhận lời ban cho mẹ cậu là bà Anna, người vợ son sẻ của tư tế Encana. Vì thế bà đã hứa, sau khi cai sữa, sẽ dâng cậu lại cho Thiên Chúa (1Sm 1,1-2,11). Vậy ngay từ bé, cậu đã ở lại đền thờ Silô cùng với gia đình tư tế Êli, phục vụ Thiên Chúa. Trong khi gia đình tư tế Êli sống bất xứng với ơn gọi, chức vụ của mình thì Samuel lại đẹp lòng Chúa mọi đàng, vì thế Chúa quyết định loại bỏ nhà Êli và đưa Samuel vào thế chỗ (1Sm 2,12-36). Chính trong bối cảnh ấy, Chúa đã lên tiếng mời gọi Samuel.
Đang đêm Samuel ngủ trong đền thờ, gần Hòm Bia Thiên Chúa, Chúa cất tiếng gọi cậu; Nhanh chóng tỉnh thức, tưởng thầy Êli gọi mình, Samuel chạy đến trình diện với Êli, nhưng Êli trả lời không hề gọi cậu, rồi bảo cậu về ngủ lại, sự việc xảy ra đến 3 lần. Và thầy Êli đã nhận ra rằng Chúa đã gọi Samuel. Êli hướng dẫn Samuel, nhờ đó khi Chúa gọi lần thứ tư, gọi ĐÍCH DANH cậu “Samuel!” “Samuel!”, cậu đã thưa “Lạy ĐỨC CHÚA” xin Ngài phán vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”. Như vậy dù bất xứng, nhưng Êli vẫn là trung gian Chúa dùng để giúp Samuel nhận ra được tiếng Chúa. Và ơn gọi Samuel chỉ hoàn tất khi ông đích thân gặp Chúa và “không để cho một Lời nào của Người ra vô hiệu.”
Còn trong bài đọc Tin Mừng, vai trò trung gian giới thiệu Đức Kitô cho người khác có đến hai người:
Người thứ nhất là Gioan Tẩy Giả: ông đang đứng với hai người môn đệ của ông thì thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông liền nói với hai môn đệ: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Và chỉ qua trung gian lời giới thiệu ấy, hai môn đệ của Gioan đã đến với Chúa Giêsu để tiếp xúc ĐÍCH THÂN, TRỰC TIẾP gặp gỡ, ở với Chúa Giêsu và trở thành môn đệ Người.
Người thứ hai đóng vai trò trung gian là ông ANRÊ, một trong hai môn đệ của Gioan vừa theo Chúa Giêsu. Sau cuộc gặp gỡ ĐÍCH THÂN, BIỆT VỊ và ở lại với Chúa Giêsu, ngay tức khắc Anrê đã trở thành “cánh tay nối dài” của Chúa Kitô, làm trung gian đem em mình là Simon-Phêrô đến với Chúa Giêsu.
Vậy Tin Mừng nhấn mạnh đến QUÁ TRÌNH để một người trở thành môn đệ Chúa Giêsu:
* Trước tiên phải cần một trung gian hướng dẫn, giới thiệu Chúa Giêsu với người được chọn .
* Tiếp theo là người được chọn phải ĐÍCH THÂN đến gặp gỡ Chúa Giêsu.
* Được Chúa Giêsu soi sáng, giúp ý thức động lực, mục đích đến với Người: “Các anh tìm gì thế?”
* Rồi Người đích thân mời gọi “Đến Mà Xem”.
* Họ đã đến “Xem” và “Ở lại với Người”.
* Rồi trở thành môn đệ Người, CHỨNG NHÂN cho Người, lôi cuốn người khác đến với Người.
Mỗi tín hữu qua trung gian Giáo Hội và nhiều trợ lực khác đã nên môn đệ Chúa Giêsu. Đến phiên mình, hãy là trung gian giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác.