Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC
– Gn 3.1-5.10; Mc 1,14-20
Lời Chúa hôm nay gồm 3 yếu tố đan chéo vào nhau tạo nên sứ điệp của Chúa Nhật 3B Mùa Thường Niên.
– Yếu tố thứ nhất là lòng nhân hậu của Thiên Chúa được biểu lộ ngang qua sứ điệp mà Thiên Chúa gởi tới cho con người.
– Yếu tố thứ hai là thái độ đáp trả từ phía con người trước sứ điệp mà Thiên Chúa đã đi bước trước gởi đến cho con người.
– Yếu tố thứ ba chính là hoa trái của hai yếu tố trên. Đó là ơn cứu độ. Cuộc sống con người thăng hoa.
Bài đọc 1 thuật lại việc Thiên Chúa sai ngôn sứ Giôna đi loan báo lệnh truyền sẽ hủy diệt thành Ninivê cho vua dân của thành biết. Thoáng đọc qua bài đọc 1, ta tưởng rằng Giona rất ngoan ngoãn, dễ bảo, mau chóng thi hành lệnh của Đức Chúa. Thực ra trích đoạn làm bài đọc 1 là lệnh truyền thứ hai của Chúa cho Giona sau lần ông trốn chạy lệnh truyền thứ nhất của Chúa.
Nội dung của án lệnh Chúa truyền cho Giona phải báo cho dân Ninivê là: “40 ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá hủy.” Thế nhưng sau đó kết quả đã không xảy ra như lời Giona loan báo: Thành được Thiên Chúa tha thứ. Bởi vì khi nghe án lệnh, dân Ninivê từ vua đến dân đã tin vào Thiên Chúa, hoán cải, công bố sám hối, chạy tịnh, bỏ đường tội lỗi mà quay về cùng Thiên Chúa; Do đó Thiên Chúa đã chạnh lòng thương, thứ tha tội lỗi và không giáng phạt xuống trên thành Ninivê như đã loan báo.
Như vậy trong bài đọc 1, án lệnh cho thành Ninivê lại trở thành sứ điệp cứu độ; lời tuyên án lại trở thành lời cảnh cáo kêu mời sám hối. Những phương thức trách phạt lắm lúc lại là dấu chỉ của lòng nhân hậu; Thiên Chúa cảnh cáo mạnh kêu mời con người thức tỉnh, sám hối để được thứ tha. Bên trong án lệnh dữ dằn ấy, dân vua Ninivê đã đọc ra được sứ điệp tình yêu ấy, nhận ra lòng nhân lành của Thiên Chúa đang mong chờ con người sám hối để thứ tha.
Tính phổ quát của ơn cứu độ được đề cao ở đây: lòng nhân hậu của Thiên Chúa không bị “nhốt”, giới hạn trong một lãnh thổ, một dân.
Bài đọc 1 cũng đề cao lòng tin của dân ngoại: Họ có khả năng sám hối nên cũng được hưởng ơn tha thứ của Chúa. Nhờ đó số phận dân Ninivê đổi mới.
Trong bài đọc Tin Mừng, lòng nhân hậu của Thiên Chúa được biểu lộ tuyệt vời nơi chính con người và sứ mạng của Chúa Giêsu: Đích thân Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa xuống trần loan báo sứ điệp yêu thương cho đám dân bị người Do thái Giuđê coi khinh như là dân ngoại. Chúa Giêsu không nói sứ điệp răn đe mà Người yêu thương kêu mời sám hối vì thời hồng ân Chúa hứa ban đã tới rồi: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại đã đến rồi, hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Và trong ý định của Thiên Chúa, sứ điệp ấy không dành riêng cho Galilê, tin vui phải được loan cho đến tận cùng thế giới, một khi đã nhấp nhận thân phận làm người, Con Thiên Chúa cũng cần đến người cộng tác để tiếp tục công cuộc Người đã khởi công. Do đó lòng nhân hậu của Thiên Chúa lại có sáng kiến KÊU GỌI CÁC MÔN ĐỆ TIÊN KHỞI, biến đổi họ thành CỘNG TÁC VIÊN của Người. Phần thứ hai của bài Tin Mừng thuật lại ơn gọi của bốn môn đệ tiên khởi.
Bốn ông đang làm công việc mưu sinh thường nhật của mình; Chúa Giêsu đột ngột đến với các ông; Người mời gọi: “Các anh hãy đi theo tôi”; kèm theo một lời đoan hứa làm các ông ĐỔI ĐỜI: “Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”; và các ông bỏ công việc mà đi theo Người.
Sự hiện diện và sứ mạng Chúa Giêsu trao cho các môn đệ qua muôn thế hệ là DẤU CHỈ VỮNG BỀN của lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với nhân loại: qua các thế hệ môn đệ, Tin Mừng được loan đi khắp nơi; Nhân loại mọi nơi mọi thời đều được nghe ơn cứu độ và được cứu.
Phần các môn đệ, số phận họ được đổi mới nhờ ơn gọi và sứ vụ mà Chúa Giêsu trao ban cho họ: Vừa là công việc cũ : CHÀI LƯỚI; vừa là sứ vụ mới: LƯỚI NGƯỜI thay vị lưới cá.
Tất cả tín hữu đều được Chúa gọi mời. Hãy tận dụng những gì đã được Chúa ban để làm công cuộc mới của Chúa. Điều Chúa mong đợi nơi chúng ta là đáp lời trở thành cộng tác viên với điều kiện là bỏ “Chài lưới” mà đi theo người.