Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC
– Đnl 18, 15-20; Mc 1, 21-28.
Lời Chúa 4B Mùa Thường Niên hé cho ta thấy một nét của DUNG MẠO Đấng Mêsia. Trong thân phận giới hạn của kiếp làm người, không một hình ảnh, dung mạo phàm nhân nào có thể diễn tả đầy đủ căn tính của Đấng Thiên Sai. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn yêu thương, tôn trọng con người bằng cách dùng ngay những hình ảnh giới hạn đó để đến với con người, tiếp cận và mạc khải dự tính của Chúa cho con người.
Điều Chúa mong đợi nơi chúng ta không là chúng ta nắm bắt được Thiên Chúa bằng sự hiểu biết của lý trí chúng ta; Chúa không để chúng ta “nhốt” Chúa trong những KHÁI NIỆM, hình ảnh phàm nhân của ta. Điều Chúa khát khao chờ đợi nơi ta là qua những hình ảnh được mạc khải còn đầy giới hạn đó, Chúa muốn ta đi vào tương quan biệt vị (relation pesonnelle) giữa Thiên Chúa với con người, giữa THIÊN CHÚA với TỪNG NGƯỜI.
Một hình ảnh mà Lời Chúa hôm nay muốn sử dụng để đưa dân Chúa đi vào tương quan thân tình với Người: Đó là hình ảnh NGÔN SỨ.
Trong Kinh Thánh, Ngôn Sứ là tiếng nói của Thiên Chúa, lời của Ngôn Sứ chính là Lời Chúa: Khi sấm ngôn đã được Chúa trao cho họ, họ bị buộc phải công bố, không thể trốn chạy (Giôna); họ không được tùy tiện nói những gì mà Chúa không truyền nói cho dù là điều tốt (2Sm 7,1-5)…
Trong Israel, dân có thể bầu chọn vua, tư tế, nhưng với Ngôn Sứ thì không. Nếu vì lý do nào đó vắng bóng Ngôn Sứ thì chỉ còn cách là CHỜ, cầu nguyện, nài xin Chúa nối lại tương giao với dân bằng cách ban Ngôn Sứ (x. 1Mcb 4,44-46), (x. ĐNTHTK “Sứ Ngôn” Cựu Ước I.3). Ngôn Sứ là đối tượng của lời hứa, hoàn toàn là ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa.
Bài đọc 1 trích từ khối văn chương Đnl 17,14-18,22 đề cập đến 3 chức vụ lãnh đạo trong thể chế “quân chủ thần quyền” của dân Chúa: vương đế, tư tế và ngôn sứ. Phần được phụng vụ, bài đọc 1, đề cập đến là phần nói về các ngôn sứ.
Đối với người Do Thái, Môsê được coi là cội nguồn của Ngôn sứ Israel; Ông là ngôn sứ đặc biệt không ai sánh bằng (Đnl 34,10). Ông là trung gian nói lại cho dân những gì Chúa phán dạy vì dân không thể nghe thấy Chúa trong vinh quang thần linh của Người mà còn sống được (x. Đnl 5, 22-31). Ông chính là khuôn mẫu của VỊ NGÔN SỨ thời cánh chung mà Chúa hứa ban cho dân. Chúa sẽ đặt Lời của Chúa nơi miệng Vị Ngôn Sứ ấy và Vị ấy sẽ nói lại cho dân tất cả những gì mà Chúa đã truyền cho vị ấy.(Đnl 18,18)
Hình ảnh VỊ NGÔN SỨ vĩ đại ấy được ứng nghiệm nơi con người của CHÚA GIÊSU, vì Người giảng dạy có quyền năng trong LỜI NÓI lẫn trong VIỆC LÀM (x. Lc,24,19; Mt 16,14; Lc 7,16 …) Thật vậy, mở đầu bài đọc Tin Mừng hôm nay, Máccô trình bày Chúa Giêsu dưới những đường nét của một Ngôn Sứ vĩ đại: Từ nội dung cho đến cách giảng dạy, Người trổi vượt hơn các bậc thầy, kinh sư của dân Chúa: “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền chứ không như các kinh sư”(Mc 1,22), “Giáo lý lại mới mẻ”(1,27). Các kinh sư chỉ dám lập lại y chang những gì họ nhận được từ người xưa, lắm khi lập lại cứng ngắc vô hồn. Còn Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng lập luật.: “Còn Ta, Ta bảo…” (x.Mt5,21-48).
Chúa Giêsu đúng là VỊ NGÔN SỨ mẫu mực mà Thiên Chúa hứa ban, vì Người giảng dạy uy quyền không chỉ trong lời nói mà còn trong cả việc làm. Thật vậy, phần thứ hai của bài đọc Tin Mừng, Chúa Giêsu xuất hiện là Đấng có uy quyền trên cả ma quỉ: Người có khả năng sai khiến thần ô uế (c. 25) kể cả có thể tiêu diệt được chúng (c. 24a), Người chính là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”(c. 24b), nghĩa là chính VỊ NGÔN SỨ mà Thiên Chúa đã đoan hứa từ ngàn xưa (x. Bài 1 Đnl18,15.18) nay đã xuất hiện.
Chỉ có một điều đáng tiếc là trong lúc ma quỉ nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, thì cả nhân loại là những kẻ được Người tới giải cứu lại chưa nhận ra Người. Họ chỉ kinh ngạc, bàn tán với nhau: “Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh.”(c.27).
Lạy Chúa Giêsu Nadaret, xin mở mắt chúng con nhận ra Người là “Vị Ngôn Sứ”, là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” đang đồng hành với chúng con và biết thờ lạy Người trong từng giây phút của cuộc sống.