Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC
– Is 63,16-17.19b; 64,2b-7. Mc 13,33-37.
Hôm nay ngày “Tết” của Năm Phụng Vụ; Chúng ta bước vào năm phụng vụ mới: Mùa Vọng năm B. Tâm tình khát khao mong chờ Chúa đến và thái độ luôn ở trong tình trạng TỈNH THỨC sẵn sàng để khi Chúa đến, chúng ta đừng bị rơi vào tình trạng bất ngờ chưa kịp chuẩn bị; Đó là 2 chủ đề được Hội Thánh kiên trì, ân cần nhắc nhở con cái mình trong suốt Mùa Vọng nhất là Chúa Nhật thứ nhất.
Sở dĩ chúng ta can đảm đợi trông là vì CHÚA ĐÃ ĐẾN RỒI và Chúa cũng hứa NGƯỜI SẼ LẠI ĐẾN để hoàn tất công cuộc của CHA. Lời Chúa của Chúa Nhật 1Mùa Vọng luôn hướng về 2 lần ĐẾN của Chúa Giêsu:
– Bài 1nói về tâm tình chờ mong của dân Cựu Ước khắc khoải chờ mong Đấng Thiên Sai, Mêsia đến giải cứu họ.
– Bài Tin Mừng là lời cảnh cáo của Chúa Giêsu nói về lần đến thứ hai của Người. Yếu tố được nhấn mạnh là tính BẤT NGỜ của quang lâm và thái độ phải có để luôn sẵn sàng khi quang lâm đến, đó là TỈNH THỨC.
Bài đọc 1 mời chúng ta rút ra bài học cho mình từ hai tâm tình chờ Chúa của dân Cựu Ước:
+ Chờ Chúa với tất cả niềm khao khát, khắc khoải đợi trông: “Phải chi Chúa xé trời mà ngự xuống”(63,16b). Lời khẩn cầu như thôi thúc Chúa đến mau; như giận dỗi, ấm ức vì sao Chúa chậm đến.
+ Và tâm tình tỉnh ngộ, sám hối ăn năn: Ban đầu, khi chịu cảnh khổ cực lưu đầy, Dân Chúa như mang tâm tình than trách Chúa vì sao Chúa lại để cho dân đi lạc xa đường lối Chúa (63,17) để rồi bị phạt. Thế nhưng với ơn Chúa, khi bình tâm nhìn lại, dân nhận ra đó là đường lối Chúa dùng sửa dạy dân, tập dân sống tự do (64,3-4) giúp dân thực sự nhận ra lỗi lầm của mình và thật lòng thống hối về lại với Chúa (64,5-6)
Qua trường học khổ đau ấy, dân mới dần nhận ra sự ngổ ngáo của mình và chân nhận Chúa thật sự là người CHA đầy yêu thương. Thật vậy, Chúa đã nhận dân là con đầu lòng của Chúa (Xh 4,22-23); Rồi khi dân quên Chúa, suýt bị diệt vong bên Ai cập thì Chúa đã giải cứu dân; Chúa thật sự đã khai sinh dân khi ban cho dân luật (x. 63,16b. 64,7)
Chính khi tỉnh ngộ, nhờ ơn Chúa, khám phá ra tình thương của Chúa như thế, Dân trở về nài xin Chúa đến cứu, và xin với tất cả lòng khao khát, sám hối, hối thúc Chúa: “Phải chi Chúa xé trời mà ngự xuống”. Để thực sự sống Mùa Vọng, chúng ta phải bắt chước Dân Do Thái sống lại nơi bản thân ta kinh nghiệm về Thiên Chúa là CHA, là ĐẤNG GIẢI THOÁT, là ĐẤNG SÁNG TẠO nên ta. Chưa sống được mối tương quan này với Chúa nơi ta thì mùa Vọng chỉ mới là hình thức.
Tin Mừng hôm nay trích từ bài giảng của Chúa Giêsu về ngày quang lâm. Mc 13 là bài giảng Chúa Giêsu dành riêng cho môn đệ, đặc biệt là cho 4 ông: Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê (13,3). Bài giảng nói về nhiều điều nhưng có thể tóm vào vài nét chính:
+ Chắc chắn là có ngày quang lâm (13,28-31).
+ Tuy nhiên ngày giờ rõ ràng là bí mật của Chúa Cha. (13,32)
Khi nói về ngày quang lâm là 1 biến cố trong tương lai, thì SỨ ĐIỆP mà Chúa Giêsu muốn gởi đến cho các tông đồ lại là một SỨ ĐIỆP HIỆN TẠI: sứ điệp đó PHẢI TỈNH THỨC “anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”. Sứ điệp lúc đầu chỉ nói cho 4 môn đệ, cuối cùng Chúa Giêsu cũng mở ra cho hết thảy mọi người: PHẢI CANH THỨC.
Theo Maccô, canh thức đối với chung cho mọi người là chu toàn việc chủ trao cho là đủ ( c.24a). Riêng đối với NGƯỜI GIỮ CỬA, thì trách vụ trính là PHẢI CANH THỨC. Vậy đây là Lời Chúa nhắn nhủ đặc biệt cho hàng lãnh đạo Hội Thánh (4vị) Sau là cho toàn tín hữu phải đóng vai trò người canh đêm để nhắc nhở, giúp mọi người hãy lo chu toàn bổn phận mà Chúa đã trao phó cho TỪNG NGƯỜI (c.34a). Người tín hữu cần xác tín rằng Nhân loại đang ở dưới ách bóng tối, ngày Chúa đến không có gì đáng sợ cả, vì Chúa đến là để chấm dứt đêm đen, chuẩn bị đưa nhân loại vào một ngày mới. Trong ngày mới, những gì là “ngái ngủ” của đêm không thể tồn tại. Phải chuẩn bị cho nhân loại bước vào “Ngày Mới” đó cách tốt đẹp. Đó chính là sứ mạng của Hội Thánh, của từng tín hữu Kitô giáo: Canh thức cho chính bản thân và cho cả nhân loại nữa.