Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC
– Ga 20, 1-9
CHÚA GIÊSU ĐÃ SỐNG LẠI THẬT RỒI. ALLELUIA!
Thần chết đã vĩnh viễn bị khuất phục. Từ nay nọc độc quyền lực của Thần Chết không còn khống chế được nhân loại nữa. Và còn hơn thế nữa một con người trong nhân loại đã đi vào vinh quang thần linh, được tôn vinh là CHÚA “Từ thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi Tử Thần, đâu là chiến thắng của ngươi?”(1Cr 16,54; x. Is 25,8; Hs13,14) Chiến thắng của Chúa Giêsu là chiến thắng toàn diện, nhân tính cả xác hồn được hồi sinh, giao hòa lại với Thiên Chúa mà còn được thông phần với Thiên Chúa. Và đây cũng là sự phục sinh CHO TOÀN THỂ NHÂN LOẠI chứ không phải chỉ cho một cá nhân; là phục sinh nhân tính chứ không phải chỉ phục sinh thân xác. Thật vậy, xưa kia trong vườn Eden, Adam Evà ăn trái cấm nhưng họ đâu có chết theo kiểu “hết thở”, “tim ngừng đập”, nhưng là bị loại trừ ra khỏi nhan Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Adam mới (Rm 5,18-19) qua phục sinh đã đưa nhân tính của Người và toàn thể nhân loại về lại với Ba Ngôi Thiên Chúa, và còn hơn nữa, PHỤC SINH còn là tôn vinh nhân tính cho được thông phần Thiên Tính kết hợp mật thiết với Ba Ngôi trong Chúa Kitô.
Từ đó, TIN vào Chúa Giêsu Phục Sinh không phải là công việc riêng của lý trí đón nhận, cho là thật một biến cố, một sự kiện thuộc thế giới tự nhiên; không phải chứng minh sự kiện bằng một kiểm chứng khoa học thực nghiệm.
Vì vậy, LỜI CHÚA khi nói về Phục Sinh không hề có chủ ý mô tả sự kiện, nhưng mà qua những nét tưởng chừng như mô tả, Lời Chúa mời chúng ta- tín hữu, khám phá ra cái ẩn tàng bên trong những trình thuật: ĐIỀU GÌ LÀ NỀN TẢNG giúp nhân loại MỌI NƠI, MỌI THỜI đều có thể dựa vào đó để nhận ra và Tin Chúa Giêsu đã Phục Sinh; và niềm tin Phục Sinh phải là một kinh nghiệm đích thân, biệt vị của từng người.
Trong chiều hướng đó, đoạn Tin Mừng được chọn đọc trong Chúa Nhật Phục Sinh cho cả 3 năm ABC không hề đề cập đến những lần hiện ra của Chúa Giêsu vốn là yếu tố có giá trị nhất ủng hộ cho việc Người đã sống lại. Chúa Nhật thứ 1 ABC Mùa Phục Sinh trích đọc Ga 20,1-9 không hề có một sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đoạn này. Đoạn văn chỉ cho chúng ta thấy một ngôi mộ trống, nên đã lấp cửa mồ đã được lăn ra một bên, trong mồ không có xác Chúa Giêsu, chỉ còn lại băng vải liệm để ở đó và khăn che đầu Chúa Giêsu được cuộn lại ngay ngắn, xếp để riêng ra một nơi. Mọi sự ngăn nắp, mang dáng vẻ bình an.
Lần lượt có mặt tại ngôi mộ chỉ có 3 nhân vật:
1/ Bà Macdala ra mộ từ lúc trời còn tối. Mục đích chỉ là để viếng mộ, than khóc, níu kéo thêm giây phút được ở gần người thân. Bà đi tìm một XÁC CHẾT với những tình cảm hoàn toàn mang tính phàm nhân. Do đó, lúc tranh tối tranh sáng, từ xa thấy tảng đã lấp mồ lăn qua một bên, bà đã hốt hoảng loan ra một tin do bà tưởng tượng: xác Chúa Giêsu bị trộm mất. Nghe tin dữ, Phêrô và mộ đệ Chúa yêu vội vàng chạy ra mộ. Người môn đệ Chúa yêu chạy nhanh hơn ra tới mộ trước nhưng không vào. Phêrô đến sau nhưng chạy luôn vào ngôi mộ trống.
2/ Phêrô là người đầu tiên có mặt trong lòng ngôi mộ, thấy tận mắt hiện trường. Ông là chứng nhân đầu tiên. Sự ngăn nắp của ngôi mộ bác bỏ việc xác bị mất cắp.
3/ Người thứ hai vào lòng mộ là “môn đệ Chúa yêu”. Tuy nhiên kết quả nơi ông thật bất ngờ: bản văn chỉ ghi gọn “Ông đã thấy và ông đã tin”. Lúc đó Chúa Giêsu chưa hiện ra cho ai cả. Vậy dựa vào đâu ông ấy tin? LỜI KINH THÁNH.
Thật vậy, đứng trước ngôi mộ trống ngăn nắp. Hai ông mới HIỂU lời Kinh Thánh rằng “Theo Kinh Thánh, Chúa Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết” nên tin Chúa đã Phục Sinh.
Trong bài đọc 1, Công Vụ Tông Đồ kể lại việc Phêrô rao giảng về Chúa Giêsu Phục Sinh cho gia đìnhCornêliô. Chính lời rao giảng và chứng từ của Phêrô đặt nền trên LỜI CÁC NGÔN SỨ đã là yếu tố giúp Cornêliô tin rằng Chúa Giêsu đã phục sinh.
Như vậy, Kinh Thánh là yếu tố chính giúp nhân loại mọi thời tin vào Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu; kèm theo Kinh Thánh là một số yếu tố khác khơi gợi lòng tin: đối với các tông đồ đó là ngôi mộ trống, đối với các tín hữu mọi thời thì đó là CHỨNG TỪ vì lời RAO GIẢNG TÔNG TRUYỀN về Đấng Phục Sinh. Hãy tiếp xúc với Lời Chúa để tin, rồi biến cuộc sống mình thành lời rao giảng, chứng từ tiếp nối truyền thống tông đồ làm cầu nối cho muôn thế hệ có điểm tựa vững chắc mà tin rằng Chúa Giêsu đã phục sinh.